Chi 55 tỷ đồng để chấm dứt du lịch cưỡi voi tại Đắk Lắk
UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất chi 55 tỷ đồng hỗ trợ chủ, nài voi và các trung tâm chăm sóc nhằm chấm dứt nạn cưỡi voi chuyển sang mô hình du lịch thân thiện.
Ngày 14/11, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, cho biết nguồn kinh phí trên do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tài trợ. Việc chi hỗ trợ thực hiện từ tháng 11/2022 đến 12/2026, tại huyện Buôn Đôn (vườn quốc gia Yok Đôn, trung tâm; các công ty du lịch) và huyện Lăk.
Cuối năm trước tỉnh Đắk Lắk ký kết với Tổ chức AAF về hợp tác mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó tỉnh không tổ chức du lịch cưỡi voi, hội thi voi bơi, đá bóng, diễu hành trên đường... Kinh phí AAF hỗ trợ được tỉnh chi cho chủ và nài để bù đắp thu nhập giảm sút do dừng khai thác voi. Các trung tâm du lịch được cấp kinh phí, kỹ thuật để chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi...
Thời gian qua, tình trạng cưỡi voi du lịch đã ảnh hưởng sức khoẻ, tuổi thọ và số lượng đàn voi trên địa bàn. Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, tỉnh còn khoảng 140 con voi, giảm 90% số lượng so với năm 1980. Năm 2018, AAF cũng tài trợ 65.000 USD để chấm dứt du lịch cưỡi voi tại vườn quốc gia Yok Đôn.
Cưỡi voi từ lâu đã được coi là một trong những dịch vụ hút khách, gắn liền với du lịch Tây Nguyên. Thậm chí trong suy nghĩ của không ít khách du lịch "Chưa cưỡi voi thì coi như chưa đặt chân đến Tây Nguyên".
Sự nghỉ ngơi của những chú voi ở Bản Đôn sẽ đánh dấu bước dịch chuyển của ngành du lịch Việt Nam, khi các mô hình du lịch thân thiện có thể áp dụng rộng rãi trên thực tế. Với những mô hình này, khách tham quan không làm ảnh hưởng tới tự nhiên, môi trường mà còn có thể nâng cao hiểu biết, góp sức trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên.
Thay đổi một mô hình du lịch đặc trưng còn là thay đổi trong tư duy của khách và của chính những người làm du lịch.