Cấp thiết cải tạo chung cư cũ
Câu chuyện cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp tại Hà Nội chưa bao giờ hết nóng. Phần lớn người dân sống trong các khu chung cư cũ này đều thấy bất an, lo lắng. Vậy nhưng thực tế việc cải tạo chung cư cũ đang diễn ra rất rất ì ạch. Vì sao vậy?
Người dân đang mong
Anh Nguyễn Hoàng Long, tòa nhà D3 – Giảng Võ, quận Ba Đình chia sẻ, gia đình anh ở đã hơn 18 năm, các dịch vụ ăn uống, vui chơi, đi lại rất thoải mái. Căn hộ của anh, dù 2 năm một vẫn được gia cố lại nhưng vẫn không thấy an tâm. “Cứ mỗi lần trẻ con nhảy, hò hét là thấy bất an. Nhà cũ, cũng muốn sửa sang lại cho đẹp nhưng sửa chỗ này lại hỏng chỗ khác. Ở ngày nào thấy lo ngày đấy, tôi chỉ mong Nhà nước tiến hành cải tạo càng sớm càng tốt” – anh Long nói.
Cũng như chia sẻ của anh Long, đa số người dân ở các khu chung cư cũ đều mong muốn Nhà nước sớm cải tạo lại các chung cư cũ, xuống cấp, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho nơi ở và quan trọng hơn là được sống trong sự an toàn, vững chãi. Anh Đào Anh Hải ở tập thể cũ ở phố Nguyễn Quý Đức – quận Thanh Xuân nói: “Tôi mua ở đây từ năm 2007, diện tích trong sổ đỏ là 45m2 nhưng chủ nhà cũ cơi nới rộng hơn 60m2. Phần chuồng cọp cơi nới gia đình mở thêm một phòng ngủ cho 2 đứa con”.
“Cũng biết cơi nới là nguy hiểm nhưng giờ diện tích nhà quá nhỏ, không cơi nới thì ở chật chội vô cùng. Vậy nên đành cứ nhắm mắt làm liều và chờ đợi ngày Nhà nước cải tạo lại khu chung cư này” - anh Hải nói.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số tuyến phố như Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân thì hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Những người dân chúng tôi đều chung một chia sẻ, chờ từng ngày được sống trong những khu chung cư mới, sạch đẹp, an toàn.
Đơn cử như quận Đống Đa, Hà Nội, một số nhà chia lô của các khu tập thể cũ đã được các chủ sử dụng đất xây dựng cải tạo thành các công trình nhà ở kiên cố từ 3 đến 5 tầng. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị.
Hệ thống các nhà chung cư của Hà Nội đã xây dựng được 60 năm, còn mới nhất cũng đã ngót 30 năm. Nhiều khu nhà đã quá cũ, quá nhếch nhác, mất an toàn. Câu chuyện cải tạo chung cư cũ dù nói mãi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Kỳ vọng
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, đến thời điểm này, đã có 70 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến việc cải tạo chung cư cũ. Nhà đầu tư “thay đổi thái độ” bởi một phần do trước đây, các khâu kiểm định, lập quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đều do nhà đầu tư thực hiện thì theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư), Nhà nước sẽ bỏ tiền thực hiện kiểm định và lập quy hoạch, kết quả sẽ khách quan hơn.
UBND TP Hà Nội cũng đặt kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý IV/2023 với số tiền dành cho công tác kiểm định lên tới 500 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố - đợt 1, tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, đã có 14/15 quận, huyện (nơi có nhà chung cư cũ) ban hành kế hoạch cải tạo chung cư cũ, chỉ còn 1 huyện (huyện Thanh Trì) chưa ban hành kế hoạch. Và đã có 12/15 quận, huyện gửi nhiệm vụ kiểm định về Sở Xây dựng. Trong đó, 7/15 quận, huyện đã được Sở Xây dựng chấp thuận nhiệm vụ kiểm định gồm: Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy; còn 5/15 quận, huyện đang bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gồm Hai Bà Trưng, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông. 3 quận, huyện chưa gửi nhiệm vụ kiểm định gồm Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì.
Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện thành phố có 1.579 chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà:
Trông chờ nhà đầu tư
Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hầu như phụ thuộc vào doanh nghiệp, từ khâu lập quy hoạch chi tiết, điều tra xã hội học, thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, một khi doanh nghiệp thấy khó hay không có lợi nhuận thì dự án bị dừng lại.Một vấn đề nữa là nhà chung cư cũ hiện nay không có Ban quản trị của từng nhà hoặc cụm nhà như các nhà chung cư mới, vì vậy việc tham gia bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhà chung cư cũ trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn là đơn lẻ, hạn chế và tự phát.