Nghề thợ mộc ‘di động’

PHẠM NGỌC HÀ 13/11/2022 09:46

Ở đầu phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), sáng sáng người ta lại thấy khoảng chục người thợ mộc đứng trên vỉa hè. Ai cũng mong khởi đầu ngày mới với một người khách xởi lởi để cả ngày được may mắn. Nói là may mắn bởi nghề này giống như bán hàng, hoặc đi câu, ngày gặp “vía tốt” có thể kiếm cả triệu đồng, nhưng cũng có ngày về tay không…

Những người thợ mộc “di động” ở phố Nguyễn Đình Chiểu ngồi đợi khách.

Vất vả mưu sinh

Như thường lệ, khoảng 6h sáng, ông Trần Đình Thắng (57 tuổi) lại chuẩn bị hành trang đi làm. Đồ nghề của ông nằm gọn trong chiếc thùng gỗ dài khoảng 70cm, rộng 40 cm, cao 30cm mà ông chằng ở sau chiếc xe máy cũ kỹ. Bên trong đựng đủ loại dụng cụ như: máy khoan, dùi, đục, đinh, ốc, vít,... để hành nghề.

Từ làng Bùi (Trịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam) lên Hà Nội, ông Thắng nay đã theo nghề được gần 30 năm, trở thành người thợ quen của nhiều khách hàng. Dẫu vậy nhưng không phải ngày nào ông cũng có việc để làm, ông tâm sự: “Nghề này làm tự do nên còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của khách, thế nên tiền có ngày kiếm được có ngày không, nhưng cũng đành phải chấp nhận để ngày này bù ngày kia mà sống”. Theo ông Thắng, người thợ nào may mắn thì ngày có thể kiếm được 500.000 – 700.000 đồng, còn không thì chỉ vài trăm, túc tắc làm việc chăm chỉ thì một tháng cũng kiếm được 5 – 6 triệu đồng.

Mòn mỏi đợi khách từ sáng đến trưa, ông Thắng vui mừng khi được một người khách ở phố Bùi Ngọc Dương (Hà Nội) ghé vào thuê về nhà để sửa khoá cửa. Tưởng chừng như người thợ mộc chỉ sửa được đồ gỗ nhưng trong thời buổi người chờ việc thì đông mà người đến thuê thì ít, ông Thắng đã phải tranh thủ học thêm vài món nghề liên quan để kiếm thêm chút đỉnh.... Sau khi thỏa thuận với vị khách về giá tiền công, ông Thắng theo họ về tận nhà. Là một người thợ lâu năm, ông “bắt bài” ngay chiếc khóa bị hỏng do mất lò xo lẫy cửa. Đây là một ca khó vì không có phụ kiện để thay nên ông đành bảo gia chủ mua khóa mới, nếu sửa thì cũng chỉ tạm được vài tháng, không thể dùng lâu dài. Cái tâm của người làm nghề không cho phép ông nói dối khách hàng, với ông thành thật luôn là số một. “Tâm của mình phải trong sạch, không được lừa gạt khách, mình chỉ nên làm đúng việc của mình mà thôi”, ông Thắng chia sẻ.

Dù không kiếm được số tiền như mong đợi nhưng ông Thắng vẫn được chủ nhà trả cho số tiền là 150.000 đồng sau khi ông bỏ công ra tháo khoá, kiểm tra và vít lại cẩn thận cho gia chủ. Rời nhà khách hàng, ông về lại “trụ sở” đợi chờ những người khách tiếp theo.

Ông Trần Đình Thắng làm việc tại nhà vị khách ở phố Bùi Ngọc Dương, Hà Nội.

Mang nghề mộc đi muôn nơi

Ở phố Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có ông Thắng mà còn có khoảng 10 người thợ khác chọn nghề sửa chữa đồ mộc để mưu sinh. Hầu hết họ đến từ tỉnh Hà Nam, Nam Định. Có những người như ông Thắng đã theo nghề đến đời thứ 3, cũng có những người thì vì hoàn cảnh gia đình mà đi làm,... nhưng tựu chung lại họ đều có xuất thân từ những làng nghề làm mộc truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Bằng (58 tuổi), một người thợ sửa đồ gỗ trên phố Nguyễn Đình Chiểu, làng Bùi (Hà Nam) nổi tiếng với nghề mộc từ thời xa xưa. Những đồ gỗ của làng làm ra được vua chúa Nguyễn yêu thích nên tiếng tăm bay xa khắp cả nước. Ở Hà Nội ngoài phố Nguyễn Đình Chiểu thì những người thợ mộc còn đứng ở trên phố Phủ Doãn. Họ làm tất cả những việc từ đóng tủ, sửa cửa, đến cắt chân giường, đóng chân bàn, khoan tường đóng móc áo, bào gỗ, quét sơn, đánh véc-ni.

Ông Bằng cũng cho hay, những người làm nghề thợ mộc “di động” này không mở cửa hàng là bởi họ không phải là người ở Hà Nội nên tiền thuê mặt bằng để kinh doanh là một điều rất khó khăn.

Nghề sửa chữa đồ mộc dạo nhìn tưởng dễ, nhưng ngoài việc cần sắm một bộ đồ nghề gần 50 – 60 triệu đồng thì điều quan trọng hơn là cần phải có tay nghề thì mới có thể theo nghề. Là một người thợ lâu năm, ông Bằng đã từng có cơ hội làm những sản phẩm có độ khó cao như cửa phòng cộng hưởng từ cho bệnh viện Việt Đức. “Yêu cầu của khách hàng rất khắt khe vì nó liên quan đến sức khỏe con người. Tôi cùng những người thợ khác phải làm mấy lượt gỗ, rồi lót các tấm bông gắn gỗ xen kẽ nhau để khi kiểm tra không còn sóng dò ra thì mới đạt tiêu chuẩn”, ông Bằng chia sẻ.

