Quảng Ninh: Lời giải nào cho bài toán 'thừa trường thiếu trò' ở Tiên Yên?
Để giải bài toán "thừa trường thiếu trò" bậc học THPT tại huyện miền núi Tiên Yên, từ năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhưng đến nay mọi việc vẫn đang dang dở.
Thiếu - thừa cục bộ
Tiên Yên là huyện miền núi khu vực phía Đông của tỉnh Quảng Ninh với quy mô dân số trên 5 vạn người. Hiện hệ thống giáo dục từ mầm non đến THCS của huyện đã cơ bản duy trì ổn định. Chỉ có hệ đào tạo THPT là bộc lộ nhiều bất cập về số trường lớp và số lượng học sinh.
Trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 5 cơ sở đào tạo bậc THPT là: Trường THPT Tiên Yên, Trường THPT Hải Đông, Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường nội trú Tiên Yên và Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện. Trong những năm qua, tổng số học sinh theo học tiếp lên hệ THPT và hướng nghiệp dạy nghề toàn huyện chỉ dao động ở mức bình quân trên 600 học sinh/5 cơ sở. Do vậy, cứ đến dịp tuyển sinh đầu cấp THPT thì việc cân đối chỉ tiêu của các cơ sở luôn là vấn đề "đau đầu" đối với lãnh đạo huyện và ngành giáo dục.
Mặc dù cùng tồn tại 5 cơ sở giáo dục như vậy nhưng cơ sở vật chất của Trường THPT Tiên Yên (trường công lập) nằm trong khuôn viên vốn trước được tách ra từ trường PTCS nên cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương. Hiện, Trường THPT Tiên Yên có diện tích 7.500 m2, gồm khu nhà 2 tầng xây dựng từ năm 1970, 1 dãy nhà cấp 4 xây dựng năm 1990, 1 khu nhà 3 tầng xây dựng 2008 và các công trình phụ trợ khác cũng xây dựng được gần 20 năm. Do các công trình xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp và thường xuyên phải đầu tư sửa chữa, chưa đáp ứng được yêu cầu nên UBND huyện Tiên Yên đã nhiều lần đề xuất được quy hoạch xây dựng trường mới theo hướng khang trang, hiện đại.
Sát cạnh bên là Trường THCS thị trấn Tiên Yên chỉ có 3.500 m2 với 545 học sinh. Học sinh sẽ tăng theo từng năm học, nếu không bố trí thêm diện tích, trường không đủ điều kiện để công nhận lại chuẩn quốc gia giai đoạn 1, tiến tới làm chuẩn giai đoạn 2.
Trước thực trạng "thiếu thừa cục bộ" như vậy, từ năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có đề án cơ cấu lại hệ thống giáo dục phổ thông ở huyện Tiên Yên theo hướng dồn dịch, sắp xếp, quy hoạch lại quỹ đất sử dụng trong các trường học. Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương chuyển Trường THPT Tiên Yên về Trường THPT Nguyễn Trãi với diện tích khoảng 3,7 ha được đầu tư cơ sở hạ tầng mới để theo hình thức TPP. Chủ đầu tư Trường THPT Nguyễn Trãi đã đầu tư trên 24 tỷ đồng (thời giá 2018) xây mới nhiều hạng mục và mua sắm phương tiện để thực hiện theo chủ trương của tỉnh.
Ngày 8/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 896/QĐ-UBND thuê 4.797 m2 công trình xây dựng hoàn chỉnh của Trường THPT Nguyễn Trãi giao cho Trường THPT Tiên Yên thuê có thời hạn. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của phụ huynh học sinh nên tạm dừng cho đến nay.
Kể từ đó học sinh Trường THPT Tiên Yên vẫn phải học tập ở trường cũ còn Trường THPT Nguyễn Trãi rơi vào tình trạng thừa phòng học, thiếu học trò, lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội hóa.
Tỉnh cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm
Kể từ sau năm 2019, chủ trương sắp xếp lại trường lớp của UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn cứ "giậm chân tại chỗ". Còn doanh nghiệp đầu tư theo chủ trương của tỉnh ôm khoản "lỗ" lớn, học sinh công lập thì phải chịu cảnh học tập trong điều kiện trường lớp chật chội, xuống cấp.
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho hay: "Hiện Trường THCS thị trấn Tiên Yên và Trường THPT Tiên Yên đang ở chung một khuôn viên 1,1 ha. Trong đó, Trường THCS 3.500 m2 và Trường THPT 7.500 m2 nên dẫn đến thực tế bây giờ cả 2 trường đều “rất là dở dang”, không có sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu, chỗ bố trí các phòng học khó khăn… Nếu để như hiện tại thì cả 2 trường khó có đủ điều kiện để được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2".
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với quy mô dân số khoảng 5,5 vạn người và số lượng học sinh vào hệ THPT, hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn chỉ khoảng trên dưới 600 học sinh/năm thì việc đầu tư xây dựng mới Trường THPT Tiên Yên sẽ là lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong khi đó, hiện cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Trãi đã được đầu tư theo chủ trương của tỉnh từ nhiều năm qua đang bị bỏ không gây lãng phí mà huyện lại tiếp tục quy hoạch đầu tư thêm trường mới với diện tích hơn 2,4 ha như vậy có gây thêm lãng phí?
Để giải bài toán này, ngành giáo dục và huyện Tiên Yên cũng đã nêu ra một số giải pháp. Giải pháp được huyện Tiên Yên đưa ra là xây dựng Trường THPT Tiên Yên ở vị trí mới gần Trường nội trú Tiên Yên. Chuyển toàn bộ cơ sở vật chất của Trường THPT Tiên Yên hiện có cho Trường THCS thị trấn Tiên Yên. Đồng thời, đề nghị tỉnh chuyển Trường nội trú tỉnh Quảng Ninh về Trường nội trú Tiên Yên để phát huy hiệu quả đầu tư của trường, đồng thời có thể tận dụng được một số phòng học đã được đầu tư của Trường THPT Nguyễn Trãi.
Về phía ngành giáo dục tỉnh lại đưa ra quan điểm sáp nhập Trường THPT Tiên Yên và THCS thị trấn Tiên Yên trên diện tích cũ thành trường liên cấp. Tuy nhiên quan điểm của huyện Tiên Yên lại không đồng tình với phương án này.
Cũng có người nêu phương án sáp nhập 2 trường THPT Nguyễn Trãi và Tiên Yên thành Trường THPT Tiên Yên, xóa hệ ngoài công lập tại đây vì với quy mô tuyển sinh ít và điều kiện kinh tế còn khó khăn, cộng với việc phân luồng tỷ lệ học sinh vào hệ học nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên ngày càng lớn sẽ khiến trường ngoài công lập rơi vào tình trạng "khát" học sinh. Huyện Tiên Yên cũng đang đầu tư xây dựng Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên quy mô hiện đại để nắm bắt chủ trương đó.
Hoặc phương án xây dựng Trường THPT Tiên Yên tại địa điểm mới với quy mô hiện đại đáp ứng yêu cầu chung của cả huyện đồng thời giảm bớt đầu mối của Trường THPT Hải Đông cho phù hợp với quy mô dân số...
Có thể thấy các phương án được đưa ra nhằm giải bài toán "thừa trường thiếu trò" ở huyện Tiên Yên hiện còn chưa ngã ngũ. Đã vài năm trôi qua kể từ khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương sắp xếp lại hệ đào tạo THPT trên địa bàn huyện Tiên Yên. Do vậy, tỉnh cần có giải pháp quyết liệt xử lý dứt điểm.