Vụ án Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái kêu oan: Trả hồ sơ về Cơ quan điều tra lần 2
Vụ án khiến Nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái khiếu nại, kêu cứu vừa được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái chuyển trả lần 2 về Cơ quan điều tra để làm rõ nhiều nội dung.
Luật sư bào chữa bị gây ‘khó dễ’
Trao đổi với Đại Đoàn Kết mới đây, ông Hà Quốc Đoàn, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh Yên Bái cho biết, ngày 20/10/2022 hồ sơ vụ án Lăng Đức Hân tiếp tục được trả về Cơ quan điều tra. Như vậy vụ án đã trải qua gần hai năm thực hiện điều tra và đề nghị truy tố, hai lần trả hồ sơ, nhưng vẫn chưa ra được bản cáo trạng.
Như tin đã đưa, bị can Lăng Đức Hân (sinh 1972, Giám đốc Cty TNHH Ngọc Tâm, Yên Bái) và đồng phạm vận chuyển trái phép 294 kg thuốc nổ bị bắt quả tang trên hồ Thác Bà được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái khởi tố từ đầu năm 2021. Theo Kết luận điều tra, Lăng Đức Hân và một số đối tượng đã lợi dụng việc nổ mìn lấy đá làm vật liệu xây dựng con đường (dài 1,5 km) dẫn vào khu vực mỏ quặng Núi Ngàng của Cty TNHH Tuyên Huy (Yên Bái) ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình để khai thác quặng trái phép.
Vụ án sau đó gây xôn xao dư luận khi Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục khởi tố bị can đối với anh Đinh Tiến Hùng vào ngày 5/4/2022 khi anh này đang giữ chức Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái, với tội danh "Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên". Anh Hùng đã nhiều lần viết đơn khiếu nại khẩn cấp gửi cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương kêu oan. Anh Hùng đã đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Yên Bái làm rõ những tình tiết bị cho là có liên quan trong bản Kết luận điều tra số 03/KLĐT-ANĐT ngày 4/5/2022, và cả bản Kết luận điều tra bổ sung số 01/BKL-ANĐT ngày 24/8/2022.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hoàng Trọng Hồng (Đoàn LS Yên Bái, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Đinh Tiến Hùng) cho biết đã nộp đơn đến Viện KSND tỉnh Yên Bái ngay sau khi vụ án chuyển sang giai đoạn truy tố để thực hiện quyền sao chép và nghiên cứu (tháng 5/2022). Nhiều lần, Luật sư Hồng yêu cầu kiểm sát viên, trực tiếp đến gặp lãnh đạo Viện KSND tỉnh Yên Bái đề nghị nhưng vẫn không được bố trí tiếp cận hồ sơ. Sau 5 tháng, đến ngày 20/10/2022, tức lần thứ hai hồ sơ vụ án được Viện KSND tỉnh Yên Bái chuyển trả về Cơ quan điều tra, Luật sư Hoàng Trọng Hồng vẫn không được xem những tài liệu này.
Bức xúc và chung quan điểm trên, Luật sư Đỗ Như Thành (Đoàn LS Hà Nội, đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đinh Tiến Hùng) cũng cho biết đã nhiều lần đề nghị quý Viện cho tiếp cận hồ sơ vụ án nhưng không được chấp nhận. Luật sư Thành phải sử dụng điện thoại và cả tin nhắn zalo nhắc kiểm sát viên, thậm chí đã 3 lần viết đơn đề nghị đến Viện KSND tỉnh Yên Bái.
"Kiểm sát viên đã từ chối, trì hoãn nhiều lần, đưa ra nhiều lý do không thuyết phục và rất khó kiểm chứng. Như vậy là thiếu tôn trọng luật sư và vi phạm Luật tố tụng Hình sự. Điều này ảnh hưởng quyền được bào chữa của bị can, trong khi Đinh Tiến Hùng đã nhiều lần gửi đơn kêu bị khởi tố oan sai", Luật sư Thành viết trong đơn đề nghị lần thứ 3.
Trước ngày hồ sơ được Viện KSND tỉnh Yên Bái chuyển trả lần thứ hai về Cơ quan điều tra, Luật sư Thành mới được tiếp cận hồ sơ vụ án nhưng chưa được sao chép đầy đủ, ông cho biết.
Bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội?
Kết luận dẫn lời khai của Nguyễn Văn Hậu (sinh 1982, Giám đốc Cty Tuyên Huy), và của Nguyễn Trọng Tuấn (sinh 1965, Phó Giám đốc), rằng họ đã gặp gỡ anh Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm ở trung tâm TP Yên Bái vào tháng 10/2020 (không rõ ngày) để bàn khai thác quặng trái phép thông qua việc Lăng Đức Hân nổ mìn lấy đá nói trên. Tình tiết này được Cơ quan điều tra cho rằng "là tài liệu chứng cứ quan trọng nhất" để buộc tội anh Đinh Tiến Hùng theo Khoản 2 Điều 227, BLHS 2015.
Các luật sự bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can Đinh Tiến Hùng đánh giá vụ án qua hai Kết luận điều tra và phân tích dữ liệu thu thập, nhận định chưa có chứng xác đáng, để khởi tố Đinh Tiến Hùng. Theo luật sư, bản Kết luận điều tra không diễn giải chi tiết cuộc nói chuyện tại quán cà phê ra sao, âm giọng thế nào và chứng cứ xác nhận nội dung. Cuộc gặp gỡ chỉ 15 phút, Nguyễn Văn Hậu và Đinh Tiến Hùng khi đó mới nhận ra nhau từng là bạn học phổ thông sau gần 20 năm, hỏi thăm sức khỏe, nghề nghiệp, họ chưa thể vào cuộc ngay cùng bàn bạc việc khai thác quặng trái phép.
