Nữ giáo viên giỏi ở Hà Tĩnh từ chối làm quản lý để chuyên tâm dạy học
Giáo viên giỏi cấp tỉnh, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cô Trần Thị Hoài Thu (39 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được “nhắm” đưa lên làm quản lý. Tuy nhiên, nữ giáo viên thẳng thắn từ chối.
Chinh phục những vùng đất khó
Cô Trần Thị Hoài Thu sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Tĩnh. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, với sức trẻ và sự nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, cô được điều về Trường Tiểu học Thạch Trị - xã nghèo thuộc vùng bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) để bắt đầu sự nghiệp “trồng người”.
Sau 4 năm miệt mài trao truyền kiến thức cho học sinh vùng bãi ngang, cô theo chồng tiếp tục khám phá vùng đất mới với đầy rẫy khó khăn - phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh.
Kỳ Phương là đất khó bởi người dân nơi đây phải nhường đất cho dự án Formosa, cuộc sống ở vùng tái định cư với nhiều xáo trộn tác động rất lớn đến công tác dạy và học.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao sinh ra ở thành phố nhưng cô lại xông pha về xã nghèo để làm việc”, cô Trần Thị Hoài Thu thẳng thắn trả lời: “Tôi không lấy nấc thang ở thành phố để áp đặt lên cuộc sống của mình, tôi chỉ quan tâm là ở đó mình làm được gì cho học sinh. Tôi nghĩ, chỉ cần có nhiệt huyết, có tâm thì mọi khó khăn đều vượt qua được”.
Với kinh nghiệm sẵn có, khi về Trường Tiểu học Kỳ Phương, năm học đầu tiên (năm học 2010-2011) cô Thu xung phong nhận dạy đội tuyển học sinh giỏi. Kết quả, đội tuyển của cô đã “thu hoạch” lớn với 3 học sinh giỏi tỉnh, 4 học sinh giỏi huyện.
Những năm tiếp theo, học sinh của cô Thu liên tục gặt hái nhiều thành tích “đáng nể”. Đặc biệt, khi ngành giáo dục chuyển hướng sang phương pháp mới - công nghệ giáo dục, cô Trần Thị Hoài Thu xung phong dạy lớp 1.
Trong khi những giáo viên khác “vật lộn” với phương pháp này thì giáo viên Trần Thị Hoài Thu tiếp tục ghi điểm trong ngành giáo dục thị xã Kỳ Anh với cách truyền dạy hiệu quả, sáng tạo, giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức nhanh chóng, vững chãi.
Điều đặc khác biệt của nữ giáo viên này đó là thích ứng nhanh với các loại hình, phương pháp dạy học. Ở giai đoạn nào cô Trần Thị Hoài Thu cũng tìm được lối đi riêng của mình trong việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh.
Sau nhiều năm “trồng người”, hàng chục học sinh được cô Trần Thị Hoài Thu bồi dưỡng, kèm cặp đã đạt các giải cao tại các kỳ thi cả online lẫn offline hay học thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện…
Chia sẻ với PV, nữ giáo viên này cho hay, điều làm cô hạnh phúc nhất đó là học sinh của mình biết yêu thương, biết bao dung, nhân ái, biết tự lực, lập thân, lập nghiệp. Học trò mà cô tự hào nhất không phải là những em đỗ đạt cao hay có tiền tài, địa vị trong xã hội mà đó là em Nguyễn Thị Mỹ Linh, hiện đang là sinh viên sư phạm.
“Linh đã không ngại ngần khẳng định trên Facebook cá nhân của em ấy rằng chính tôi là người đã truyền cảm hứng, là động lực, là tấm gương để em theo nghề giáo. Em ấy đã tag tên tôi ngay trong statut đó. Khi đọc được tôi rất xúc động. Nghề giáo, hạnh phúc nhất là khi học sinh dám theo nghề mình” - cô Trần Thị Hoài Thu chia sẻ.
