Ẩn họa từ thực phẩm 'bẩn'
Ở thời điểm này, chuyện thực phẩm “bẩn” không còn nóng như thời gian trước, tuy nhiên vẫn là vấn đề cần được quan tâm và có biện pháp giải quyết. Nói như đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) thì thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng vẫn bán tràn lan trên thị trường không được kiểm soát. Nó có thể không tác hại ngay đến người tiêu dùng nhưng bào mòn dần sự sống, gây ung thư sau một thời gian sử dụng. Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Câu chuyện thực phẩm thường bắt đầu từ cánh đồng, chuồng trại tới chợ và xuất hiện trong bữa ăn của mỗi gia đình. Người dân luôn phải đương đầu với nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không thể biết được nó có “sạch” hay không, cho dù họ có là “thượng đế” thông minh nhất.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất tăng trọng trong chăn nuôi luôn là nỗi lo của người tiêu dùng nhưng tiếc thay nó vẫn được sử dụng như một điều tất nhiên. Một kỹ sư nông học nói rằng, bây giờ tìm được một mớ rau mùng tơi lá nhỏ, có nghĩa là nó được phát triển trong môi trường tự nhiên, thật vô cùng khó. Do nhu cầu cao từ mỗi gia đình cho đến các nhà hàng, nên người trồng đã bón thúc bằng những loại phân bón có chất kích thích tăng trưởng, vì thế lá của nó to gấp 3 lần bình thường, nhìn rất bắt mắt. Tuy nhiên, những đặc tính tự nhiên của loại rau này đã bị biến đổi và cũng khó có thể nói là nó tốt cho cơ thể chúng ta.
Để bảo quản trái cây được lâu, người buôn bán đã tẩm ướp bằng những loại hóa chất có khả năng làm cho những thùng táo vẫn tươi nguyên sau cả nửa năm. Đến giờ không ai dám cắn vào quả táo chín đỏ ấy nếu chưa rửa kĩ và gọt vỏ.
Tương tự, điều đó cũng xuất hiện ở các loại thịt gia súc, gia cầm khi mà thức ăn tăng trọng được sử dụng tràn lan. Trước kia mỗi năm cũng chỉ được 2 lứa lợn, thì nay phải tới 4 lứa và khi xuất chuồng chúng có độ nặng ngót trăm cân, siêu nạc. Gà cũng vậy, ngoảnh đi ngoảnh lại đã bán được một lứa do chúng được cho ăn bằng thức ăn tăng trọng.
Niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm và trái cây từ đó cứ giảm dần. Mà ai cũng biết, mất niềm tin là điều vô cùng hệ trọng, muốn lấy lại được cần rất nhiều thời gian với những nỗ lực không mệt mỏi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm không an toàn là hiểm họa không nhìn thấy, trừ những trường hợp ngộ độc một cách rõ ràng. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên toàn cầu đã tăng lên hơn 14 triệu người/năm. Thông tin từ Hội Ung thư Việt Nam cho biết, khác với những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể sớm phát hiện, với ung thư thì việc tích lũy bệnh là cả quá trình lâu dài, khó nhận biết. Khi cung cấp vào cơ thể một lượng thực phẩm nhiễm độc thì cũng có nghĩa là phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư. Điều đáng lo ngại là mầm bệnh có thể âm ỉ trong một tháng, một năm hay vài năm sau mới phát hiện ra.
Việc quản lý về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Như vậy có vẻ như khá chặt chẽ nhưng trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào và sự phối hợp công việc ra sao xem chừng vẫn chưa rõ ràng.
Đã có thời thực phẩm bẩn tràn lan, liên tục xảy ra những vụ ngộ độc với vài chục người, dư luận đã phải lên tiếng cho rằng đó là tội rất nặng khi “đầu độc đồng bào, đồng loại”. Tội lỗi được quy cho người chăn nuôi, trồng trọt và thương nhân, tiểu thương. Điều đó đúng nhưng không đủ vì trong việc này trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương ở đâu? Đây là vấn đề rất quan trọng để xây dựng thị trường không thực phẩm “bẩn”. Cùng đó phải là việc xây dựng, mở rộng những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; cũng như những cánh đồng sạch, những trang trại sạch. Khi mà những điều đó chưa làm được thì người tiêu dùng dù biết thực phẩm bẩn thì vẫn cứ phải sử dụng vì quá ít chọn lựa.
Thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, trồng trọt cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đã đành, nhưng rất quan trọng là trách nhiệm của các cơ quan có chức năng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Khâu này mà yếu thì vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết được. Cho dù các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp quản lý lĩnh vực này; nhưng việc đổ lỗi cho nhau khi có sự cố đã cho thấy sự chồng chéo cũng như thiếu trách nhiệm. Chính vì thế thực phẩm “bẩn” vẫn tồn tại.