Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tôi già rồi...

HẢI NHI (thực hiện) 25/11/2022 09:18

Tôi gọi điện thoại tới đạo diễn Trần Văn Thủy xin ông một cuộc trò chuyện, sau chừng 1 tháng kể từ khi ông được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông vừa ở châu Âu về, giọng nói sang sảng và đầy truyền cảm khiến người nghe khó có thể cảm nhận được gần một tiếng đồng hồ trôi qua. Ông nói về nhân tình thế thái và về cuộc đời của mình, thật nhiều. Rồi ông hào hứng kể, lần này tôi đã thực hiện được ước nguyện chạm tay xuống dòng Danube xanh ở thủ đô Viene (Áo) bởi ông vốn rất yêu bản nhạc ngoại "Dòng sông xanh". Rồi ông hơi nghiêm giọng, cô nên tìm đọc cuốn “Chuyện nghề của Thủy”, trong đó khá đầy đủ chuyện đời, chuyện nghề của tôi, khi nào đọc xong thì gọi lại, tôi vẫn dành cho cô một buổi gặp…

Một sáng Hà Nội lập đông, tôi tìm đến nhà vị đạo diễn kỳ cựu của những bộ phim danh tiếng: “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”… trong một con ngõ nhỏ trên con đường Hoàng Hoa Thám. Trước mắt tôi, phong thái của vị đạo diễn đặc biệt này vẫn nhanh nhẹn lạ thường, dù ông đã ở tuổi 82.

Ông bảo, cứ ở nhà là ốm, đi là khỏe ra. Dự định công việc của ông còn nhiều, bởi ông chỉ có nhu cầu được làm phim. Ông cảm thấy mình may mắn vì đã sinh được 2 người con sống rất lương thiện. Cô con gái là doanh nhân và thích làm từ thiện, cậu con trai đầu - họa sĩ Trần Nhật Thăng, cũng với tinh thần ấy; trường học, bệnh viện hay nơi nào đó mà cần đến hội họa là sẵn sàng làm miễn phí. “Thăng có 2 xưởng vẽ trên Mộc Châu (Sơn La), cũng lạ lùng lắm, cheo veo ở trên đỉnh đèo ấy. Con tôi không giàu có hay có chức quyền gì đâu, nhưng chúng lương thiện và biết quan tâm đến mọi người”, ông bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.

Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: Hòa Nguyễn.

PV: Thưa ông, tròn 40 năm bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai" ra đời, trong đó họa sĩ Bùi Xuân Phái là một nhân vật của bộ phim, ông lại vừa được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2022. Ông nghĩ gì về giải thưởng này? Và ông nhớ những gì về danh họa Bùi Xuân Phái?

Đạo diễn TRẦN VĂN THỦY: Sau 40 năm bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” đưa tôi đến với giải thưởng Bùi Xuân Phái. Tôi nói vui, lẽ ra người ta phải trao cái giải này cho tôi lâu rồi mới phải (cười).

Về bộ phim này, tại sao tôi chọn ông Phái, vì trước họa sĩ Bùi Xuân Phái, với trực giác của nhà làm phim tôi thấy chưa ai phát hiện ra vẻ đẹp của Hà Nội trong cái siêu liêu, rêu phong, mốc mác và sự lô nhô. Phố Phái lúc đầu xuất hiện không phải ai cũng hưởng ứng, ai cũng tán thành đâu. Mãi về sau người ta mới hiểu ông Phái là người khám phá, khai sáng ra một cách nhìn về Hà Nội. Tôi tìm đến nhà ông Phái ở phố Thuốc Bắc, trình bày nguyện vọng họa sĩ đứng trước camera để quay một số hình ảnh, ông Phái từ chối ngay. Ông bảo: Nếu anh mời tôi thì phức tạp lắm. Tôi trấn an ông Phái, bác yên tâm cái gì cũng có số, cháu làm phim trân thành, trong sáng. Thế nhưng y như rằng, “Hà Nội trong mắt ai” xong rồi thì bị cấm chiếu. Như mọi người đã biết rồi đó…

Riêng về ông Bùi Xuân Phái, tôi làm “Hà Nội trong mắt ai” năm 1982, và quay những hình ảnh về ông Phái cũng trong năm 1982. Tôi rất cảm động bởi ông Phái dắt chiếc xe đạp lọc cọc, rồi treo giá vẽ, đồ nghề đi qua phố Hàng Đào, hồ Hoàn Kiếm… đi về phía phố Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, ở đó ông tìm được một góc rất Hà Nội phố với mái nhà cao thấp lô nhô. Ông đặt giá vẽ rồi bảo, ở đây “OK”. Thế là tôi bấm mấy cảnh bằng phim nhựa 35mm.

