Biến vụn vải thành tác phẩm ‘nghìn đô’
Từng được học vẽ sơn mài, sơn dầu, bột màu… ở trường mỹ thuật, nhưng rồi cuối cùng, họa sĩ Trần Thanh Thục lại chọn cho mình một chất liệu mà trong trường không dạy, đó là… ghép vải thành tranh. Họa sĩ ví von như một đứa trẻ cứ mải miết “nghịch vải” suốt mấy chục năm trời. Tôi hiểu, đó là cách bà nói vui thôi, bởi biết để mình hình thành được một lối đi riêng như họa sĩ Thanh Thục đã làm, là một hành trình bền bỉ và không hề dễ dàng…
Đam mê tranh cắt vải
Từ ngày 15 đến 24/11, tại Nhà triển lãm 16 phố Ngô Quyền (Hà Nội), họa sĩ Thanh Thục bày triển lãm cá nhân với chủ đề “Tôi, Hà Nội và sắc vải”. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai sau triển lãm “Nhịp xuân” cách đây chừng 5 năm.
Trên căn hộ chung cư hiện đại nhìn xuống phố Minh Khai, họa sĩ Thanh Thục kể rằng, bà muốn bày triển lãm từ năm ngoái, nhưng do dịch bệnh nên lùi lại đến lập đông năm nay. Và những tác phẩm trưng bày lần này, cũng có nhiều tác phẩm bà hoàn thành trong hai năm ở nhà tránh dịch vừa qua.
“Tôi, Hà Nội và sắc vải” mang cảm nhận về Hà Nội theo một cách rất riêng của họa sĩ. Đó là một Hà Nội kiên cường, dù qua mưa bom bão đạn vẫn ngời lên nét đẹp từ mỗi góc phố, qua cách sống của một lớp người. Nếu 5 năm trước, những tác phẩm tranh cắt vải của họa sĩ Thanh Thục cho thấy sự bền bỉ tìm tòi cách thể hiện, thì bây giờ, xem những tác phẩm mới trong triển lãm “Tôi, Hà Nội và sắc vải”, cho thấy một sự thanh thoát hơn, điêu luyện và “phiêu” hơn. Điều đó cho thấy những nỗ lực hoàn thiện một lối đi nhiều chông gai mà họa sĩ Thanh Thục đã phải vượt qua trong hành trình nghệ thuật của mình.
Đi đến đâu, Thanh Thục cũng mê đắm với các phiên chợ. Ở đó có những xấp vải rực rỡ sắc màu đang đợi bà, gợi ra những ý tưởng cho bà thể hiện, bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, của núi đồi sông suối và sự quyến rũ của những sắc màu văn hóa. Các chuyến đi của bà, vì thế, ngày một kéo dài, có khi là 10 ngày, có khi rong ruổi gần cả tháng trời.
“Càng theo tranh vải, tôi càng phát triển ý tưởng, ý đồ sáng tạo, đòi hỏi càng phải tìm tòi, nghiền ngẫm và sử dụng nhiều chất liệu, sắc màu vải khác nhau, nên phải mua nhiều lắm, có khi mua cả tấm to nhưng chỉ dùng một miếng”, họa sĩ tiết lộ.
Lưu giữ tình yêu Hà Nội
“Hồi theo học Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các kỹ thuật điêu khắc, vẽ tranh các chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, lụa… tôi cũng đã thực hành qua cả. Nhưng quả thực, tôi đã phải lòng tranh cắt vải…”, họa sĩ Thanh Thục chia sẻ.
