Giữ hồn con nước Tam Giang
Vẻ đẹp thanh bình và thiêng liêng tại nơi 3 dòng sông miền Bắc hòa chung con nước ở Bạch Hạc - Bến Gót, điểm nhấn văn hóa rất đặc biệt của thành phố Việt Trì (Phú Thọ), đang từng ngày bị khói bụi và tiếng ồn xâm hại…
Nước thiêng Tam Giang
Sau ít phút đứng vái lễ bên bờ sông, chị Phan Thị Thơm giục chồng xách mấy cái can to cỡ hai chục lít lên chiếc xuồng máy đang nổ chờ bơi ra giữa dòng trước lúc một chiếc tàu vận tải chở đầy cát sắp lao qua. Trên xuồng có hai người nữa đi cùng, họ là những vị khách xa tận Đà Nẵng đến đất Tổ lễ đền Tam Giang và lấy “nước thiêng” ở khúc sông ngã ba Hạc, TP Việt Trì.
Đã hơn 20 năm nay, ở chân bến Tam Giang nơi 3 con sông lớn hội tụ (sông Hồng, sông Lô, và sông Đà) ở Bạch Hạc, vợ chồng chị Thơm làm nghề chèo thuyền lấy nước cho khách mang về cúng lễ. Người làng Hạc từ xa xưa đã có tục lệ dùng nước hợp lưu của ba con sông dâng thờ khi lễ cúng ngày Tết, hiếu hỉ, xây cất mồ mả, dựng nhà... Du khách gần xa nghe tin đồn linh thủy đất Hạc, nhiều người ở tận miền Trung, Tây Nguyên, TPHCM cũng tìm đến lấy nước mang về. Có ngày chị Thơm phải đi mấy chuyến xuồng, nhất là mùa lễ hội hay đầu xuân có hàng trăm khách có nhu cầu, vợ chồng chị tất bật từ sáng đến đêm.
Nguồn tích của tục lấy nước ngã ba Hạc có từ thuở Hùng Vương khi nơi đây được coi là sơn thủy tụ về một mối. Vua Hùng lấy nước làm lễ trên đền. Từ ấy làng Hạc giữ tục này. Giờ trong làng cũng có vài người nữa làm nghề này nhưng đó không phải công việc dễ dàng. Khúc sông rất rộng phải lái thuyền đi cả cây số. Tàu bè cỡ lớn liên tục qua lại, sóng nước rất nguy hiểm. Ra đến nơi 3 sông hợp dòng, phải khéo léo vận thuyền đúng chỗ trong đục, lại phải xin lễ lần nữa, và phải “có duyên” cảm nhận cái nóng lạnh vệt nước mà đưa can xuống múc chứ đâu phải chỗ nào cũng múc được. Thậm chí có khách yêu cầu lấy nước lúc nửa đêm cho linh thiêng. Có khách lại bấm giờ căn từng phút để khớp giờ đẹp mang nước về nhà. Khách cùng lên thuyền đi lấy nước, xuồng phải vững chắc bảo đảm an toàn cho họ, và hướng dẫn khách trực tiếp góp tay đỡ can đưa nước lên mà cảm nhận cái linh thiêng giọt nước như có liên kết âm dương mang về làm lễ tẩy rửa bụi trần...
Nhà chị Thơm dựng một quán nước nhỏ đón khách ở chân bến Tam Giang. Hằng ngày chị dọn rác, còn chỉ chỗ cho khách để xe, nhắc họ không vứt giấy, chai lọ bừa bãi, và còn nhắc khéo du khách nếu tâm chưa sáng thì không nên xuống sông lấy nước kẻo mất thiêng. Cụ từ trong đền Tam Giang cũng nói nước thiêng hay không còn ở lòng người, nhưng chắc chắn tục lấy nước ngã ba Hạc là một nét văn hóa đặc biệt, cũng là cách giữ hồn thiêng cho con nước.
Tiếng ồn, khói bụi xâm hại chốn thanh tịnh
Quan trắc, phân tích chất lượng không khí, cho thấy tổng bụi lơ lửng có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 100μm (bụi TSP) ở nhiều địa điểm trong TP Việt Trì đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Đặc biệt, 100% các mẫu ảnh không khí đo tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi sản xuất công nghiệp có thông số bụi TSP vượt giới hạn cho phép từ 1,2-3,73 lần, thông số tiếng ồn vượt từ 0,5-13,3 dBA, cao nhất là ở khu vực cổng trước Bến cảng Việt Trì, phường Bến Gót.
Đền Tam Giang và chùa Đại Bi ngự trên mom bãi rộng có nền vững chắc vươn cong ra khúc sông. Đây là vị trí quan trọng trấn thủ toàn bộ khu vực giao lộ đường thủy nên giặc Pháp xây một lô cốt lớn nằm sát đền, hiện vẫn còn đó. Những năm qua, đền Tam Giang được nâng cấp cải tạo với kinh phí nhiều tỷ đồng, rất khang trang. Trước đền có tượng thờ tướng quân Trần Nhật Duật khá uy nghi ngự trên chiến thuyền hướng ra sông Lô. Toàn bộ dải ven bờ đền có bậc cao trải xuống tận chân nước và hai cánh mép sông được gia cố bê tông chống sạt lở. Nhiều năm trước, tỉnh Phú Thọ cũng đã cho láng một lớp vữa xây tạo hình vết gót chân tượng trưng của thần Thổ Lệnh ở ven sông, góp thêm nét nhấn tham quan khá hấp dẫn cho du khách.