Giờ nhìn lại bản thân ông Phái không có một hình động nào khi lục kiếm lại để tôn vinh, hoặc gia đình muốn làm kỷ niệm về ông, chỉ có duy nhất hình ảnh động của ông Phái có ở “Hà Nội trong mắt ai”. Đây là chuyện rất ngẫu nhiên và tình cờ, cuộc đời làm phim đưa đẩy tới việc được biết ông Phái và được quay những cảnh về ông Phái, lưu giữ hình ảnh về ông. Hình ảnh ông Phái đứng bên giá vẽ đưa đường bút tô cái cột điện, rồi ngước nhìn lên, cái khoảnh khắc mà ông ấy ngước nhìn lên, rất Bùi Xuân Phái.

Cơ duyên nào đưa ông đến với “Hà Nội trong mắt ai”?

- Tôi muốn nhắc lại, trước năm 1980, tôi đã làm bộ phim “Phản bội” nói về chiến tranh biên giới, ngay lập tức bộ phim đó đạt giải vàng ở liên hoan phim quốc gia, và trở nên rất nổi tiếng. Khi bộ phim “Phản bội” thành công, cả năm 1981 tôi ngồi chơi không.

Cuối năm, tôi nói với Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương lúc đó là anh Lưu Xuân Thư rằng, anh có kịch bản nào thì cho tôi làm, để cuối năm có phim không thì “rát mặt”, mang tiếng không có năng suất. Vậy là anh Thư cầm một xấp giấy khua khua trên đầu rồi bảo: "Hà Nội trong mắt ai đây, Hà Nội trong mắt ai đây, ai làm thì làm đi". Anh Thư rất tử tế. Tôi phải nói rằng hầu hết các vị lãnh đạo của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương nơi tôi đã làm đều là những người anh tử tế, đều là những người rộng lượng. Hầu như họ tin tôi, quý tôi và để cho tôi tự do. Chắc rằng có như vậy mới “đẻ” ra mấy bộ phim đó chứ (cười).

Đạo diễn Trần Văn Thủy sinh năm 1940 tại quê hương Nam Định, nhưng sau tuổi trẻ cống hiến tại chiến trường với nhiệm vụ của phóng viên, và đi học đạo diễn ở Liên Xô (cũ), ông gắn bó với Hà Nội suốt phần đời còn lại. Ông đã đạo diễn trên 20 phim tài liệu, trong đó có nhiều phim đoạt giải cao trong các liên hoan phim quốc gia và quốc tế như phim “Phản bội” về chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1980; “Hà Nội trong mắt ai” năm 1982, giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988; “Chuyện tử tế” năm 1985, đoạt giải Bồ câu bạc Liên hoan phim quốc tế Leipzig; “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” năm 1999, giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43; “Mạn đàm về người Man Di hiện đại’ (4 tập), về Nguyễn Văn Vĩnh vào 2006-2007…

Gia đình ông những năm tháng đó như thế nào?

- Mấy năm liền tôi không làm phim, sống không đủ. Mẹ tôi khóc, bảo: Con ơi con, nhà mình không có gạo nấu cơm đâu con. Mà tại sao thằng Phúc (em rể tôi) nó cũng đi làm phim mà về có trứng gà, trứng vịt. Mà con làm phim người ta cứ xầm xì thế này mẹ không ngủ được con ơi! Mẹ tôi mất rồi, tôi cũng rất đau đớn vì tôi nghĩ mẹ tôi không được báo đáp, không được phụng dưỡng như ý nguyện của chúng tôi vào những hoàn cảnh kinh tế xã hội lúc bấy giờ quá khó khăn. Khổ bao nhiêu, nghèo đói bao nhiêu tôi cũng cắn răng chịu, nhưng để mẹ tôi chịu thì điều đó là nỗi buồn luôn đeo đẳng tôi.

