Nỗi niềm giáo viên cắm bản - Bài 2: ‘Gieo chữ’ dưới chân dãy Giăng Màn

HẠNH NGUYÊN - CẨM KỲ 13/11/2022 10:00

Cuộc sống của người giáo viên nhiều lúc khó khăn, nhưng con đường đến trường của trẻ em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) suốt hàng chục năm qua chưa bao giờ đứt đoạn. Hành trình gieo chữ của những giáo viên cắm bản cheo leo như chính dãy núi Giăng Màn - nơi đóng chân của điểm trường bản Rào Tre, Trường mầm non Hương Liên.

Điểm trường Rào Tre.

Cô không đón thì học sinh không đến trường

Sớm tinh mơ, vượt quãng đường ngoằn ngoèo, hun hút từ TP Hà Tĩnh lên xã miền núi Hương Liên, huyện Hương Khê, chúng tôi đặt chân đến dãy Giăng Màn khi mây vẫn còn vương vấn lưng chừng núi. Đó cũng là lúc 2 giáo viên “cắm bản” Hoàng Thị Hương và Lê Thị Thành (Trường mầm non Hương Liên, điểm trường bản Rào Tre) tất bật dọn dẹp, nấu ăn rồi nhanh chân đến từng nhà đón học sinh đến trường.

Cái se lạnh của những ngày đầu đông như đối lập với trái tim nóng bỏng chất chứa yêu thương của 2 nữ giáo viên “cắm bản”. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, men theo con đường bê tông ướt nhoẹt lấm đầy bùn đất, hai cô giáo vượt quãng đường hơn 3km mới đến được nhà của học sinh ở bản mới - khu tái định cư bản Rào Tre.

Trên quãng đường đó, hai cô phải dừng chân trước nhà một số hộ dân hô vọng vào: Bố mẹ gọi cháu dậy rửa mặt để chuẩn bị đi học nhé. Dặn dò cẩn thận, cô tiếp tục nổ máy đi tiếp. “Cô nói vậy nhưng chưa chắc phụ huynh đã làm theo”, cô Lê Thị Thành ngoái đầu sang nói nhỏ với chúng tôi.

Nhà em Hồ Viết Tú (5 tuổi), Hồ Quốc Vương (3 tuổi) ở cuối bản. Cô giáo đến, Vương chạy lon ton theo mẹ dưới bếp nhưng Tú còn ngái ngủ trên nhà sàn. Cô Thành nhanh chân lên nhà mặc quần áo, lau mặt, đỡ Tú xuống cầu thang, tiếng khóc thút thít đeo bám mãi. “Hộ này bố mẹ đang trẻ, muốn chở con đi học cho cô đỡ vất vả nhưng khổ nỗi nhà nghèo, không có phương tiện”, cô Lê Thị Thành nói.

Cách đó 1 nhà, bước chân thành thục, cô Hoàng Thị Hương đến hỗ trợ bà của em Hồ Quốc Nguyên (3 tuổi) và Hồ Hoài Ly (4 tuổi) vệ sinh cho 2 em, rồi cô Hương đỡ 2 chị em lên xe máy. “Hai em này ở nhà với bà, bố bị ốm, mẹ đi viện chăm bố. Cuộc sống dân bản đang nghèo, thiếu thốn đủ thứ”, cô Hương chia sẻ.

Giáo viên ở bản Rào Tre vẫn tự đưa đón học sinh đến trường.

“Dẫu biết giáo viên ở điểm trường Rào Tre rất khó khăn nhưng điều kiện kinh tế của xã rất hạn chế nên không có chế độ hỗ trợ gì thêm, chỉ khi nào có đoàn thiện nguyện, địa phương đều ưu tiên, hướng nhà tài trợ, trợ giúp cơ sở vật chất, thiết bị cho điểm trường. Địa phương mong muốn được cơ quan chức năng, nhà tài trợ hỗ trợ phương tiện để đưa đón học sinh mầm non và tiểu học ở bản Rào Tre đến trường. Bởi vào ngày mưa rét, học sinh tiểu học và mầm non không chịu được thời tiết khắc nghiệt nên nghỉ học rất nhiều. Giáo viên cũng hết sức cơ cực”, Chủ tịch UBND xã Hương Liên Đinh Văn Sánh chia sẻ.

Điểm trường bản Rào Tre có 12 cháu nhưng chỉ có 2 cháu gần nhà nên bố mẹ đi bộ đưa đến lớp, còn lại 10 cháu cô giáo phải đến tận nhà đưa, đón. Ngày 2 lượt, đều như vắt chanh. Trước đây khi chưa tổ chức bán trú, giáo viên “cắm bản” ở Rào Tre phải đưa, đón 4 lượt cả đi lẫn về.

Đến trường được ăn những bữa ăn ngon hơn và được cô giáo dạy nhiều điều bổ ích nên trẻ Rào Tre thích được đến lớp. Nhưng sự háo hức của trẻ dường như chưa thay đổi được suy nghĩ của bố mẹ chúng. “Bố mẹ trẻ còn gọi con dậy, chuẩn bị cho con rồi chờ cô đến đón, chứ những ông bố bà mẹ tuổi trên 30 là phó mặc cho cô. Việc học của con họ là trách nhiệm của cô, họ nghĩ vậy”, cô Hương cho hay.

