Nỗi niềm giáo viên cắm bản - Bài 3: Gác niềm vui riêng, 'trồng người' nơi miền biên viễn
Vì lòng yêu nghề và tình yêu con trẻ, nhiều thầy cô giáo đành gác lại niềm vui riêng để hoàn thành tốt công việc “trồng người” nơi miền biên viễn, tỉnh Quảng Trị.
Cắm bản để “trồng người”
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp đến với xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa), một xã biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị.
Từ trung tâm TP Đông Hà, theo Quốc lộ 9D, sau nhiều giờ di chuyển bằng xe máy, vượt qua nhiều cung đường hiểm trở, cổng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Ba Tầng cũng bắt đầu hiện ra.
Trò chuyện chúng tôi, thầy giáo Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng trường TH&THCS Ba Tầng cho biết, trường có 6 điểm trường. Hiện nay, trường có 60 cán bộ, giáo viên. Trong đó, cán bộ giáo viên ở miền xuôi lên công tác, giảng dạy tại trường chiếm một nửa. Tất cả mọi người khi lên đây đều xác định là phải xa gia đình, gác lại niềm vui riêng để “cõng chữ” lên non, truyền dạy kiến thức cho các học trò vùng cao, “vì sự nghiệp trồng người” nơi mảnh đất vùng biên viễn này.
Là người có 17 năm công tác tại Trường TH&THCS Ba Tầng, thầy giáo Võ Nguyên Tuấn (41 tuổi, quê ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cho biết, năm 2005, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học, thầy Tuấn trở về quê và nộp hồ sơ xét tuyển giáo viên. Với thế hệ đầu “8X” như thầy Tuấn, việc thi đỗ đại học và có việc làm sau khi ra trường là một niềm tự hào với cá nhân và gia đình.
Thế nhưng, niềm vui của thầy Tuấn bỗng bị “đứt quãng” khi thầy được phân công đến dạy tại một trường xa xôi và còn nhiều khó khăn như ở xã Ba Tầng.
“Sau khi tôi ổn định công tác, bố mẹ và em gái đã khăn gói lên thăm nơi ăn, chốn ở và trường mà tôi được phân công giảng dạy. Thời ấy, đường sá đi lại hết sức khó khăn, cơ sở vật chất của trường còn nhiều hạn chế, phòng học đa số được làm bằng tre nứa. Tuy nhiên, bố tôi vẫn động viên tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được câu nói của bố trước khi ra về: Một khi tên của con được gắn chữ “thầy” đằng trước thì đó là một niềm vinh dự cao quý nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Con phải nhớ rằng nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Do đó, dù khó khăn, vất vả đến đâu con cũng phải luôn cố gắng vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ” - thầy Tuấn nhớ lại.
Thầy Tuấn kể, hàng ngày thầy cùng các thầy cô khác phải đi hơn 50 cây số, trèo đèo, lội suối để đến với điểm trường dạy chữ cho các em. Do địa hình cách trở nên việc đi lại của thầy cô cũng như học sinh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào những mùa mưa, nhiều thầy cô giáo phải đến tận nhà để đưa đón các em học sinh đến trường, vì đường đến trường thường phải đi qua các ngầm tràn rất nguy hiểm.
Ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô ở đây còn làm luôn công tác “dân vận”, đi đến từng nhà để vận động phụ huynh và động viên các em đến trường cũng như đi học thêm để củng cố kiến thức. Nhờ đó mà nhiều em học sinh ngày càng tiến bộ, chất lượng giáo dục nhờ đó cũng được nâng lên nhiều.
Một khó khăn mà nhiều thầy cô giáo đang gặp phải là đa số các em học sinh ở đây đều chưa nói rành tiếng Việt. Đó là một hạn chế gây khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức của giáo viên đến học trò.
“Để đảm bảo tốt công tác dạy và học, nhiều thầy cô giáo đã dành nhiều thời gian trau dồi thêm tiếng Vân Kiều (đa số người dân ở đây là người Bru - Vân Kiều) để trong quá trình dạy học có thể dễ dàng trao đổi cũng như giao tiếp với các em” - thầy Đoàn Thanh Hạnh, giáo viên Trường TH&THCS Bà Tầng chia sẻ.
Hơn 17 năm “gieo chữ” nơi vùng cao, thầy Tuấn cùng các thầy cô giáo khác đành phải gác lại niềm vui riêng để miệt mài cắm bản dạy chữ cho các em. “Chính vì tình yêu nghề cùng với tình thương dành cho các em, không muốn những đứa trẻ ở đây bị mù chữ, phải gắn bó với nương rẫy để cái nghèo mãi đeo bám, nên bản thân tôi sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để ở lại dạy chữ cho các em. Mọi việc trong gia đình đều nhờ vợ chăm lo, kể cả dạy dỗ con cái. Cũng vì tâm huyết và trách nhiệm với nghề giáo nên tôi tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - thầy Tuấn tâm sự.