Anh Đinh Tiến Hùng không có kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm gì về quặng, cũng không hề có năng lực để "đi lo cơ chế, lo quan hệ", không chung vốn đầu tư để ăn chia lợi nhuận với các đối tượng, càng không thể là "người tổ chức" khi không có kế hoạch hành động, không phân công nhiệm vụ, không đôn đốc ai... Chỉ căn cứ vào lời khai đơn giản của các đối tượng (Hậu, Tuấn...), không có chứng cứ phù hợp khác để xác định hành vi phạm tội xảy ra tại quán cà phê Đồng Tâm, Cơ quan điều tra đã có dấu hiệu bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể dẫn đến oan sai nghiêm trọng.
Các luật sư dẫn lại lời khai của Hậu và Tuấn (do Cơ quan điều tra thu thập từ hai đối tượng này), rằng anh Đinh Tiến Hùng đã có câu nói tại buổi đầu gặp gỡ ở quán cà phê: "Các ông có mỏ, tôi thì có 'quan hệ'. Bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi sẽ đứng ra lo 'quan hệ, cơ chế', sau khi khai thác và bán được quặng thì tính toán trừ chi phí, tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận...". Luật sư khẳng định không có căn cứ nào cho thấy câu nói này tồn tại, cũng không đủ điều kiện được coi là chứng cứ trực tiếp, nó mang tính khiên cưỡng. Hơn nữa các đối tượng Hậu và Tuấn "có học thức cao, nhận thức rõ - theo Kết luận điều tra", có thâm niên làm nghề quặng, thì có thể ăn chia đơn giản lợi nhuận như vậy? Và họ có cần đến một người không hiểu biết gì về quặng như Đinh Tiến Hùng "đi tìm thêm người làm nghề quặng"?
Luật sư Hoàng Trọng Hồng nhận định thêm, bản Kết luận điều tra ghi "Hậu và Tuấn có trình độ, học vấn cao, đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ về lời khai của mình, không có thù tức, mâu thuẫn gì với Đinh Tiến Hùng" mà cho rằng họ có lời khai trung thực - đây là suy luận mang tính chủ quan của Cơ quan điều tra, có thể khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của anh Đinh Tiến Hùng.
Mất hết sự nghiệp
"Cơ quan điều tra đã không giải thích hoặc đưa ra căn cứ gì chứng minh tôi phạm tội. Tôi biết gì về quặng mà bàn bạc với các đối tượng, cũng lấy cái gì, ảnh hưởng gì để có thể đi 'lo' cơ chế, gặp gỡ và tác động được đến ai, 'lo' ở đâu, và 'lo' bằng cách nào? Và tại sao tôi lại phải đi 'lo cơ chế' cho họ, và đó là 'cơ chế' gì, 'cơ chế' đó có sức mạnh ra sao mà Kết luận điều tra không giải thích điều này cho tôi?! Tôi cho rằng mình đã bị hãm hại"- anh Đinh Tiến Hùng bức xúc nói.
Trước đó ngày 15/4/2022, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ các chức vụ trong Đoàn đối với anh Hùng trong thời hạn 90 ngày. Sau đó, vụ án kéo dài khiến anh Hùng tiếp tục bị đình chỉ thêm 90 ngày nữa. Ngày 12/9, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022- 2027 được tổ chức, vì vướng vào vụ án trên nên ông Hùng hiện tại chỉ là cán bộ Tỉnh Đoàn bình thường và vẫn là đảng viên, hàng ngày vẫn đi làm.
“Vướng oan vào lao lý, từ một lãnh đạo Tỉnh Đoàn năng nổ, hoài bão cống hiến đến giờ tôi mất hết cả sự nghiệp. Trải qua gần hai năm thực hiện điều tra và đề nghị truy tố, hai lần trả hồ sơ, cả gia đình, họ hàng, con cái đi học luôn bị điều tiếng, tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, trả lại sự trong sạch cho tôi’- anh Đinh Tiến Hùng nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn LS Hà Nội cho rằng, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Yên Bái đã thể hiện một bản kết luận "trọng cung hơn trọng chứng". Có thể nói hơi sớm vì hiện vụ án đã trở lại giai đoạn điều tra, nhưng nếu bản điều tra bổ sung (lần thứ hai) tới đây không có chi tiết, chứng cứ khách quan nào khác phù hợp, rất dễ dẫn đến vi phạm các Điều 13 (suy đoán vô tội, Điều 15 (xác định sự thật vụ án), Điều 19 (tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra, Điều 68 (chứng cứ), Điều 87 (nguồn của chứng cứ), Điều 108 (kiểm tra, đánh giá chứng cứ) của Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.
Luật sư Hùng khẳng định, chưa thể lấy gì đảm bảo những lời khai của Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn tại quán cà phê là chứng cứ trực tiếp. Và bản Kết luận điều tra bổ sung (số 01/BKL-ANĐT ngày 24/8/2022) vẫn thiếu căn cứ buộc tội bị can Đinh Tiến Hùng cho dù thời gian điều tra đã kéo dài (gần 2 năm), thậm chí đã có những cuộc họp liên ngành nội chính ở Yên Bái nêu quan điểm phải làm rõ nhiều nội dung, trong đó có trường hợp Đinh Tiến Hùng.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một nguyên lãnh đạo Viện KSND Tối cao, sau khi nghiên cứu bản Kết luận điều tra, cho rằng những nội dung buộc tội bị can Đinh Tiến Hùng chưa đảm bảo "điều kiện đủ".