Trong cuộc đời làm phim, người thầy nào đã ảnh hưởng tới ông? Nói rộng ra, theo ông vai trò của người dẫn đường quan trọng như thế nào với mỗi con người?

- Đó chính là đạo diễn nổi tiếng người Liên Xô Roman Karmen (1906 - 1978). Bố ông ấy là nhà văn, bởi thế tên đầu của ông ấy được đặt là Roman, nghĩa là tiểu thuyết. Nói về vai trò của Roman Karmen với điện ảnh thế giới thì rất lớn. Và dường như có duyên nợ với Việt Nam, Roman Karmen đã sang Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp làm bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, đó là bộ phim màu chỉn chu nhất, đầy đủ nhất về Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Sau này, các thế hệ sau đều trích tư liệu trong phim đó, nhưng buồn là họ không bao giờ có một cái dòng ghi chú nho nhỏ rằng: Đây là tư liệu của Roman Karmen. Tôi nghĩ đó là điều thất lễ. Ông Roman Karmen sang Việt Nam từ năm 1953, khi kết thúc chiến tranh, cho đến khi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó Tổng giám đốc TTXVN trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Về tình riêng thì sao, thưa ông?

- Có lẽ rằng, đầu tiên tôi là người Việt Nam, vì Roman Karmen đã nói “Việt Nam luôn luôn trong trái tim tôi”, ông ấy thương tôi, ưu ái tôi vì tôi là người Việt Nam. Điều thứ 2 ông quý tôi vì tôi đã đoạt giải quốc tế trước khi tôi là sinh viên của ông ấy, mà chính ông là người đã trao giải cho tôi ở Liên hoan phim Quốc tế Leipzig với bộ phim “Những người dân quê tôi” (Giải Bồ câu Bạc, năm 1970). Bộ phim tôi quay ở chiến trường miền Nam. Thời điểm đó tôi đến Liên hoan Leipzig, với bộ dạng gầy tong teo, cân nặng 42kg.

Đến năm 1973, sau lớp dự bị tiếng Nga thì tôi sang trường VGIK - trường đào tạo điện ảnh của Liên Xô để dự thi tuyển thì gặp lại Roman Karmen. Lúc đó ông ngồi trên salon, giữa một phòng lớn, xung quanh là các trưởng khoa, giáo sư. Có chiếc ghế ở giữa để sinh viên, nghiên cứu sinh vào đối đáp. Cuộc gặp phỏng vấn để tuyển sinh rất đặc biệt. Nhìn thấy tôi, ông ấy ồ lên: Ôi, một người sinh viên đã từng đạt giải quốc tế! Hỏi thăm về các người bạn Việt Nam một hồi, ông ấy bảo thôi bây giờ thì anh có thể coi anh là sinh viên của trường VGIK được rồi. Lúc đó những giám khảo khác đều không đồng ý. Roman Karmen bảo: Nhưng anh ấy từng được giải thưởng quốc tế rồi, là một sinh viên đã đạt giải thưởng quốc tế thì tôi hỏi, có những người học xong trường VGIK còn không làm nổi một bộ phim.

Rồi ông ấy quay sang tôi: Giờ em muốn làm sinh viên năm thứ mấy? Điều này chưa có trong tiền lệ của trường VGIK, bởi vì khi ông ấy tuyển là phải chịu trách nhiệm từ năm thứ nhất đến năm cuối cùng, đó là thông lệ của các thầy ở trường VGIK. Nhưng tiếc thay, khi nhóm tôi kết thúc thì Roman Karmen qua đời. Đó là chuyện hy hữu, tình cờ và cuộc đời sắp đặt. Tôi về nước sớm hơn 1 năm do tôi không phải làm phim tốt nghiệp.

Bởi bộ phim “Ở đó, nơi mà chúng tôi đã sống” tôi làm khi đi Siberia thực tập, chỉ là bài tập năm thứ 2, nhưng đã được giải Hoa cẩm chướng đỏ. Giải thưởng đó cũng có nhiều công của Roman Karmen khi ông có những gợi mở, hỗ trợ tôi về phương tiện làm phim khi tới vùng đất khắc nghiệt Siberia. Những kỷ niệm ở Liên Xô quá nhiều, quá dài khó mà kể hết, nhưng nó liên quan đến quyết định rất quan trọng của Roman Karmen là ông ấy đã quý mến tôi. Tôi vẫn còn nhớ, trên đầu giường của ông ấy có bức tranh sơn dầu không lớn lắm vẽ bộ đội mình đứng trên nắp hầm Đờ Cát phất cờ trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trở lại với “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, có thể cảm nhận 2 bộ phim cùng một giọng, phản ánh thời điểm đó xã hội chưa cởi mở, loanh quanh trong vòng “kim cô”, ông có sợ trùng không? Theo ông bộ phim nào hay hơn?

