Giải tỏa cơn khát xăng dầu
Từ 15h ngày 11/11, giá xăng dầu được điều chỉnh, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật với hy vọng tháo gỡ tốt hơn cho doanh nghiệp. Vậy nhưng người dân đi mua xăng dầu vẫn khó khăn. Bao giờ cơn khát xăng dầu được giải toả?
Có tiền mà khó mua xăng
Tại Hà Nội, ngày 10/11, cây xăng Housinco trên đường Trần Thái Tông không treo biển hết hàng nhưng khi có người đến đổ xăng, nhân viên lắc đầu xua tay ra dấu hiệu không bán hàng. Còn tại cây xăng Red River trên đường Lê Văn Lương, cây xăng vẫn mở cửa song giới hạn hàng bán ra. Mỗi xe ô tô chỉ được đổ tối đa 500.000 đồng/lần và 50.000 đồng/lần đối với xe máy. Cây xăng PVOil trên đường Tố Hữu chăng dây hạn chế phương tiện vào mua xăng.
Anh Nguyễn Quang Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) nói trong bức xúc: Đi từ Cầu Giấy đến Lê Văn Lương mất 7 km nhưng chỉ đổ được 500.000 đồng tiền xăng. Còn chị Nguyễn Minh Phương (Thái Hà, Hà Nội) cho biết lúc 10 giờ sáng ngày 11/11 đi đổ xăng ở cây xăng đối diện địa chỉ 93 Vũ Ngọc Phan, xếp hàng chờ đến 40 phút mới đổ được 50.000 đồng tiền xăng.
Chị Trần Thanh Tâm (quận Hoàng Mai, Hà Nôị) cho biết: 6 giờ chiều ngày 10/11, sau khi trải qua gần 1 tiếng tắc đường, chị khấp khởi rẽ vào cây xăng của Petrolimex trên đường Tam Trinh vì thấy cửa hàng xăng không quá đông, thì nhân viên xua tay cho biết “cửa hàng tạm thời hết xăng, khoảng 2 tiếng nữa anh chị qua mua”. Nhưng theo chị Tâm đến gần 8 giờ tối cửa hàng này vẫn chưa bán xăng trở lại. Cũng trên đường Tam Trinh, sáng 11/11 cửa hàng xăng gần chợ đầu mối phía Nam (tại khu đô thị Đền Lừ) đóng cửa, nhiều người rẽ vào mua xăng không được lại nháo nhác đi tìm cửa hàng khác.
Anh Lý Đức Thọ (Mỗ Lao, Hà Nội) kể chuyện, các thành viên trong nhà phân công nhau đi mua xăng ở cây xăng ở Nam Đồng. Với anh, vào tối 10/11 vừa qua, ngoài nhiệm vụ đi đổ xăng cho xe ô tô của mình, còn phải xách thêm can 5 lít mua thêm 80.000 đồng tiền xăng nữa đổ vào bình xe Lead của vợ. Anh đã cố “căn giờ” đêm muộn đi đổ xăng để không phải chờ lâu song vào lúc 23 giờ 30 tại xây xăng Nam Đồng, vẫn rất đông khách xếp hàng chờ đến lượt đổ xăng.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết từ chiều 10/11 đến rạng sáng ngày 11/11 cho thấy, các cửa hàng thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trên các đường Láng (quận Đống Đa), Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Nguyễn Phong Sắc, (quận Cầu Giấy), Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Hàng Bún (quận Ba Đình), Mai Động, Tam Trinh (quận Hoàng Mai), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) đều đông người xếp hàng. Một số cửa hàng chỉ mở 2 trụ bơm cho xe máy và 2 trụ cho ô tô.
Đáng buồn, một số người còn cho biết phải đi đổ xăng vào thời điểm nửa đêm và không phải cửa hàng nào cũng mở, nơi nào bán hàng thì cũng đông nghịt người, bức bối, vội vã, chen chúc nhau. Thậm chí, trưa ngày 11/11, vài giờ trước khi giá xăng dầu được điều chỉnh, các cây xăng tại Hà Nội vẫn trong tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ đổ xăng. Rất nhiều người bức xúc cho biết họ phải chờ từ 15 phút đến nửa tiếng mới tới lượt hoặc phải đi vài km, qua vài cây xăng mới đổ được nhiên liệu. Một số cây xăng vẫn có điệp khúc "tạm hết hàng".
