Hội tụ và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc
Những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua đó, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Ôn lại truyền thống vẻ vang
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sau khi có quyết định của MTTQ Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc.
Những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua đó, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Cùng với tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Cùng với việc xây dựng nếp sống mới là việc đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu.
Cũng cần nhấn mạnh, trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình. Tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn đó, mà Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ra đời.
Có thể thấy, những năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung. Ngày hội còn là dịp để cán bộ, lãnh đạo gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; để chia sẻ, tháo gỡ những vấn đề người dân băn khoăn, kiến nghị, qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo mối gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đây cũng là dịp để MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là cấp cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nhìn nhận, đánh giá lại một năm phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương; đặc biệt là tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết
Thời điểm này, Ngày hội đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước với niềm vui từ cơ sở. Hòa chung không khí vui tươi của Ngày hội, chiều 9/11, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Khu dân cư văn hóa thôn Trại Cọ, xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Thôn Trại Cọ có 170 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7,6%, hộ dân làm nông nghiệp chiếm 80%; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chiếm 5,3%. Cuộc sống người dân trong thôn ngày càng ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt. Phong trào thi đua xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa đã trở thành mục tiêu phấn đấu, thi đua giữa các tổ chức, đoàn thể trong thôn.
Nhờ đó, năm 2022 thôn đạt khu dân cư văn hóa cấp huyện; 94,1% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; trên 90% tỷ lệ đường thôn được thắp sáng. Hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ dân vũ, câu lạc bộ bóng chuyền hơi, tổ thu gom rác thải được duy trì tốt... Ngoài ra, thôn vận động tiền đối ứng của nhân dân để xây dựng nhà văn hóa, cứng hóa đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.
Tại Ngày hội, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận, biểu dương tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên, giúp đỡ nhau của bà con trong thôn, qua đó giúp đời sống văn hóa, tinh thần người dân ngày càng khởi sắc, tốt đẹp. Khẳng định Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để khơi dậy tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần đoàn kết, vươn lên của toàn thể nhân dân, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn thời gian tới, nhân dân thôn Trại Cọ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên tiến tới xóa sổ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Người dân trong thôn đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, phấn đấu xây dựng Trại Cọ trở thành khu dân cư đáng sống, sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, an toàn.
Đồng thời, đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng dân cư; giữ gìn phát huy bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Mặt trận các cấp tiếp tục triển khai các chương trình, nội dung của Mặt trận hướng về khu dân cư một cách thiết thực, hiệu quả.
Từ khu vực Tây Nguyên, ngày 9/11, Ban Công tác Mặt trận thôn 5, làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đại biểu và Ban Công tác Mặt trận thôn 5, dân làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam 92 năm qua, cũng như trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Phát biểu tại Ngày hội, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, biểu dương những kết quả mà Ban Công tác Mặt trận thôn 5, làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đạt được trong thời gian qua, đó chính là tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của cán bộ và bà con nhân dân thôn 5, làng Kon Brắp Du.
Cũng trong ngày 9/11, tại khối phố An Hà Nam, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Ngày hội. Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và bà con KP An Hà Nam đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời hy vọng rằng cán bộ, đảng viên, nhân dân khối phố An Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong phát triển kinh tế cũng như trong xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời có thêm nhiều tấm gương điển hình tiên tiến để học tập, nhân rộng trong cộng đồng.
Đời sống ngày càng khởi sắc
Trước đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã diễn ra tại thôn Trung Thịnh, xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chiều 6/11. Thôn Trung Thịnh có 8 tổ liên gia với 296 hộ dân và 896 nhân khẩu. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đời sống người dân thôn Trung Thịnh ngày càng chuyển biến rõ nét, kinh tế phát triển, an ninh trật tự ổn định, tình làng, nghĩa xóm được vun đắp, đời sống văn hóa ngày càng khởi sắc.
Phát biểu chung vui với bà con nhân dân trong Ngày hội Đại đoàn kết, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Hùng ghi nhận, biểu dương những thành tích mà thôn Trung Thịnh đã đạt được, nhất là trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn tiếp tục duy tu và bảo dưỡng các công trình nông thôn mới; phát huy tinh thần đoàn kết, thúc đẩy các phong trào thi đua, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để tăng thu nhập; phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; phát triển các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao tiếp tục xây dựng khu dân cư Trung Thịnh ngày càng phát triển.
Tại Bạc Liêu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại khu dân cư An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình cũng mang lại sự ấm áp và niềm vui cho mỗi người dân. Ấp An Khoa có 3.366 người thuộc 4 tộc người: Kinh, Khmer, Hoa và Tày sống đan xen, đoàn kết. Ấp có 2,5km Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn, tạo thuận lợi kinh doanh, mua bán của một bộ phận người dân, còn đa phần bà con trong ấp trồng lúa, rau màu và chăn nuôi. Thời gian gần đây, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung, đời sống của nhân dân ấp An Khoa không ngừng được cải thiện, hiện toàn ấp có 384 hộ khá, giàu, chiếm phân nửa tổng số hộ trên địa bàn, không còn hộ nghèo.
Chung vui cùng bà con trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: Bản thân là công dân của ấp nên cảm thấy vinh dự được tham dự Ngày hội và nhận thấy cuộc sống của bà con trong ấp thay đổi ngày càng tích cực.