Trở lại với triển lãm tranh cắt vải về Hà Nội, họa sĩ nói rằng, từ lâu bà ấp ủ một triển lãm riêng về chủ đề Hà Nội. Hà Nội - đó không phải là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng là nơi họa sĩ Thanh Thục đã gắn bó và có nhiều kỷ niệm. Hà Nội cũng là nguồn cảm hứng để bà sáng tác. Những cây cầu, những góc phố, rồi Tháp Rùa, cầu Thê Húc… đi vào tranh cắt vải của Thanh Thục từ bao giờ không hay. Họa sĩ Thanh Thục hiểu rằng, đô thị hóa đang xâm lấn từng góc phố của Hà Nội, nhưng khi thể hiện trong tranh, bà lược hết những gì xô tạp, đến cả những chiếc ghế nhựa xanh đỏ nơi quán nước cũng không lọt vào tác phẩm của bà. Ở đó chỉ còn một Hà Nội kiêu sa, một mùa đông với những cây bàng lá đỏ…
Như tác phẩm “Cho mãi một tình yêu Hà Nội” (125x60cm) hiện ra cổng đền Ngọc Sơn với hai mẹ con mặc áo dài đỏ chờ bác xích lô đến đón, xa xa là Tháp Rùa… Hay tác phẩm “Những ô cửa hình ánh sáng” cũng kích thước lớn, dựng lên nhịp điệu cuộc sống lúc chạng vạng ở một góc phố rất đẹp của Hà Nội. Còn tác phẩm “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”, hay “Một thời đạn bom một thời hòa bình” cũng vậy. Bàn tay tỉ mỉ của người họa sĩ đã tạo nên tác phẩm từ hàng vạn họa tiết vải, thậm chí cả vụn vải để tạo nên hòa sắc cho bức tranh…
Tranh cắt vải của Thanh Thục phảng phất những ý thơ, ý nhạc. Ngay cả tên tranh, đôi khi họa sĩ cũng mượn một câu hát để đặt. “Tôi thường thả bộ lang thang qua những hàng phố. Mắt hướng lên tầng hai, tầng ba của những ngôi nhà mang nét đặc trưng của Hà Nội. Những lúc ấy, tôi thường khe khẽ hát lại lời của những bài ca mà người nhạc sĩ đã yêu và trăn trở cùng Hà Nội qua từng giai điệu. Hoặc thì thầm đọc lại câu thơ mà các nhà thơ nâng niu từng con chữ viết về Hà Nội thân thương… Tất cả là nguồn động viên, nhưng cũng là áp lực khổng lồ mỗi khi tôi sáng tác tranh về Hà Nội”, họa sĩ Thanh Thục tâm sự.
Họa sĩ cũng tiết lộ rằng, có những bức tranh bà phải bỏ dở cả nửa năm trời, chỉ vì chưa tìm được một họa tiết ưng ý. Lại có khi, để tạo ra cái nền trời hoàng hôn có những tia nắng lấp lánh họa sĩ phải tỉ mẩn dán nhiều lớp vải mới ưng ý. Vì thế, có ai đó hỏi mất bao lâu để họa sĩ hoàn thành một bức tranh cắt vải, Thanh Thục thường trả lời: “Tôi mất gần 40 năm và vài tháng để hiện thực hóa”.
Với họa sĩ Thanh Thục, tạo nên con đường riêng cho mình là vô cùng gian nan. Đến bây giờ, khi những mảnh vải đã được hàng ngàn nhà thiết kế tạo tác, thì nguồn vật liệu để bà tiếp cận đã phong phú hơn xưa rất nhiều. Thế nhưng, đó cũng chính là những thách thức. Bởi có những loại vải không phù hợp cho việc bôi keo dán.
Vừa làm vừa mày mò học hỏi, nhưng cũng chính vì thế, mà sự say mê cũng mãnh liệt hơn. Họa sĩ Thanh Thục vẫn còn nhớ, khoảng năm 2000, khi một cặp vợ chồng người Thụy Điển tìm đến mua tranh vải. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì lạ của những bức tranh vải, vị khách nước ngoài chỉ tay hết bức nọ đến bức kia, cuối cùng đã mua hết những bức tranh mà bà đang treo trên tường nhà. Lúc bấy giờ, mấy ngàn đô có được từ việc bán tranh là một số tiền lớn với bà, song điều quan trọng nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, trở thành một nguồn động lực và niềm hy vọng về sự đầu tư, đam mê, sáng tạo của chị chắc chắn sẽ cho thu về "quả ngọt"...
Bây giờ, với những bức tranh trường cảnh, họa sĩ Thanh Thục bán hàng nghìn đô la. Điều đó giúp họa sĩ tự tin hơn. Vì trên hành trình sáng tạo, bà đang đi trên một con đường, một lối đi riêng…