Không để lộ, lọt thông tin người tiêu dùng
Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bảo vệ quyền của người tiêu dùng, trong đó có việc bảo vệ, không để lộ, lọt thông tin cá nhân.
“Thổi phồng” công dụng hàng kém chất lượng
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) cho biết, khi xảy ra tranh chấp, giữa người bán và người mua trải qua quá trình thương lượng nhưng lại thiếu các quy định rõ ràng khiến kết quả không đạt như mong muốn. Đôi khi, thương lượng lại trở thành “cái bẫy” cho người tiêu dùng, thậm chí đưa họ vào vòng lao lý. Do đó, bà Trinh kiến nghị cần xem xét bổ sung một số quy định quan trọng như trình tự, thủ tục, nguyên tắc thương lượng vào trong dự thảo luật.
Theo bà Trinh, hầu như năm nào cũng ghi nhận các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, quy mô lớn gây hoang mang dư luận. Chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. “Người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ. Các tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần minh chứng bằng hậu quả” - bà Trinh nói.
Chỉ ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại do còn một bộ phận người dân quan tâm mua hàng giá rẻ, người bán hàng “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng, bà Trinh cho rằng, một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, người kinh doanh sản xuất và người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái. “Vì vậy dự thảo luật cần xem xét trách nhiệm người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định” - bà Trinh nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) cho rằng, trên thực tế có những trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhưng lại chưa được dự thảo luật lần này đề cập cụ thể. Do đó cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bảo vệ thông tin người tiêu dùng
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai), việc sửa đổi luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thích ứng với môi trường kinh doanh mới và đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế cũng như thực hiện các cam kết mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó cơ quan soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra.
Theo bà Phương, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng cần tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp. “Đề nghị cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép” - bà Phương kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cũng đề nghị, bổ sung quy định về hành vi cấm mua bán thông tin để có giải pháp bảo vệ thông tin người tiêu dùng một cách đồng bộ. Bởi thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ, lọt mất thông tin người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân, trong đó có trường hợp mua bán thông tin người tiêu dùng, có những trường hợp phải xử lý theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc bảo vệ thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng.
Kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình
Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi. Theo đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cho thấy, phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Do đó, ông Quân đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai như: xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của luật.
Theo ông Quân, cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5%
Ngày 10/11 với 93,37% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, quyết nghị tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, Quốc hội quyết nghị, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0-6,0%. Cùng ngày, với 88,96% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.