Cán bộ công đoàn phải 'vào sinh ra tử' với người lao động
Ngày 12/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học công đoàn đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tình hình mới. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về vai trò của tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; đồng thời đưa ra các giải pháp và kiến nghị, đề xuất để bảo vệ quyền lợi người lao động được thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đánh giá về hoạt động công đoàn, ông Đậu Đình Châu, Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, cùng với sự phát triển chung của đất nước, lực lượng lao động đang ngày một tăng, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp và không tránh khỏi những bất cập về thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động. Bên cạnh đó, trong những năm qua khi dịch bệnh và thiên tai xảy ra, đặc biệt là dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn, khó khăn cho hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp trong nước. Thậm chí, có một số doanh nghiệp phải phá sản đã gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập cũng như việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, dẫn đến các mâu thuẫn, tranh chấp và đơn thư khiếu nại, tố cáo của đoàn viên và người lao động.
“Trong đó, nội dung đơn thư khiến nại, tố cáo mà tổ chức công đoàn nhận được tập trung chủ yếu như chế độ tiền lương, hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ tai nạn lao động, thỏa ước lao động đã được ký kết…Những đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn tập trung chủ yếu phản ánh một số công đoàn vi phạm Điều lệ, nghị quyết và các quy định của công đoàn, công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Ngoài ra, đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một số cán bộ công đoàn chưa thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động”, ông Đậu Đình Châu chia sẻ.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội lại cho rằng, hiện tại công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 333 công đoàn cơ sở với 157.823 lao động; trong đó, đoàn viên là 148.076 người.
Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ cốt lõi, căn cốt của tổ chức công đoàn. Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt đó, trong những năm qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các khu công nghiệp, ông Nguyễn Đình Thắng đề nghị, cần tập trung làm tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể. Đây là công cụ chính của công đoàn cơ sở để đại diện, bảo vệ đoàn viên, công đoàn lao động. Đối với doanh nghiệp phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của công đoàn cơ sở.
Bên cạnh đó, công đoàn phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, nhằm hạn chế mức thấp nhất tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể xảy ra. Qua đó, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Để bảo vệ người lao động trong công đoàn ngành, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế chia sẻ, trong thời gian khi qua tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, lực lượng ngành y đã rất vất vả để chống chọi với dịch bệnh nhưng mức hỗ trợ phòng, chống dịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Với sức ép công việc ngày một nhiều, công việc lại rất nặng nhọc khiến cho sức khỏe của cán bộ trong ngành y tế bị ảnh hưởng lớn, trong khi phụ cấp lại rất bèo bọt. Những bất cập đó chính là nguyên nhân dẫn đến hàng nghìn người lao động trong ngành y tế đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần có chính sách hợp lý để giữ chân nhân viên y tế ngành y.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Đây là chức năng sống còn của tổ chức công đoàn. Do đó, nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động thì công đoàn sẽ không thể tồn tại. Để làm được điều đó, các cấp công đoàn phải nhìn thẳng vào sự thật để kịp thời giải quyết những khó khăn mà công đoàn đang gặp phải. Phải thay đổi hình ảnh cán bộ công đoàn chỉ làm công tác hòa giải mà cán bộ công đoàn phải là người "cùng hội, cùng thuyền", phải vào sinh ra tử với người lao động, phải đứng cùng với người lao động để bảo vệ quyền lợi của họ.