Có mặt tại đây ngày vào tuần đầu tháng 11/2022, chúng tôi thấy cả chục chiếc ô tô đỗ ngang dọc ở sát đền, rất nhiều người đến tham quan và lễ vái. Một chiếc tàu cuốc (chuyên khai thác cát sỏi) khổng lồ đỗ ngay chân bến. Những tiếng ồn không ngớt của tàu thuyền vận tải khắp phía từ dưới sông vang đập rền rã đinh tai, nhức óc. Phía bên đối diện sông thuộc phường Bến Gót là một cảng tàu rộng lớn có nhiều tàu cập vào, trên bờ bụi đất tung lên mù mịt. Tại đó, ngoài vật liệu xây dựng, người ta tập kết cả núi đất từ xa vận chuyển đến dành cho doanh nghiệp gạch gốm.
“Không chỉ dịp lễ tết, ngày rằm và mùng một hằng tháng âm lịch rất nhiều người đến lễ, bãi đỗ xe cũng hạn chế nên nhiều khi họ phải để xe ngoài đường sát đền. Còn tàu cuốc dưới sông là của một ông chủ cát sỏi người dân Bạch Hạc. Bảo họ di dời đi cũng khó dù ở đây từng cắm biển cấm đỗ”, anh T.Đ.T (48 tuổi), người trông giữ xe và kiêm cả lái thuyền lấy nước thiêng cho khách, nói.
Bà N.T.L (63 tuổi), nhà gần đền, cũng cho biết những ngày gió phía tây, bụi bốc lên từ bến bãi vật liệu cảng tàu đối diện phả sang rất ô nhiễm. Còn tiếng ồn thì khó chịu vô cùng.
Tuyến sông Lô đoạn từ huyện Đoan Hùng kéo về khu ngã ba Hạc có tới hàng trăm doanh nghiệp chuyên nghề khai thác và vận chuyển cát sỏi, nhất là cát vàng, tất cả đều có mối giao hàng chạy qua cửa Tam Giang. Thời điểm cát sỏi dễ khai thác có tới cả ngàn chuyến tàu qua lại mỗi ngày. Giờ cát vàng Lô giang cạn kiệt, họ chuyển hướng khai thác cát đen phía bên sông Hồng, nút giao ngã ba sông càng náo nức tàu bè. Bến cảng Việt Trì nằm đối diện đền Tam Giang vẫn là nơi tập kết vật liệu, than, đất cát với khối lượng rất lớn.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ, hai năm trước Sở đã tiến hành khảo sát khu vực đền Tam Giang và có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải kiến nghị về một quy hoạch bến cảng du lịch tại đây. Đó là khi đã bắt đầu có nhiều khách từ Quảng Ninh và Hà Nội ngược sông theo tàu du lịch ghé đền. Không chỉ vì lý do nguồn lực (cỡ hơn 20 tỷ đồng), được biết điều này đã không được Cục Đường thủy nội địa - Bộ Giao thông vận tải đồng ý, trong đó có lý do bến cảng Việt Trì đối diện cần khoảng trống mặt nước rộng cho tàu bè vật liệu, hàng hóa cập bến. Nêu ý kiến về sự phản cảm của du khách đến thăm đền khi trực quan trước mặt là tiếng ồn, khói bụi, ông Nguyễn Đắc Thủy nói hàng hóa, vật liệu từ cảng tiếp tục tỏa đi nhiều tỉnh Tây Bắc với lượng khá lớn xe siêu trường, siêu tải ra vào hằng ngày. Ông Thủy cũng xác nhận tiếng ồn, khói bụi tại Bến Gót và khu vực đền Tam Giang không dễ giải quyết, tuy nhiên ông tiếp thu ý kiến và sẽ cho nắm bắt thực tế, đồng thời ra văn bản đến Bến cảng Việt Trì đề nghị điều chỉnh phù hợp vận hành, xử lý giảm thiểu khói bụi.
Hiện chưa có đường nẹp, đường dạo phía ven bờ Bến Gót cho du khách đến thăm bãi đá cổ có vết gót chân hai vị thần. Bến cảng, bến bãi của một số doanh nghiệp khai thác cát sỏi, và nhà dân ở sát mép sông khiến chưa thể tạo mặt bằng làm đường đi xuống. Dường như một giải pháp cần thiết làm giảm xâm hại tiếng ồn và khói bụi ở chốn thanh tịnh Tam Giang hiện vẫn chưa được Phú Thọ lưu tâm.
Đền Tam Giang nổi tiếng linh thiêng, có niên đại hơn 1.300 năm tuổi, có tới 19 sắc phong qua nhiều triều đại, thờ ba vị thánh gồm Thổ Lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, Thánh Mẫu Đức sinh Quách A Nương, và Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái sư Trần Nhật Duật.
Tích xưa giờ vẫn lưu truyền câu chuyện hai thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh từng thi nhảy qua khúc sông này, và Thổ Lệnh thắng cuộc nên được lập đền thờ tại chỗ. Chốn sơn thủy hội tụ xưa có nhiều hạc trắng, và cuộc tỷ thí của các thần để lại vết chân trên hai bãi đá đôi bờ nên ngày này có tên phường Bạch Hạc và Bến Gót. Thổ Lệnh phù hộ dân chúng, trị thủy, làm mưa gió thuận hòa tạo mùa màng ấm no. Các tướng lĩnh đời sau phụng mạng triều đình trước lúc lên đường đi đánh giặc đều vào đền Tam Giang yết lễ để được ứng giúp. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai, tướng quân Trần Nhật Duật đã cùng Hứa Tông Đạo môn khách cắt tóc ăn thề trước đền. Sau đại thắng, ông làm lễ tạ thần ở đây và cho xây dựng lại đền, đúc chuông lớn cung tiến.