Văn học mạng Việt Nam: Phát triển hay đang bị biến thể, hòa tan?
Sự phát triển của các nền tảng công nghệ hiện đại đã khiến loại hình văn học mạng bị thay đổi, ít nhiều đã dẫn đến sự biến thể thành các loại hình khác, hoà tan theo làn sóng của các xu hướng tiếp cận mới.
Văn học mạng xuất hiện tại Việt Nam bắt đầu từ những trang forum với những tác phẩm của: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Cấn Vân Khánh, Trần Thu Trang, Trang Hạ, Hà Kin, Di Li... vào những năm đầu thế kỷ 21. Những tác phẩm họ viết và đăng tải lên blog cá nhân, hay các trang web đều nhận được những lượt tương tác lớn từ độc giả. Đã có những tác phẩm văn học mạng Việt Nam, văn học mạng nước ngoài, được dịch và in ra thành những đầu sách xuất bản, tạo ra một hiện tượng văn học thời điểm trước năm 2010.
Trải qua thời gian phát triển của Internet, hiện nay đã có rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác được tạo ra, đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức lớn đối với văn học mạng.
Trong tọa đàm “Văn học mạng Việt Nam: Xu hướng sáng tạo và tiếp nhận” được tổ chức tại Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội ngày 10/11, PGS.TS Trần Khánh Thành (Giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho rằng: “Văn học mạng hiện nay vẫn sống trên nhiều nền tảng khác nhau và triển vọng của văn học mạng vẫn còn nhưng sự biến hình của nó có thể chuyển từ hình thái này sang hình thái khác”.
Trong khi đó, TS Trần Ngọc Hiếu (Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, văn học mạng Việt Nam đang bị cuốn trong dòng xoáy của các nền tảng công nghệ, app điện thoại. “Bức tranh văn học mạng tại Việt Nam hiện nay khó quan sát bởi văn học mạng hiện giờ đang khai thác các lợi thế về mặt kỹ thuật cũng như tiềm năng thương mại mà internet tạo ra nhiều hơn là coi nó như là một môi trường dân chủ, dành chỗ cho những thể nghiệm nghệ thuật. Tất nhiên ngày trước văn học mạng được phát triển bởi forum, blog... thì bây giờ bị công nghệ hóa lên thành các app, nhưng một khi đã thành app thì tính thương mại của nó cao, còn nghệ thuật thì bị lược bỏ đi nhiều”, ông Hiếu nói.
Văn học mạng ở Việt Nam hiện đang có những biến thể mới, không còn thuần túy là những văn bản dài mà đã đi vào việc sản xuất nội dung trên nền tảng Internet. Điều này đặt ra vấn đề về cách nhìn nhận và đánh giá văn học mạng, nếu hiểu và nhìn nhận theo lĩnh vực truyền thống thì dường như văn học mạng hiện nay không có nhiều câu chuyện để thảo luận, còn hiểu theo nghĩa rộng thì văn học mạng đang tồn tại dưới dạng content, ký sự video... và hầu hết là để phục vụ cho lợi ích thương mại.
Để văn học mạng Việt Nam có cơ hội bùng nổ như thời điểm 10 năm trước, theo TS Trần Ngọc Hiếu, cần phải thúc đẩy phần nghệ thuật và kháng cự lại những lợi ích về mặt thương mại. “Văn học mạng cần phải tạo ra những hứng thú, những đột phá về mặt thẩm mỹ, không nên để bị chi phối bởi lợi ích về mặt kỹ thuật, thương mại mà biến công việc sáng tác thành lĩnh vực công nghiệp”, TS Trần Ngọc Hiếu cho hay.
Có thể thấy, việc tác động của các nền tảng công nghệ mới đã ảnh hưởng nhiều đến sự tồn tại của văn học mạng. Cách biến thể về loại hình, thể hiện trên các trang mạng, app điện thoại khiến cho hình thái văn học mạng có nhiều biến đổi. Bởi vậy mà cần có một cách nhìn mới để tiếp cận văn học mạng, bên cạnh đó cũng cần tạo thêm những nền tảng trang web phục vụ cho việc viết và xuất bản, để những cây bút có không gian đăng tải và tìm kiếm bạn đọc thì văn học mạng Việt Nam mới có cơ hội để tồn tại và phát triển trong tương lai.