Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Thuý Hằng (thực hiện) 11/11/2022 07:51

Để kinh tế Việt Nam vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế thế giới, giữ được đà tăng trưởng là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng, cần tập trung cho các động lực tăng trưởng, trong đó xuất khẩu là điểm quan trọng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Xuất khẩu đang duy trì đà tăng trưởng cao hai con số với kim ngạch tăng thêm hàng chục tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Theo ông, đâu là nguyên nhân giúp xuất khẩu tăng trưởng đáng kể như vậy?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xuất khẩu đang là một trong những động lực để nền kinh tế tăng trưởng, phát triển. Việc Việt Nam ký kết, đưa vào thực thi một cách thực chất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã hỗ trợ giúp các DN Việt Nam tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Đáng chú ý, gần đây các cuộc họp, trao đổi giữa DN, hiệp hội với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài được tiến thành thường xuyên, liên tục từng tháng. Việc kết nối này làm cho các DN nắm chắc hơn, sâu hơn thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời tìm được các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Đó là một trong những lý do giúp tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng qua khá cao.

Xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đạt kết quả rất khả quan, vượt cả dự báo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp về xuất khẩu hàng hóa sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang là động lực chính, quan trọng của xuất khẩu. Tăng trưởng của lĩnh vực này chính là động lực tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Nhiều ngành nghề đang kêu khó khăn khi đơn hàng suy giảm, hoạt động xuất khẩu sẽ phải đối mặt nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Quan điểm của ông như thế nào?

- Những tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023, nền kinh tế thế giới đang có rất nhiều biến động. Trong đó, chiều hướng là tăng trưởng của hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới đều giảm đi. Bên cạnh đó, hầu hết ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đều tăng lãi suất để chống chịu với tình trạng lạm phát cao. Điều này làm cho lãi suất cao, chi phí sản xuất của các nền kinh tế này nâng lên, sản xuất sẽ bị thu hẹp lại.

Với các quốc gia phát triển, người tiêu dùng rất hay sử dụng tín dụng trong tiêu dùng. Vì thế, khi lãi suất cao, lập tức người tiêu dùng cũng co hẹp việc tiêu dùng lại. Điều này khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, các DN có thể sẽ phải giảm đơn hàng. Đây cũng là bài toán rất khó.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu nói riêng cũng như tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong thời gian tới, thưa ông?

- Bộ Công thương cùng các DN cần rà soát để nắm lại các thị trường xuát khẩu truyền thống và mở rộng ra các thị trường xuất khẩu mới, giúp hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt tăng trưởng cao nhất trong những tháng cuối năm, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Bản thân các DN cũng cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc. Quá trình hồi phục và phát triển phải đi đôi với quá trình tái cấu trúc DN. Các DN phải là động lực chính.

Về phía ngân hàng, thời gian tới Bộ Tài chính phải tiếp tục cùng với các ngân hàng xem xét để hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho DN có nguồn lực, từ đó có thể tăng trưởng những tháng cuối năm 2022 cũng như trong những năm sau tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thuý Hằng (thực hiện)