Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Những thông điệp nhân văn nhiều ý nghĩa

Minh Anh 11/11/2022 07:50

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua mô hình thí điểm ở địa phương, qua tờ rơi, tờ gấp, pa-nô, áp phích, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cũng như người dân về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số… là những giải pháp thời gian qua được các ngành, các cấp chính quyền cơ sở nhiều địa phương triển khai mang lại hiệu quả tích cực.

Một buổi tuyên truyền về kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Đổi thay ở Bắc Kạn

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trước đây tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra khá phổ biến. Từ năm 2016 đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 11 vụ hôn nhân cận huyết thống và hơn 700 vụ tảo hôn, trong số đó có hơn 160 vụ cả vợ và chồng đều tảo hôn. Đa số trường hợp này diễn ra tại địa bàn các xã vùng cao, nữ độ tuổi từ 14 - 17, nam độ tuổi từ 16 - 19. Hậu quả từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đã làm suy giảm chất lượng dân số, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Để thay đổi nhận thức của đồng bào về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, xã xây dựng và duy trì thực hiện mô hình điểm. Cụ thể, đã triển khai và duy trì 11 mô hình điểm ở các xã: Công Bằng, Bằng Thành, Cổ Linh, Cao Tân (Pác Nặm); Bình Trung (Chợ Đồn); Cốc Đán, Thượng Quan (Ngân Sơn); Vũ Loan (nay là xã Văn Vũ), Lương Thượng (Na Rì).

Thông qua các mô hình điểm, một lượng lớn tờ rơi, tờ gấp, áp phích... bằng tiếng dân tộc DTTS có nội dung tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được cung cấp, chuyển tải tới người dân và học sinh. Qua đó, đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức của các bộ, cơ sở và người dân, nhất là học sinh lứa tuổi phổ thông trung học; thực hiện tốt việc nắm tình hình vùng đồng bào DTTS, nhất là địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ông Đinh Hồng Kiên - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Từ các mô hình điểm, các buổi tuyên truyền bà con nhân dân đã được phổ biến một số quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe và đời sống của con người. Qua đây, còn giúp cho nhân dân đặc biệt là những người dưới 18 tuổi hiểu được các nội dung cơ bản các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tuyên truyền về hôn nhân đúng pháp luật.

Những chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, các địa phương trên cả nước đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình và các câu lạc bộ lên tới 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn. Giai đoạn 2015-2020, tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 494.838 lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm. Tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm… góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các DTTS.

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ DTTS cho biết: Qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ tư vấn, can thiệp và mô hình điểm đã giúp đồng bào DTTS được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với cá nhân, gia đình và xã hội; từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.

Vẫn theo bà Huệ, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn hân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết của đồng bào các DTTS đã giảm rõ rệt. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014. Những thông điệp về hậu quả tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đã đi vào cuộc sống của người dân. Đặc biệt bà con các DTTS đã nắm được hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, các hình thức xử phạt khi vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... đã đem đến hiệu quả tích cực.

Có thể thấy, với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, hy vọng rằng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay; nhất là tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền về tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Lộc. Theo thống kê, năm 2020 tỉnh Cao Bằng có 186 cặp tảo hôn, 7 hôn nhân cận huyết thống; năm 2021 toàn tỉnh có 260 cặp tảo hôn; 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 15 tuổi; diễn ra ở huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Hòa An. Mục tiêu của tỉnh Cao Bằng là giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Minh Anh