Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM phản hồi thông tin 'trục lợi từ quà tặng hiến máu'
Thời gian gần đây, việc cung cấp các phần ăn nhẹ, quà tặng cho người hiến máu tình nguyện tại TP HCM bị dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về giá thành.
Người hiến máu được nhận những gì?
Dư luận phản ánh, việc cung cấp những phần ăn nhẹ cho người hiến máu tình nguyện tại các điểm Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM (Trung tâm) tổ chức đang bị thiếu hụt 7.000 đồng/người so với mức quy định.
Để làm rõ thông tin, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi thông tin với bà Trần Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm. Theo bà Thắm: “Việc xác định chi phí hỗ trợ được Trung tâm áp dụng Theo khoản 1 điều 3 mục II Thông tư số 182/2009/TT-BTC ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện; Thông tư 17/2020/TT-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Y tế về việc quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn, quy định rất rõ về việc mua quà tặng cho người hiến máu tình nguyện phải đảm bảo đúng giá trị.
Cụ thể, tại khoản 4 điều 4 Thông tư 17/2020/TT-BYT quy định người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau: Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng; Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng; Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng”.
Tuy nhiên việc bồi dưỡng hỗ trợ người hiến máu có sự khác nhau giữa các địa phương, đơn vị (phường, xã) hiến máu là vì ngoài quà tặng, ăn nhẹ, tiền hỗ trợ cho người hiến máu theo quy định của Nhà nước thì các phường, xã, đơn vị vận động có bồi dưỡng thêm cho người hiến máu, tùy thuộc khả năng vận động nguồn kinh phí hiến máu và điều kiện kinh tế của từng đơn vị, địa phương mà có nơi ít, nơi nhiều, thậm chí có nơi không có. Chính vì những lý do đó nên dẫn đến có sự khác nhau trong các điểm hiến máu về việc cấp quà hay cấp thêm tiền bồi dưỡng.
Bà Thắm cũng thông tin thêm: Hội Chữ thập đỏ cơ sở, Trung tâm có đề nghị các đơn vị tổ chức ăn nhẹ cho người hiến máu trước hoặc sau hiến máu (theo Thông tư 17/2020/TT-BYT) để đảm bảo sức khỏe cho người hiến máu.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền ăn nhẹ từ Trung tâm, các đơn vị có nơi tổ chức ăn nhẹ cho người hiến máu, có nơi thì không tổ chức mà gửi bao thư tiền mặt cùng với kinh phí hỗ trợ đi lại. Đối với phần ăn đã và đang được tổ chức, tiêu chuẩn trị giá 30.000 đồng và được tổ chức thẩm định giá, tư vấn, mời thầu, đấu thầu theo đúng quy định (bao gồm: 2 ly trà đường cho người hiến máu trước khi hiến, một hộp sữa tươi, một hộp sữa đậu nành, một bánh bơ sữa Kinh Đô, một bánh ngọt Socola).
Quà tặng mang theo thông điệp ý nghĩa
Để đảm bảo thực hiện việc mua sắm quà tặng cho người hiến máu theo đúng quy định của Nhà nước, Trung tâm đã tiến hành thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu, thực hiện theo đúng quy trình, quy định.
Tuy nhiên, các quy định được chi, thể hiện trong các văn bản của Nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND thành phố thì không có điều khoản nào cho chi nội dung bốc vác, vận chuyển, công cấp phát quà tặng, do vậy Trung tâm không được Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động này. Chính vì thế Trung tâm phải thực hiện mô hình dịch vụ quà tặng theo mô hình cả nước đang thực hiện. Trong hồ sơ mời thầu, Trung tâm cũng nêu rõ nội dung là kinh phí quà tặng 100.000 đồng/phần quà thể tích 250 ml, 150.000 đồng/phần quà thể tích 350 ml, 180.000 đồng/phần quà thể tích 450 ml là bao gồm tất cả các chi phí quà tặng và công bốc vác, vận chuyển, cấp phát, đổi trả…
Theo hồ sơ mời thầu, Trung tâm yêu cầu các đơn vị nhà thầu cần cung cấp các sản phẩm quà tặng, đồ ăn nhẹ có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, đa số các sản phẩm có ghi thông tin, số điện thoại của các nhà sản xuất để tiện cho người hiến máu có thể xác minh rõ về giá trị quà tặng, đồ ăn nhẹ. Tại các buổi hiến máu, Trung tâm đều có Standee công khai về nguồn gốc xuất xứ và giá trị của từng sản phẩm quà tặng để người hiến máu được biết và nhận xét.
Các sản phẩm quà tặng đều in, thêu logo thông điệp về hiến máu tình nguyện trên sản phẩm hoặc trên túi đựng để nhằm mục đích tôn vinh người hiến máu, truyền thông nghĩa cử cao đẹp của hành động hiến máu tình nguyện, nhân đạo. Từ đó lan tỏa giá trị tốt đẹp về công tác hiến máu tình nguyện và cổ vũ, kêu gọi mọi người dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, từng bước đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi cơ quan, đơn vị.