- Đầu những năm 80 của thế kỷ trước là những năm đầu tiên thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Lúc đó tôi nghĩ, bây giờ chắc đã hết chiến tranh rồi, bây giờ phải tái thiết, xây dựng đất nước, đó là điểm xuất phát. Xây dựng đất nước phải là yếu tố con người, đầu tiên phải là người lãnh đạo có trình độ, biết thương dân. Tất cả lịch sử của tiền nhân, của cha ông, vua Lê Thánh Tông, câu chuyện của ông Tô Hiến Thành, ông Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… những gì đã có ở “Hà Nội trong mắt ai” đều làm theo kiểu kê đơn bốc thuốc. Tức là tôi thống kê những “bệnh” đã có trong bộ máy cầm quyền, tôi vào thư viện đào bới trong những cuốn sách sử những chuyện gì tương đồng, va đập vào những chuyện này thì tôi lấy vào phim, chứ không phải tình cờ.

Tôi rất ý thức để xây dựng một nhận thức. Tôi cho rằng, nếu ca ngợi về Hà Nội thì phải ca ngợi những giá trị tinh thần và tư tưởng, đạo đức và cách thức trị nước yên dân, đó là cái cốt lõi nhất của Hà Nội, đó là những thứ đẹp nhất của Hà Nội chứ không phải quần chùng áo dài, của ngon vật lạ. Bởi thế tôi làm “Hà Nội trong mắt ai”. Mục đích của tôi rất rõ là để công chúng biết tiền nhân trị nước yên dân thế nào. Từ năm 1982 bị cấm, đến năm 1988, sau 6 năm bộ phim đoạt giải Bông sen Vàng biên kịch, đạo diễn, quay phim.

Ngay sau khi “Hà Nội trong mắt ai” siêu điêu, vất vả, tôi đã nghĩ phải làm tiếp cái gì. Chuyện dài. Tôi đã tiếp xúc với các bác sĩ, vào các trại hủi, trại phong… Thực ra “Chuyện tử tế” bắt đầu cũng lơ mơ lắm, chứ không rành mạch như sau này. Tôi muốn nói tới một “chìa khóa” khi tôi thực hiện các bộ phim, đó là bất kỳ một sản phẩm nào, một tác phẩm nào chỉ có thể nổi tiếng, chỉ có giá trị xã hội khi nó đụng vào "dây thần kinh" của đời sống xã hội thì nó mới có lý do để tồn tại. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất trong những bộ phim của tôi làm.

Từng làm phim về Hà Nội rất hấp dẫn, nhưng với ông Hà Nội bây giờ và Hà Nội ngày xưa khác nhau ra sao?

- Vào những năm ấy, Hà Nội nghèo lắm. Ra Hà Nội mà thấy chiếc xe máy cũng thấy lạ, vì vẫn còn bao cấp. Về nhiều phương diện, những năm đó Hà Nội mới thoát khỏi chiến tranh nên thiếu thốn về mặt vật chất, nhưng về mặt tình người thì ăn ở với nhau cực kỳ tử tế. Bây giờ khi mà đời sống vật chất khá lên thì tình người đi xuống. Hà Nội nhiều xe cộ, nhà cao ốc, tiện nghi, nhưng khoảng cách giữa người với người lại xa hơn. Vấn đề tình người và đạo đức chưa được quan tâm song song với vấn đề phát triển kinh tế. Đó là vấn đề lớn. Tóm lại đời sống xã hội, đời sống kinh tế vật chất chúng ta hơn hẳn cách đây hơn 40 năm, khi tôi làm “Hà Nội trong mắt ai”, nhưng chưa bao giờ chém, cướp, giết, hiếp, những bi kịch của xã hội lại khủng khiếp như hiện nay. Có người đổ thừa cho phương tiện truyền thông quá nhanh, ngày xưa không có internet, mạng xã hội. Hoàn toàn không phải, đừng tưởng rằng con người có đời sống vật chất khá lên thì tình người khăng khít hơn, không có đâu, đấy là quy luật hết sức nghiệt ngã trong xã hội. Tôi nghĩ rằng trí thức và những người có quyền phải ý thức được điều này, nếu không nhiều tiền chưa chắc đã mang lại hạnh phúc cho con người.

