Bát nháo buôn bán 'ăn theo' cao tốc
Là tuyến đường nối TPHCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương hiện có mật độ phương tiện thuộc loại lớn nhất cả nước. Mỗi ngày có khoảng 50.000 phương tiện di chuyển qua đây (hơn 2.000 xe mỗi giờ). Tuy nhiên, kể từ khi ngừng thu phí từ năm 2019 đến nay, tuyến cao tốc này rất lộn xộn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, hiện có khoảng 30 sạp hàng tạm, kinh doanh nhiều loại hàng hóa như nước uống, đồ ăn nhanh, bánh mì hay bơm xe, dầu nhớt... được các hộ dân lấn chiếm để sử dụng ở hành lang đường cao tốc đoạn đi qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Khu vực này kéo dài khoảng 300m, nằm ngay sát trạm thu phí Chợ Đệm đã bỏ hoang từ tháng 1/2019.
Từng là tuyến đường kiểu mẫu ở phía Nam, hành lang của cao tốc TPHCM-Trung Lương được thiết kế đúng tiêu chuẩn với rào chắn bằng thép, có gắn phản quang và cả lưới thép B40 làm hành lang, cao khoảng 2,5m. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều hộ dân cắt tấm thép này, gắn những biển báo kinh doanh ở bên ngoài để mời gọi tài xế có nhu cầu. Thậm chí một số người dân còn đưa hẳn xe đẩy có nước uống, đồ ăn vào trong làn đường khẩn cấp dành cho xe chuyên dụng, xe cấp cứu để đứng bán, vô cùng nguy hiểm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có khá nhiều ô, dù dựng ngay trên làn khẩn cấp đường vào cao tốc để buôn bán. Các tài xế khi lưu thông qua các đoạn này đã dừng lại để mua nước uống, đồ ăn hay thậm chí cả xăng, dầu khiến khu vực đường cao tốc khoảng 300m này rất lộn xộn, không khác gì một khu chợ tạm. Làn đường khẩn cấp và làn bên cạnh, vốn được thiết kế và cho phép di chuyển tới 60km/h luôn có nhiều xe dừng lại, bật đèn nháy khẩn cấp liên tục để mua bán. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe diễn ra liên tục.
Anh Nguyễn Văn Phước, 51 tuổi trú tại huyện Hóc Môn (TPHCM) là tài xế xe du lịch thường chạy tuyến TPHCM-Cần Thơ cho biết, tình trạng buôn bán lộn xộn ở khu vực đầu đường cao tốc TPHCM-Trung Lương rất nguy hiểm, nhất là với các tài xế ít di chuyển qua đây. Việc đường cao tốc được thiết kế với tốc độ cao, di chuyển độc lập bị lấn chiếm, buôn bán và dừng đỗ vô tội vạ bắt nguồn từ chính ý thức của tài xế và những người buôn bán. Hầu hết là các tài xế xe tải khi bắt đầu vào tuyến cao tốc đã dừng xe ở làn khẩn cấp sau đó vô tư vào mua hàng.
Cách đó khoảng 15km, cũng nằm trên tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương ở nút giao thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tình trạng lấn chiếm, dừng đậu xe vô tội vạ cũng xảy ra. Do khu vực này mật độ phương tiện ít hơn ở nút giao Chợ Đệm nên việc lấn chiếm công khai và ngang nhiên hơn.
Nhiều tài xế xe tải thậm chí dừng cả tiếng đồng hồ ở làn khẩn cấp (làn 3) khi dẫn lên đường cao tốc để sửa chữa xe, thay dầu nhớt.
Được biết tình trạng này diễn ra từ 2-3 năm nay, khi tuyến đường bắt đầu dừng không thu phí. Lúc này mật độ phương tiện nhiều nhưng không có người quản lý nên các tài xế ngang nhiên vi phạm. Thậm chí một số tuyến xe khách khi di chuyển trên cao tốc cũng ghé lại khu đường để đón khách, nhận hàng hóa. Việc không mất phí qua trạm khiến việc ra/vào cao tốc dễ dàng với các xe khách đường dài đi qua địa bàn huyện Bến Lức. Tình trạng này gây lộn xộn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi tuyến cao tốc TPHCM -Trung Lương tạm ngừng thu phí, nhiều hoạt động quản lý của tuyến cao tốc cũng tạm dừng. Một số đoạn đường ở tuyến cao tốc được giao cho địa phương quản lý. Như ở khu vực nút giao Chợ Đệm thuộc quản lý của chính quyền huyện Bình Chánh. Tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) dù có đội quản lý thị trường thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử phạt nhưng do các tài xế dừng lại chớp nhoáng vài phút để giao dịch khiến công tác quản lý gặp khó...
Tình trạng lộn xộn, bát nháo và nhiều nguy cơ tai nạn ở tuyến cao tốc TPHCM đã nhiều lần bị báo chí, người dân phản ánh nhưng không hiểu vì sao đến nay cơ quan chức năng vẫn không vào cuộc kiểm tra và xử lý dứt điểm.
Từng là tuyến đường kiểu mẫu ở phía Nam, hành lang của cao tốc TPHCM-Trung Lương được thiết kế đúng tiêu chuẩn với rào chắn bằng thép, có gắn phản quang và cả lưới thép B40 làm hành lang, cao khoảng 2,5 mét. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều hộ dân cắt tấm thép này, gắn những biển báo kinh doanh ở bên ngoài để mời gọi tài xế có nhu cầu.