Lan tỏa những giá trị nhân văn, gắn kết cộng đồng
Theo bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 20 năm tổ chức cho thấy, để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân thực trở thành một trong những sự kiện được nhân dân mong chờ trong năm chính là sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, lan tỏa những giá trị nhân văn, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
PV: Đã thành thông lệ, cứ đến đầu tháng 11 hàng năm, các khu dân cư trên khắp lại náo nức chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Thưa bà, đâu là lý do để Ngày hội ngày càng trở nên ấm áp, nghĩa tình trong lòng người dân?
Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Như một ước hẹn, từ những ngày đầu tháng 11, các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết tại nhiều khu dân cư trong cả nước. Dịp này, là cơ hội để người dân các khu dân cư được gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận các cấp để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cũng như những thành tựu đạt được trên tất cả lĩnh vực của đời sống. Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp để các cấp lãnh đạo được hòa chung lòng mình với lòng dân, được bám sát hơn với hơi thở của cuộc sống mới đang diễn ra trên mỗi địa bàn dân cư.
Sau hơn 20 năm tổ chức cho thấy, lý do để Ngày hội thực trở thành một trong những sự kiện được nhân dân mong chờ trong năm là sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết Ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt… Ngày hội chính là dịp phát huy sức mạnh đại đoàn kết, phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. Đây cũng là dịp để lan tỏa những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, giúp đỡ nhau trong cuộc sống… Đặc biệt, Ngày hội đã khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về nguồn cội của con em xa quê cùng nhau góp sức xây dựng quê hương. Ở nhiều địa phương, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư thống nhất với cấp ủy thường chọn các ngày thứ 7, Chủ nhật các tuần giữa tháng 11 để con cháu của quê hương đi làm ăn, công tác, học tập ở xa có dịp về chung vui Ngày hội.
Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cùng các tổ chức thành viên đã chuẩn bị cho sự kiện ý nghĩa này như thế nào thưa bà?
- Để Ngày hội Đại đoàn kết thực sự là Ngày hội của toàn dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các vị lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày hội; 27/27 huyện thị thành phố đều có các lãnh đạo tỉnh về dự Ngày hội tại khu dân cư tiêu biểu. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã tham mưu báo cáo Thường trực cấp ủy phân bổ kinh phí trao tặng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại các địa phương có các vị lãnh đạo về dự Ngày hội; rà soát, bình chọn các hộ khó khăn để tỉnh tặng quà nhân Ngày hội. Tại các khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận phối hợp bình xét, quyết định và trao danh hiệu Gia đình văn hóa, tuyên dương khen thưởng các gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Đồng thời, MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên, các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là việc khôi phục các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc như chèo, tuồng, dân ca, khèn bè,... của đồng bào các dân tộc thiểu số thu hút sự tham gia của cả cộng đồng dân cư.
Có thể nói, qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, vai trò, vị thế của MTTQ, dân vận ngày càng được nâng lên. Bà có đánh giá như thế nào qua góc nhìn này?
- Trước hết, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư là dịp để tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của Ngày hội đến các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của MTTQ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Để từ đó, khơi dậy, tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đây cũng là một trong nhiệm vụ quan trọng của MTTQ.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở các khu dân cư theo truyền thống hàng năm là dịp để các vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở về sinh hoạt cùng với nhân dân, nắm tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện phong cách “gần dân, thân dân, tôn trọng nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Do đó tổ chức tốt Ngày hội cũng là cách thức để MTTQ làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân.
Cùng với đó, thông qua việc tổ chức Ngày hội để phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia hoạt động của Ngày hội của nhân dân trên địa bàn dân cư. Thực tế ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy, trong việc triển khai Ngày hội, nơi nào thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về Ngày hội, các phong trào, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, tự giác, tích cực tham gia thực hiện, sáng tạo ra những cách làm có hiệu quả, thì nơi đó Ngày hội có hiệu quả cao, vững chắc. Và do đó, tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ trong giai đoạn hiện nay.
Trân trọng cảm ơn bà!
Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là nét đẹp văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc cần làm tốt các nhiệm vụ như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc tổ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân thông qua việc nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư theo hướng thiết thực, hiệu quả…