“Nâng đầu, đỡ cuối” là cách mà giáo viên Trần Thị Hoài Thu chú tâm trong công tác giảng dạy. Cách đây 2 năm, lớp 4 do cô chủ nhiệm có một học sinh mồ côi bố mẹ phải ở với ông bà, em lại bị thiểu năng trí tuệ thể nhẹ. Cô trở thành người mẹ thứ hai của học sinh đặc biệt này. Hằng ngày, cô đưa đón đến trường học bài, tối đến nấu cơm rồi kèm cặp học ở nhà.
Học sinh đặc biệt của giáo viên Trần Thị Hoài Thu từ chỗ không biết đi xe đạp, học toán không nhớ chữ số, qua thời gian uốn nắn, học sinh dần dần tiến bộ. Giờ đây, em học sinh đặc biệt ấy đã lên lớp 6, cuối tuần em thường đạp xe đến nhà chơi bởi đây dường như là ngôi nhà thứ hai của em.
“Điểm tựa” cho giáo viên trẻ
Sau 16 năm công tác, giáo viên Trần Thị Hoài Thu nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, các ngành. Đặc biệt, nữ giáo viên Trần Thị Hoài Thu đạt giải Nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp tỉnh năm học 2015-2016 và được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2016-2019.
Kể về lần đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp tỉnh năm học 2020-2021 và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2021-2024, cô Trần Thị Hoài Thu vẫn chưa hết xúc động.
Năm đó, cô thi đạt điểm tuyệt đối ở vòng 1, sang vòng 2 thì gặp sự cố không kết nối được với bài giảng là video đã soạn sẵn trên máy tính. Khi chỉ còn lại 20 phút của vòng thi, máy tính mới kết nối được nhưng bằng bản lĩnh của một giáo viên kỳ cựu, cô Thu đã bình tĩnh xử lý và vượt qua được sự cố một cách thuyết phục. “Nếu là người khác chắc đã bỏ cuộc”, ông Hoàng Nhật Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Phương thán phục nói.
“Cô Trần Thị Hoài Thu không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn là người đi đầu trong việc khơi dậy niềm đam mê cho giáo viên trẻ. Mặt khác, cô Thu còn tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường rất nhiều nội dung sáng tạo, có hiệu quả cao, góp phần đưa trường trở thành một trong những trường trọng điểm của thị xã”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Phương Hoàng Nhật Tiến nói thêm.
Thực tế, với kinh nghiệm dày dặn của mình, cô Thu có thể tham gia và dành giải cao tại các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp, tuy nhiên cô đã lùi về phía sau làm “điểm tựa” cho lớp trẻ. Từ sự hướng dẫn tận tình của cô Trần Thị Hoài Thu mà một số giáo viên trẻ trong trường đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi như An toàn giao thông quốc gia, giáo viên giỏi cấp tỉnh...
Cô luôn tâm niệm, cho yêu thương thì yêu thương còn lại và lan tỏa, cho trí tuệ thì trí tuệ sẽ nhân lên gấp đôi. Bởi thế, những năm gần đây, cô Trần Thị Hoài Thu trở thành người “thổi lửa” cho lớp trẻ ở Trường Tiểu học Kỳ Phương vươn lên.
Theo bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kỳ Anh, đơn vị đã “nhắm” cô Trần Thị Hoài Thu và có ý định đào tạo để đưa lên làm quản lý, tuy nhiên khi đặt vấn đề, cô Thu đã thẳng thắn từ chối với lý do cô đưa ra là “đi dạy để cho học sinh nhờ”.
“Chúng tôi khá bất ngờ với quyết định của cô Thu nhưng hoàn toàn đồng tình với quan điểm đó” - bà Nguyễn Thị Tường Vân nói.
Khi PV đặt câu hỏi vì sao lại chọn làm giáo viên chứ không phải cán bộ quản lý, cô Trần Thị Hoài Thu bày tỏ: “Đến thời điểm này tôi vẫn đang rất hứng thú với bài giảng và tôi cảm thấy học sinh cần mình hơn”.