Tương tự, tại Hải Phòng trong 3 ngày trở lại đây một số cửa hàng xăng dầu cũng đã khống chế mức mua xăng dầu đối với người tiêu dùng. Chẳng hạn cây xăng trên đường Lê Hồng Phong, nhân viên thông báo chỉ đổ tối đa 300.000 đồng/lần cho xe ô tô. Tại các điểm bán hàng lớn của Petrolimex, nhiều người ví von đi đổ xăng vui như trẩy hội, người dân và các phương tiện nối đuôi nhau dài chờ mua xăng.
Cần có giải pháp hài hòa
Chiều qua (11/11), dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp bàn về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Cuộc họp có sự tham gia của Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đại diện các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã từng phân tích, nguồn cung toàn cầu ngày càng khan hiếm hơn khi các nước đổ xô mua trước khi OPEC + cắt giảm sản lượng và các biện pháp trừng phạt tiếp tục đối với Nga. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ mạnh để nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục biến động, tăng 0,75 điểm phần trăm trong tuần qua và dự báo tiếp tục được điều chỉnh tăng thời gian tới. Bộ trưởng Diên cho biết sự tăng giá của đồng USD đang làm cho nhiên liệu nhập khẩu trở nên đắt hơn, làm tăng thêm những khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Một số nhà nhập khẩu nhiên liệu cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng để thanh toán cho hàng nhập khẩu do khó đáp ứng điều kiện cho vay và bảo lãnh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện 4 giải pháp để cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công thương đã kêu gọi các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất xăng dầu chia sẻ nguồn cung của mình từ nguồn dự trữ thương mại, kể cả việc tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng nhập khẩu để giảm bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Tuy nhiên, hiện tượng xăng dầu thiếu, các cây xăng bán cầm chừng nhỏ giọt xăng theo phân tích của người trong ngành là do nguyên tắc thị trường bị phá vỡ, đại lý hiện nay không mặn mà kinh doanh vì không có nhiều lợi ích.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết phân tích, với doanh nghiệp, nguyên tắc kinh doanh là lợi nhuận. Khi giá xăng được điều chỉnh tăng, họ sẽ vui; ngược lại, họ kêu lỗ, và như thời gian vừa qua là không bán hoặc không nhập hàng để bán. Việc thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương thực chất là biểu hiện khác của một vấn đề cũ. Năm nào cũng vậy, trước kỳ điều chỉnh giá xăng là nhiều doanh nghiệp kinh doanh nghe ngóng. Nếu tăng giá thì họ tìm lý do để bán ít, găm hàng không bán. Sau khi giá xăng được điều chỉnh chính thức, họ bán ra và thu lợi. Thị trường xăng dầu Việt Nam đang tồn tại hiện tượng doanh nghiệp thấy lỗ không bán và doanh nghiệp muốn kiếm lợi nhiều cũng không bán hàng.
Ông Điền nói thêm, sau thời điểm tăng giá lên gần 33.000 đồng/lít thì giá xăng nay có phần hạ, 2 tháng qua giá xăng liên tục điều chỉnh giảm doanh nghiệp thấy lỗ, họ lại không biết giá giảm tiếp thế nào nên họ không nhập khẩu dẫn đến thiếu hụt cục bộ.
Về giải pháp điều hành giá xăng dầu, ông Điền cho rằng có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai cách quản lý. Đầu tiên, nếu xác định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giá xăng dầu ổn định sẽ mang lại tăng trưởng đủ để bù đắp cho phần chênh lệch do phải bù giá, Nhà nước sẽ quản lý giá xăng dầu. Khi đó, giá bán được ấn định, không phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới. Nhà nước chỉ tính toán nhu cầu xăng dầu theo năm, lượng thiếu hụt và lượng dự trữ để điều tiết.
Cách thứ hai là để thị trường quyết định. Nhà nước tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, không giới hạn doanh nghiệp tham gia thị trường và không can thiệp tới giá bán. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động nhập xăng dầu, mở rộng địa điểm phân phối, doanh nghiệp nào bán giá cao thì không có khách hàng, tự phải điều chỉnh hoặc phá sản. Như vậy, thị trường sẽ tự điều tiết và Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường có vấn đề.
Trong cả hai lựa chọn này, Nhà nước đều cần mở rộng kho dự trữ quốc gia. Khi giá ấn định thấp hơn quá nhiều so với giá sản xuất trong nước và giá nhập khẩu, hay khi giá thị trường tăng quá cao thì có thể rút từ kho dự trữ ra để ổn định cung cầu, giúp giá giảm xuống.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Trong đó yêu cầu Bộ Công thương rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2022. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí bảo hiểm, chi phí kinh doanh định mức…) cho phù hợp và sát với tình hình thực tế; xác định cơ sở pháp lý và thẩm quyền để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (nếu có).