Mặc dù có nhiều vất vả nhưng những người thợ mộc “di động” vẫn cố gắng bám trụ lấy nghề, không chỉ để nuôi bản thân mà còn để chăm lo cho gia đình. Ông Đào Mạnh Hùng (55 tuổi) rời làng La Xuyên (Nam Định) lên Hà Nội vừa làm nghề sửa đồ mộc dạo vừa chăm lo cho các con học đại học. Công việc thường ngày không ổn định lại thêm thị trường cạnh tranh nhiều khi ông Hùng cũng trăn trở nỗi lo: “Khách dạo này ít lắm, bây giờ người ta lên mạng gõ sửa chữa đồ mộc là ra. Chỉ những người lớn tuổi là hay đến rồi gọi những thợ mộc “di động” chúng tôi về nhà. Có lẽ họ vẫn giữ thói quen cũ. Nhiều khách phải kỳ kèo giá cả, rẻ thì mình không làm mà đắt thì người ta không thuê. Cũng có nhiều trường hợp tôi đến nhà thấy đồ cũ quá tôi đành phải bảo người ta vứt đi. Như hôm tôi đi sửa tủ ở ngõ 1 phố Khâm Thiên, chiếc tủ ọp ẹp quá, tôi không thể sửa được, mà không sửa được thì tiền công tháo dỡ cũng không được bao nhiêu”. Thêm vào đó hiện nay dịch vụ sửa đồ gỗ đã có khá nhiều thông tin đăng tải trên mạng, người dân có thể dễ dàng tìm được người sửa đồ thông qua một cuộc điện thoại, liệu còn mấy ai tìm đến những người thơ mộc “di động” trên các con phố xưa. Dẫu biết rằng nghề này có nhiều nỗi vất vả, nhưng những người thợ ấy vẫn lạc quan: “Xã hội phân công mỗi người mỗi nghề, mình cứ bằng lòng với cuộc sống của mình là được”, ông Hùng vui vẻ nói.

Bên trong chiếc thùng gỗ là cả “xưởng mộc” của người thợ.

Chỉ mong đến “tháng củ mật”

Những người sửa đồ mộc “di động” tính ra cả một năm cày cuốc không bằng một tháng cuối năm nhiều việc, “tháng củ mật” là tháng họ “kiếm ăn” dễ dàng hơn. Theo ông Đào Mạnh Hùng, những ngày cuối năm khi người dân dọn dẹp nhà cửa sẽ có những món đồ cũ, hỏng được đem đi sửa, đấy cũng là lúc mà họ cần đến những người thợ mộc. “Những ngày gần tết là lúc mà anh em thợ mộc ở đây phải chạy sô liên tục, công việc nhiều hơn nên một ngày cũng kiếm được kha khá, có khi được cả triệu đồng tiền công”, ông Hùng chia sẻ.

Để tránh mâu thuẫn về giá cả, những người thợ mộc sẽ tính toán tiền trước, nếu khách đồng ý thì mới tiến hành làm việc. Số tiền thu được còn phụ thuộc vào khối lượng công việc cũng như quãng đường đi đến nhà gia chủ. Tuy nhiên không phải lúc nào tiền công cũng được trả sòng phẳng. Hơn 20 năm làm nghề, ông Hùng không ít lần gặp những câu chuyện trớ trêu. Có những lần đến nhà khách, sửa xong đồ cho họ rồi họ lại kỳ kèo đòi giảm giá tiền và cũng có cả những lần bị khách quỵt tiền,... Nhưng rồi với kinh nghiệm nhiều năm, ông Hùng vẫn được nhiều gia chủ tin tưởng, lưu số điện thoại để gọi mỗi khi cần. Nhiều khách quen còn giới thiệu cho ông những mối làm ăn khác, giúp ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Nghề thợ mộc có nhiều thay đổi theo thời gian. Nếu như trước đây đa số công đoạn đều làm bằng tay thì nay những người thợ đã có thêm sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, nhiều việc vì thế cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên họ cũng không thể dựa hoàn toàn vào các thiết bị để làm việc, một người thợ mộc giỏi cần phải có tay nghề. Người thợ mộc đục, trạm khắc gỗ phải làm sao cho đúng ý của gia chủ thì mới chiếm được lòng tin. “Có lần khách thuê tôi thay một chiếc khung cửa sổ bị mối mọt, tôi phải làm mất 2-3 ngày vì phải làm thủ công, làm từng chi tiết thật chau chuốt, khéo léo sao cho vừa vặn và ăn khớp với những chi tiết đã có sẵn. Làm xong mang đến tận nhà khách để lắp, sơn véc – ni thật đẹp để khách hàng hài lòng nhất”, ông Hùng chia sẻ.

Những người thợ mộc hầu hết đều đã ngoài 50, mỗi người một phương tiện đi làm, người có điều kiện thì sắm được chiếc xe máy cũ để đi lại cho thuận tiện, người thì đi xe đạp. Dãi nắng dầm mưa, ngày có việc ngày lại ngồi không đợi khách, thường xuyên phải mang vác nặng nhọc rồi đứng “bán mặt cho đường”. Họ đang chờ đợi đến “tháng củ mật” để kiếm thêm chút tiền chuẩn bị cho một cái tết ấm áp nơi quê nhà.

PHẠM NGỌC HÀ