Để thay đổi cách nghĩ, cách làm của dân bản, giáo viên ở điểm trường bản Rào Tre nhiều lần làm phép thử không đón trẻ để phụ huynh quan tâm hơn, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Cô không đón thì học sinh không đến trường. “Chỉ tính tiền xăng xe thôi cũng đủ nhiều rồi chưa nói đến công sức, thời gian bỏ ra, tôi thực sự khâm phục 2 cô”, một cán bộ biên phòng thuộc Tổ công tác bản Rào Tre bày tỏ.

Điều băn khoăn ở điểm trường bản Rào Tre là không có bất cứ một khoản thu nào. Cô giáo tự bỏ tiền xăng xe đưa đón, và còn mua thêm thức ăn ngoài phần hỗ trợ để bổ sung dinh dưỡng cho các cháu. Trẻ em dân tộc Chứt ở Rào Tre được hỗ trợ tiền ăn bán trú mỗi ngày 16 nghìn đồng/em, riêng ăn sáng được tài trợ mỗi em 5 nghìn đồng/ngày. Các cô phải xin thêm quần áo, làm tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ thay phụ huynh, từ giấy khai sinh, hộ khẩu, học bạ đến hồ sơ nhận tiền ăn…

Các cô tự ứng tiền ăn trước cho học sinh, đến cuối quý hoặc cuối kỳ mới làm hồ sơ quyết toán, có phụ huynh sau khi ký nhận tiền ăn của con còn xin cô luôn, thấy thương nên cô không nỡ lấy.

Cô Lê Thị Thành mới về điểm trường Rào Tre công tác 2 năm nhưng đã thấm được nỗi nhọc nhằn nghề gieo chữ ở đất này. Còn với cô Hương, hơn 23 năm “cắm bản”, cô đã trải qua rất nhiều gian truân.

Nỗi niềm 23 năm cắm bản

Năm 1999, cô Hoàng Thị Hương tình nguyện về bản Rào Tre dạy chữ cho học sinh mầm non người Chứt. Lớp học lúc ấy phải ở tạm nhà dân, lớp không một bóng học sinh. Cô Hương cùng bộ đội biên phòng phải nhờ già làng Hồ Púc đi cùng đến từng nhà thuyết phục phụ huynh, đưa các cháu đến lớp học. Suốt buổi học, già Hồ Púc ngồi chờ bên ngoài, cuối buổi cô giáo Hương lại cùng ông đưa từng cháu về nhà. Phải mất gần 2 năm trời phụ huynh quen mặt, cô giáo Hương mới có thể tự mình đảm đương công việc mà lẽ ra là thuộc trách nhiệm của phụ huynh.

Rào Tre bây giờ đổi khác nhiều, đã có chiếc cầu bắc qua con sông Ngàn Sâu hung dữ. Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, điểm trường Rào Tre lúc này đã khang trang, tiện nghi hơn hẳn.

Người Chứt ở Rào Tre không có ngôn ngữ viết mà chỉ có tiếng nói. Thông qua giao tiếp, học hỏi, cô Hương đã thành thục thổ ngữ của đồng bào nơi đây. 23 năm “cắm bản” dường như cô giáo Hương đã trở thành một thành viên không thể tách rời khỏi Rào Tre. Suốt hơn 23 năm cống hiến cho sự học ở bản Rào Tre, cô giáo Hoàng Thị Hương nhận được rất nhiều thành tích.

Năm 2015, cô giáo Hoàng Thị Hương được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015. Năm học 2018-2019, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Năm 2020, cô được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015-2020. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn và giới thiệu cô giáo Hoàng Thị Hương tham dự chương trình tôn vinh điển hình tiên tiến phụ nữ toàn quốc năm 2022.

Giáo viên ở bản Rào Tre không chỉ dạy chữ còn kiêm cả “cô nuôi”.

Nói về chế độ tiền lương, cô Hương kể, 10 năm đầu cô chưa được biên chế, địa phương trả bằng lúa, sau đó mỗi tháng 20 nghìn đồng rồi tăng lên 50 rồi 70 nghìn đồng… Hiện nay, cô Hoàng Thị Hương đã có bằng đại học (tốt nghiệp năm 2010) nhưng vẫn hưởng lương bậc cao đẳng (bậc 7). Tương tự, cô Lê Thị Thành tốt nghiệp đại học năm 2019 và hiện đang hưởng lương trung cấp (bậc 2). Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, hiện nay, 2 giáo viên Hoàng Thị Hương và Lê Thị Thành đang được hưởng đầy đủ 3 chế độ phụ theo quy định: Chế độ phụ cấp dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ; chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (theo quy định tại Nghị định 19/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006).

Chúng tôi rời bản Rào Tre khi ánh chiều dần xa sau vách núi, cô Hương, cô Thành đã trả trẻ về tận nhà, nhưng sau đó vẫn quay lại trường dọn dẹp, chuẩn bị tươm tất cho buổi học ngày mai. Trời tối hẳn, 2 giáo viên “cắm bản” mới được trở về nơi ở của mình. Trên đường, lời tâm sự của cô Hoàng Thị Hương, khiến tôi trăn trở mãi: “Con gái chị tốt nghiệp đại học, ngành giáo dục mầm non, ra trường về quê thi viên chức năm lần bảy lượt, nhưng giờ vẫn làm giáo viên hợp đồng. Có lẽ con gái chị lại “nối nghiệp” nhọc nhằn của mẹ…”.

(Còn nữa)

HẠNH NGUYÊN - CẨM KỲ