Nhắc tới trí thức, ông có thể chia sẻ về vai trò của trí thức cũng như những phản biện xã hội hiện nay của tầng lớp trí thức có tác động thế nào tới xã hội?

- Tôi muốn nói một điều gan ruột, đất nước của chúng ta khác với rất nhiều xứ sở khác. Những mất mát, đau thương của đồng bào chúng ta, đó là sự hy sinh quá lớn. Thế thì phải đổi lại một hiện thực thế nào cho xứng đáng, đó là bổn phận của chúng ta.

Ông vẫn say mê với phim tài liệu, theo ông, con đường của phim tài liệu Việt Nam nên là…?

- Tôi già rồi, năm nay tôi 82 tuổi ta. Vừa rồi tôi đã có một chuyến đi dài tới các nước: Rumani, Áo, Bỉ, Pháp. Nhiều người rất ngạc nhiên hỏi tại sao tôi nhiều tuổi thế này mà còn đi làm phim xa như vậy. Đó là sự thật bởi có lẽ chưa có đạo diễn nào trên thế giới này 82 tuổi vẫn đi sang một châu lục khác như tôi hiện giờ.

Nhưng có một điều kỳ lạ là khi ở nhà tôi sinh hoạt bê bết lắm, nhưng khi vào guồng đi làm phim, tôi tự nhiên khỏe ra, minh mẫn ra và tự nhiên xông xáo, không nghĩ mình là người già yếu nữa. Tôi làm tròn bổn phận của một người làm phim. Về phim mới này, tôi tham gia làm phim chứ không phải đạo diễn, đây là phim của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài đã tạo điều kiện cho ekip, trong phim này, tôi là người phát hiện ra đề tài, gợi ý bố cục… nhưng cũng xin đừng đề tên tôi.

Theo tôi, phim tài liệu Việt Nam, dù ở Hãng phim Tài liệu Trung ương, ở Đài Truyền hình, ở hệ thống các ban, ngành, hay ở địa phương thì cũng là kinh phí, ngân sách của Nhà nước, là thuế của dân. Đó là điều cần lưu ý, nếu đã là của nhà nước thì phải biết đây là đồng tiền, bát gạo của dân và mình làm sao để cho xứng đáng, để đồng tiền ấy có ích.

Thứ hai là hãy nói về nỗi đau và khát vọng của dân chúng. Trong cuộc đời tôi từ khi vào nghề cho đến bây giờ, tôi chưa làm một bộ phim nào mang tính “cờ, đèn, kèn, trống”. Đó là trách nhiệm khi tôi tiêu những đồng tiền của Nhà nước.

Thứ ba, với tôi phim tài liệu quan trọng, bởi vì chỉ có phim tài liệu mới phản ánh đúng sự thật, với động cơ chân thành, xây dựng một trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của người làm phim. Những bộ phim góp phần để xã hội tốt đẹp lên thì mới xứng đáng để mình bỏ công sức cộng với tiền bạc của dân chúng để làm việc đó. Làm phim tài liệu là làm theo đúng sự thật. Có gì quý bằng mình nói những chuyện thật trong cuộc đời.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trong cuộc trò chuyện, giọng đạo diễn 82 tuổi Trần Văn Thủy lúc bổng, lúc trầm, như cuộc đời của ông từng có rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng cũng không ít thử thách, gian truân. Dù thế nào thì người ta cũng nhận ra ngọn lửa đam mê nghề vẫn cháy trong ông. Như lời gan ruột của ông: “Tôi muốn nói tới một “chìa khóa” khi tôi thực hiện các bộ phim, đó là bất kỳ một sản phẩm nào, một tác phẩm nào chỉ có thể nổi tiếng, chỉ có giá trị xã hội khi nó đụng vào "dây thần kinh" của đời sống xã hội thì nó mới có lý do để tồn tại. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất trong những bộ phim của tôi làm”.

HẢI NHI (thực hiện)