Việc tổ chức thực hiện đa dạng hóa quà tặng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người hiến máu tình nguyện, sở thích của người hiến máu hướng đến chăm sóc người hiến máu tốt hơn theo mô hình của cả nước đang thực hiện (các điểm hiến máu đăng ký 100 người tham gia thì Trung tâm yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ phải mang ít nhất 600 phần quà để đảm bảo tính đa dạng quà tặng của các thể tích máu 250 ml, 350 ml, 450 ml theo yêu cầu của Trung tâm. Các đơn vị tổ chức cũng phải đảm bảo trên bàn quà có ít nhất 15 sản phẩm quà tặng để phục vụ người hiến máu lựa chọn theo sở thích).
Hành trình quà đến tay người hiến máu tình nguyện
Cũng liên quan đến việc cung cấp quà tặng cho người hiến máu tình nguyện, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Cường An, đơn vị tham gia gói thầu cung cấp quà tặng cho Trung tâm.
Ông Cường cho biết: “Việc đấu thầu được Công ty tham gia trên Hệ thống đấu thầu Quốc gia, hoàn toàn khách quan, công khai minh bạch. Đối với mỗi loại sản phẩm được Công ty Cường An cung cấp có giá thành khác nhau tuỳ theo thể tích máu hiến của người hiến máu tình nguyện. Trong việc cung cấp quà tặng của chính Công ty Cường An với các chủ đầu tư cũng có sự khác nhau tùy theo tính chất của hồ sơ mời thầu, ví dụ cùng là bộ Bình ly nhưng công ty bỏ giá ở chủ đầu tư này là 120.000 đồng/bộ nhưng ở chủ đầu tư khác lại 150.000 đồng/bộ là vì tính chất của 2 gói thầu khác nhau.
Ở gói này thì chủ đầu tư yêu cầu giao hàng tập trung một chỗ, chủ đầu tư tự bố trí xe ô tô vận chuyển, bố trí nhân lực cấp phát tới các điểm hiến máu lưu động, bố trí thủ kho, kho bãi, hỏng hóc do quá trình vận chuyển hay mất mát trong quá trình cấp phát thì chủ đầu tư tự chịu. Còn ở gói thầu khác thì chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu phải vận chuyển hàng hóa đến tất cả các điểm hiến máu lưu động và bố trí nhân viên của công ty bốc vác, đóng túi và cấp phát; hỏng hóc, mất mát trong quá trình cấp phát công ty phải chịu. Các bài mời thầu của các chủ đầu tư đều đăng tải công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia, mọi người dân đều xem được. Việc này rất rõ ràng và minh bạch. Chính vì điều này mà tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu cũng khác nhau”.
Theo ông Cường: Tại TP HCM, một ngày có khoảng 6 tua hiến máu lưu động, mà khoảng cách xa so với Trung tâm. Đa số các đơn vị đăng ký từ 60 đến 80 đơn vị máu mỗi tua, số lượng đăng ký trên 150 đơn vị là rất ít. Để đảm bảo việc cấp phát quà tại 1 điểm cần số lượng tối thiểu 2 nhân lực và 1 xe ô tô nên các điểm hiến máu dưới 70 đơn vị đa phần là công ty phải bù lỗ vì chi phí thuê kho bãi, trả lương nhân viên cấp phát, bốc xếp quà từ kho đến các điểm hiến máu và ngược lại, xăng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn giá xăng dầu đang tăng giá, đắt nhất trong lịch sử, giá cả các mặt hàng hóa đều tăng cao thì công việc cấp phát quà tặng càng khó khăn hơn.
Các điểm hiến máu trên 200 người thì cần 3 nhân lực bốc vác, đóng túi và cấp phát quà tặng. Các điểm dưới 200 người thì cần 2 nhân lực. Vậy, tính bình quân các điểm hiến máu lưu động của thành phố trong 1 năm là 95 người/điểm hiến máu thì cần 2 nhân lực và 1 xe ô tô vận chuyển quà. Tạm tính tiền công của 2 nhân viên bốc vác, đóng gói và cấp phát quà tặng tại 1 điểm hiến máu ước tính khoảng 700.000 đồng, tiền thuê 1 xe ô tô trung bình là 1.500.000 đồng/ngày/điểm. Vậy chỉ tính riêng chi phí vận chuyển, bốc vác, cấp phát quà của 1 điểm là 2.200.000 đồng chưa tính tiền thuê kho bãi, túi đựng quà, chi phí đổi trả, hóa đơn giá trị gia tăng…
Theo thống kê của Công ty Cường An, đối với một điểm hiến máu mà cấp phát được 95 phần quà thì tổng kinh phí quà tặng là khoảng từ 9.500.000 đồng đến 12.500.000 đồng.
Số liệu từ Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM cho biết: Trong 13 tháng từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2022, sau mỗi buổi hiến máu đều có biên bản đánh giá, nhận xét chất lượng dịch vụ cung cấp quà tặng của đại diện đơn vị tổ chức hiến máu cấp cơ sở (xã, phường) về giá trị và chất lượng quà tặng, thái độ phục vụ. Ý kiến đánh giá tốt: 1.235 biên bản chiếm tỷ lệ 97,32%; ý kiến khác: 19 biên bản, chiếm tỷ lệ 1,5%; ý kiến đánh giá chưa tốt: 15 biên bản chiếm tỷ lệ 1,18%.