Khẳng định vai trò của Mặt trận trong chương trình mục tiêu quốc gia

Tuệ Phương 10/11/2022 06:57

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo lại thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng với cách làm bài bản, quyết liệt, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã từng bước đưa địa phương vượt qua khó khăn, vững bước xây dựng cuộc sống mới.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc đã góp phần giúp tỉnh Yên Bái giảm nghèo hiệu quả.

Ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái là tỉnh nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 173 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 huyện nghèo và 59 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Do đó, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổng thể các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Huy nhấn mạnh, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hỗ trợ cho vùng cao, vùng đồng bào DTTS thông qua các Chương trình, dự án, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Để triển khai các hoạt động trên, MTTQ tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn MTTQ các cấp tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát và đầu tư của cộng đồng cũng như giám sát trực tiếp của nhân dân để giám sát các chương trình, dự án đang triển khai ở khu dân cư. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giám sát đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi đồng bào trực tiếp được thụ hưởng; giám sát Chương trình 135, Chương trình 134 và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương vùng đồng bào DTTS cũng như giám sát các chính sách lớn đang được triển khai thực hiện ở vùng DTTS. Qua giám sát và nắm tình hình của MTTQ các cấp nên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

“Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong những năm qua MTTQ các cấp cùng với hệ thống chính trị đã huy động mọi nguồn lực xã hội để phát huy vai trò chủ thể, trực tiếp của người dân trong xây dựng NTM. Từ việc đổi mới phương thức vận động từ chính cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Nhờ việc huy động sức dân mà đến nay diện mạo NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực sự khởi sắc, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy. Bên cạnh những thành tựu đạt được trong xây dựng NTM, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đặc biệt quan tâm đến các chính sách về Bảo hiểm y tế, chính sách về hỗ trợ người nghèo về nhà ở... Nhờ thực hiện tốt các chương trình đó mà tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 5,03%/năm” - ông Huy chia sẻ.

Để việc phối hợp, vận động đồng bào DTTS thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đạt hiệu quả hơn, ông Huy đề nghị, trong thời gian tới tỉnh cần tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, mở rộng phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động nhân dân đoàn kết xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào DTTS, có cơ chế khuyến khích, biểu dương, khen thưởng cá nhân điển hình tiên tiến, đồng thời có giải pháp phê bình, xử lý trong cộng đồng dân cư những trường hợp vi phạm, thiếu tích cực. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp lựa chọn và mở các lớp tập huấn kiến thức sản xuất nông, lâm nghiệp, đào tạo nghề cho lao động là người DTTS. Tập huấn nâng cao khả năng tiếp cận các ngành, nghề phi nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ các cá nhân thực hiện một số mô hình dịch vụ mới, có hiệu quả, phù hợp với xu thế mới của địa phương...

“Không dừng lại ở đó, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp. Tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nhất là đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tăng cường công tác giám sát, phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách dân tộc. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, nguồn lực đảm bảo triển khai, tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên, toàn diện, kịp thời kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn đến các cấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết” - ông Huy chia sẻ.

Tuệ Phương