Cũng như thầy Võ Nguyên Tuấn, cô giáo Trần Thị Thiên An, thầy Đoàn Thanh Hạnh và nhiều giáo viên khác ở miền xuôi đang ngày đêm cắm bản khác, dù đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng các thầy cô vẫn ngày ngày trèo đèo, lội suối vượt hàng chục cây số để đến các điểm trường nơi “thâm sơn cùng cốc” hoàn thành sứ mệnh “trồng người” của mình.
Mong muốn được gần bên gia đình
Như bao giáo viên từ miền xuôi đến dạy học cho trẻ em ở vùng “sơn cước”, vào dịp cuối tuần, những ngày nghỉ lễ… thầy Tuấn thường tranh thủ về thăm quê. Để có được khoảng thời gian ngắn ngủi bên bố mẹ, vợ và đứa con 3 tuổi, thầy Tuấn phải vượt quãng đường dài khoảng 120km. “Vượt qua những khó khăn ở thời điểm ban đầu, giờ đây tôi hài lòng, hạnh phúc với những gì mình đang có. Những ngày cuối tuần tranh thủ ngày nghỉ, tôi lại về thăm nhà để được sum vầy cùng bố mẹ, vợ con và người thân ở quê” - thầy Tuấn nói.
Chia sẻ về mong muốn của mình, thầy Tuấn cho biết, sau bao nhiêu năm công tác ở vùng núi, đã trải qua nhiều cung bậc vui buồn của nghề giáo, bản thân thầy bây giờ mong muốn được tạo điều kiện chuyển về công tác ở gần nhà, gần bên gia đình.
“Trải qua hơn 15 năm công tác tại miền biên viễn, tôi luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao dù khó khăn vất vả đến đâu. Tuy nhiên, là con người ai cũng mong muốn được về bên gia đình, được phụng dưỡng bố mẹ lúc về già, cùng vợ dạy dỗ con cái nên người. Bản thân tôi cũng vậy, mong ước được về xuôi để tiếp tục công việc giảng dạy của mình. Dù rằng, nơi đây đã từng là thanh xuân của tôi, là nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên được trong suốt cuộc đời làm thầy và sự nghiệp trồng người của mình” - thầy Tuấn trải lòng.
Do chồng đang công tác ở một tỉnh phía Bắc, lâu nay 2 con nhỏ của cô giáo Trần Thị Thiên An đành phải gửi cho ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dạy.
“Nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ chồng, nhớ con lắm nhưng vì điều kiện công việc nên vợ chồng tôi cũng động viên nhau cố gắng vượt qua. Để vơi đi nỗi nhớ con, mỗi tối tôi đều gọi điện thoại về nhà để gặp con” - cô An chia sẻ.
Như bao người làm cha, làm mẹ khác, cô An mong muốn gia đình có nhiều thời gian bên nhau để cùng nuôi dạy con cái. Những mong ước trên có thể giản đơn đối với người khác, nhưng đối với những thầy cô đang ngày ngày công tác, gieo từng con chữ đến với các em học sinh tại những vùng núi đó là một điều rất khó thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, thầy giáo Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng trường TH&THCS Ba Tầng cho biết, nhà trường luôn quan tâm, chăm lo đến đội ngũ giáo viên của trường; luôn chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí các hoạt động vào dịp cuối tuần, ngày lễ… một cách phù hợp, thuận lợi nhất để các thầy cô giáo ở xa nhà có thời gian về thăm gia đình.
Ông Hoàng Văn Sơ - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho rằng, chính sự nhiệt huyết của giáo viên đã bám bản, bám trường để dạy học cho học sinh miền núi, góp phần giúp ngành giáo dục của địa phương trong những năm gần đây có những bước phát triển nổi bật.
Theo ông Sơ, dù những năm trở lại đây, mặc dù ngành giáo dục được đầu tư mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thiếu phòng học, phòng chức năng, giao thông đi lại nhiều điểm trường còn khó khăn, đời sống của giáo viên cũng còn thiếu thốn…. Do đó, ông Sơ cũng mong muốn, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên ở xa đến công tác nói riêng.
(Còn nữa)
Ông Hồ Văn Băng - Chủ tịch UBND xã Ba Tầng thông tin, hiện nay, trên địa bàn xã 100% trẻ mầm non, 95% trẻ TH và THCS đến trường đúng độ tuổi, nhiều em học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức… Đặc biệt, những năm gần đây, Ba Tầng đang trở thành một trong những địa phương có chất lượng giáo dục tốt so với các xã lân cận. “Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô giáo, trong đó phải kể tới thầy cô giáo từ đồng bằng vượt qua khó khăn lên vùng núi để dạy học cho các em học sinh” - ông Băng cho hay.