Lâm Đồng: Phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Trang 10/11/2022 17:44

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 sẽ dành vốn ngân sách khá lớn và thu hút các nguồn lực khác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ vùng dân tộc thiểu số (DTTS), kết nối với các vùng phát triển của tỉnh.

 Vùng DTTS huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển.
Vùng DTTS huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển.

Có thể nói rằng, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện.

Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư, vì vậy mà tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS giảm nhanh; nhiều xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới... Điểm sáng nổi bật đó chính là sản xuất vùng DTTS đã có chuyển biến rõ nét, bà con người DTTS đã chuyển từ hình thức sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện thu nhập. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đạt được thành quả này, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, còn nhờ vào ý chí tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bằng tiềm năng đất đai, lao động của chính bà con DTTS.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo thời gian qua vẫn chưa thật sự bền vững, đời sống bà con vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh liên tục thời gian qua. Quy mô sản xuất của hầu hết bà con DTTS vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; kinh tế tập thể ở vùng DTTS chưa phát triển, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế... Trình độ canh tác trong vùng DTTS nhìn chung còn lạc hậu. Công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư, đầu tư trong vùng đồng bào DTTS thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao. Khoảng cách giàu nghèo, trình độ dân trí, nguồn nhân lực vẫn còn tụt hậu so với các vùng khác, các giá trị văn hoá truyền thống vùng DTTS cũng có dấu hiệu ngày càng mai một...

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu được đặt ra cụ thể bao phủ toàn diện các lĩnh vực, trong đó đặc biệt tập trung vào lĩnh vực giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục - đào tạo, văn hóa...

Những chỉ tiêu cụ thể được đề ra như: Thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS tối thiểu phải bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; giải quyết cơ bản vấn đề di dân tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hoá, lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc...

Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và sẽ thực hiện các chương trình phát triển toàn diện này ở 77 xã vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 861 (năm 2021) của Thủ tướng Chính phủ, xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm) và 44 thôn có 15% dân số trở lên là người DTTS thuộc 10 huyện, thành phố. Triển khai 10 dự án với tổng kinh phí từ ngân sách dự kiến khoảng 1.264 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng DTTS.

Nguyễn Trang