Hoà Bình: Giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
UBND tỉnh Hoà Bình vừa ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND về việc giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Theo đó, chương trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình sẽ được tiến hành từ ngày 15/11-25/12. Cơ quan thực hiện giám sát là Sở Lao động, Thương bình và Xã hội, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã.
Nội dung giám sát về xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp, công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý, thực hiện nội dung, hoạt động dự án thành phần; Theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động dự án thành phần; việc chấp hành quy định về quản lý ngân sách nhà nước, năng lực quản lý dự án thành phần, việc xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có); Tổng hợp tình hình thực hiện dự án thành phần, thực hiện kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, kết quả giải ngân, khó khăn, vướng mắc phát sinh và kết quả xử lý…
Tiến hành giám sát theo phương pháp thu thập các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các báo cáo đánh giá và các tài liệu liên quan tại địa phương; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế và tổ chức kiểm tra ở các huyện; tham vấn cấp ủy, HĐND, UBND, thành viên ban quản lý các Chương trình MTQG trên địa bàn xã, xóm; tham vấn các đối tượng thụ hưởng để đánh giá mức độ tiếp cận và thụ hưởng chương trình.
Theo Quyết định số 1392/QĐ-UBND, ngày 12/7/2022 của UBND tỉnh Hoà Bình, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 của tỉnh khoảng 960 tỷ đồng.
Các dự án của Chương trình sẽ được triển khai, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - huyện nghèo; da dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.