Phú Quốc: Trách nhiệm của chính quyền trong vụ 500 căn biệt sự sai phép?
Hàng loạt chủ hộ của khoảng 500 căn biệt thự xây dựng tại xã Dương Tơ đã gửi đơn cầu cứu về việc biệt thự đầu tư nhiều tỷ đồng đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế.
Đất nông nghiệp được phân lô bán nền, đường bê tông đấu nối ra trục chính, trạm biến áp, điện lưới quốc gia được kéo vào từng lô... Hàng trăm căn biệt thự cứ thế mọc lên cho đến khi có Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang thực hiện việc thanh tra tình trạng quản lý và sử dụng đất tại Phú Quốc (9/2022), lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Câu hỏi đặt ra, người mua đã đứng trước cảnh mất nhà nhưng khi nào lãnh đạo buông lỏng quản lý mới bị xử lý?
Tình trạng tự ý phân lô, bán nền đất nông nghiệp, đất rừng xảy ra ở Phú Quốc không phải là hiếm. Tình trạng này đã được báo chí phản ánh khá nhiều nhưng có vẻ như chính quyền thiếu kiên quyết trong việc xử lý nên tình trạng này ngày càng có dấu hiệu phức tạp. Mới đây, hàng loạt chủ hộ của khoảng 500 căn biệt thự xây dựng tại xã Dương Tơ đã gửi đơn cầu cứu về việc biệt thự đầu tư nhiều tỷ đồng đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế
Nhắc đến khu vực Bãi Trường, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc người ta mặc định coi đó là “làng biệt thự”. Làng biệt thự mọc lên và người dân về đây sinh sống với đầy đủ điện, nước, không ít người mua với niềm tin đất đã được xây nhà to nghĩa là đất được xây dựng và chỉ chờ nộp thuế để được cấp sổ.
Dọc hai bên đường đi vào khu vực Bãi Trường, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ có khoảng 500 căn biệt thự được xây dựng kiên cố hoàn chỉnh với mái ngói, cổng rào, sân vườn căn nhà cùng hàng trăm lô đất diện tích 500 – 1.000 m2 đã được phân lô. Những căn biệt thự đã được xây dựng có diện tích rộng từ khoảng 500 m2, được thiết kế mẫu mã tương đối giống nhau, trước nhà là một con đường bê tông khoảng 7 m, chiều dài con đường nội bộ khoảng 300 mét, được đấu nối vào trục đường giao thông chính, đầu đường còn đặt một trạm biến áp điện và các cột điện được trồng hai bên đường dẫn điện vào các căn biệt thự.
Khu nhà biệt thự tiền tỷ được người dân mua đang đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ vì xây dựng không phép khi tỉnh Kiên Giang thành lập Tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc - theo Quyết định 1397/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang, ngày 7/6/2022. Người dân đặt câu hỏi là tại sao lại có hơn 500 căn biệt thự không phép xây trên đất nông nghiệp và suốt thời gian dài hơn 4 năm (từ khoảng năm 2018 đến nay) nhưng chính quyền xã Dương Tơ không hề xử lý cho đến khi khi UBND tỉnh Kiên Giang lập Tổ công tác kiểm tra?
Theo bà Phạm Thị Thúy, ông Lê Xuân Hồng (chủ sở hữu căn biệt thự bị cưỡng chế) vào năm 2019 họ đã đến tham quan khu đất, khi ấy khu đất đã được phân lô với diện tích khoảng 500 m2/lô, đã hoàn thành cơ sở hạ tầng, có đường bê tông và vỉa hè có chiều ngang khoảng 8m, chiều dài con đường nội bộ dài khoảng 300 m – các con đường này được đấu nối vào trục đường chính, 2 bên đường mỗi bên có 15 nền biệt thự, có điện lưới quốc gia hạ thế và đã có nhiều căn biệt thự được xây dựng hoàn chỉnh, có người dân sinh sống. Các loại giấy tờ liên quan đến khu đất có xác nhận của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tư ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, cam kết của bên chuyển nhượng về việc khu đất không có Quyết định thu hồi đất của cơ quan ban ngành, không có tranh chấp, có bản vẽ vị trí lô, mẫu thiết kế nhà chung cho toàn khu và hợp đồng mua bán với chủ đất.
Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, người đang sở hữu một căn biệt thự tại đây cho biết thêm: Tôi mua nền đất này vào năm 2019 với giá hàng tỷ đồng. Suốt 4 tháng tôi xây dựng căn nhà diễn ra rất bình thường, chính quyền địa phương không một ai đến lập biên bản vi phạm gì, sau khi xây dựng hoàn tất thì vào ở được 3 năm rồi. Gần khu tôi ở cũng có nhiều người đang sinh sống, điện nước sinh hoạt có đầy đủ. Đến khoảng đầu tháng 9/2022, tôi và các hộ dân sinh sống nới đây nghe có Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang đang thực hiện việc thanh tra tình trạng quản lý và sử dụng đất tại Phú Quốc trong đó có khu đất chúng tôi đã mua. Hiện khu của tôi đang ở đã có 2 căn nhà bị lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.
Câu hỏi đặt ra khi người dân bắt đầu đào móng, chở cát đá, vật liệu vào xây dựng, phân lô bán nền chính quyền đã ở đâu? Hàng trăm căn biệt thự mọc lên trong 3 năm qua tại sao chính quyền không nhìn thấy? Việc xây dựng đã diễn ra suốt thời gian dài nhưng không một ai tới yêu cầu dừng thi công, khi người dân đã vào ở một thời gian dài thì cơ quan chức năng mới vào cưỡng chế phá dỡ.
Lý giải với báo chí về việc tại sao nhiều căn biệt thự mọc lên trong thời gian dài mà chính quyền lại không có biện pháp xử lý, UBND xã Dương Tơ thông tin: Xã gặp khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn lớn, không thể cử người theo sát được. Xã có áp dụng một số biện pháp như phát loa, ra thông báo dán tại khu vực xây trái phép và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhiều căn nhà, cuốc đường... Tuy nhiên, địa bàn rộng lớn, khối lượng tài sản lớn nhưng người dân mua bán giấy tay, nhưng lại không đến chính quyền địa phương để hỏi rõ.
Sau khi UBND tỉnh lập Tổ công tác đặc biệt, xã phối hợp, ra thông báo yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp hồ sơ mua bán đất tại khu vực này. Hiện có 55 người dân trong khu vực đã cung cấp giấy tờ chuyển nhượng. Cho đến thời điểm hiện tại một số đường vào khu vực được đào hố để hạn chế đi lại, áp dụng biện áp cắt điện... Vụ việc đang được xem xét, xử lý.
“Việc xây dựng của chúng tôi là không đúng vì chưa nhận thức rõ pháp lý, tin tưởng vào các giấy tờ liên quan đến khu đất như: Nguồn gốc đất của người bán (có xác nhận của Hội đồng Bảo vệ an ninh ấp Đường Bào); tin vào lời khẳng định rằng không có quyết định thu hồi đất, không bị tranh chấp từ bên chuyển nhượng. Nếu thời điểm vài hộ dân xây mà chính quyền có những biện pháp ngăn chăn, xử lý thì sẽ không chuyện cả mấy trăm căn biệt thự xây lên như vậy. Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý tại địa phương khi để tình trạng vi phạm này diễn ra trong thời gian dài với quy mô lớn mà không hề hay biết để một số người dân như chúng tôi mua nhầm và thiệt hại cả chục tỷ đồng mỗi hộ”- một người dân bức xúc nói.
Chắc có lẽ vì lý do này mà một số chủ hộ đã gửi đơn cầu cứu, đơn xin được cứu xét… đến các vị lãnh đạo trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP Phú Quốc mong được được các cấp, ban ngành từ trung ương đến địa phương xem xét, tìm ra giải pháp phù hợp, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, không làm thất thoát tiền của nhà nước.
Được biết, giá trị mỗi căn biệt thự mà người dân bỏ tiền ra mua đất và xây dựng lên đến hơn 5 – 10 tỷ đồng/căn, nếu đập bỏ toàn bộ khoảng 500 căn đang hiện hữu thì giá trị thiệt hại về vật chất khoảng hơn 2 ngàn tỷ đồng.