Bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: “Hơi thở cuộc sống” tại một kỳ họp

H.Vũ 16/11/2022 07:33

Ngày 15/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chính thức bế mạc sau 21 ngày làm việc. Đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá là điểm nhấn tại kỳ họp lần này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự phiên bế mạc .Ảnh: Quang Vinh.

Dự phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và Truyền thông. Thủ tướng Chính phủ, 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 vị trưởng ngành và 7 Bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan. Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể.

Yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau. Trân trọng đề nghị cử tri và nhân dân cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng nhân dân các cấp tích cực tham gia cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhìn thẳng vào những vấn đề bức xúc của xã hội

Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, sau 21 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, khóa XV đề ra. Lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1/7/2023. Đồng thời cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương), Quốc hội đã thảo luận kết quả giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết về nội dung này. Việc lựa chọn nội dung, tổ chức giám sát tối cao được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhìn thẳng, nhìn thật các vấn đề bức xúc của xã hội mà nhân dân và cử tri rất quan tâm. Qua đó, Quốc hội đã chỉ rõ những lĩnh vực, công trình, dự án còn lãng phí, chưa được hiệu quả, từ đó đề ra giải pháp thực hiện cả trước mắt lẫn lâu dài và trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện, nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

“Tất cả các luật, nghị quyết của Quốc hội, các vấn đề được bàn bạc, thảo luận đều mang hơi thở cuộc sống, phản ánh đầy đủ các lĩnh vực, góc nhìn của thực tiễn. Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, những quyết sách kịp thời, hợp ý Đảng lòng dân của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế” - bà Xuân nói.

Đánh giá cao chất lượng nội dung kỳ họp thứ 4, ĐBQH Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội quyết định tăng trưởng ở mức 6,5% là hợp lý. “Sang năm 2023, với sự quyết tâm, dồn toàn lực của các cấp, các ngành để tập trung triển khai thực hiện, tôi cho rằng mục tiêu đề ra sẽ đạt được” - ông Minh bày tỏ.

Kỳ họp cũng cho thấy Quốc hội rất lắng nghe ý kiến nhân dân, thông qua các ĐBQH. Tất cả các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp đều nhận được đa số ý kiến tán thành khi biểu quyết thông qua (với trên 80% ĐBQH có mặt tán thành). Theo dự kiến tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến các ĐBQH và quyết định chưa thông qua dự án luật này bởi nhiều quy định khiến các đại biểu chưa thật sự yên tâm. Trong đó nổi lên là việc xã hội hóa y tế trở thành bài toán chưa có lời giải. Đặc biệt, những giải pháp đưa ra trong dự án luật chưa giải quyết được các bất cập về cơ chế tự chủ của các bệnh viện công.

Nói như lời ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) thì: “Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Sức khoẻ là vấn đề “nóng” liên quan trực tiếp đến mỗi con người. Với quan điểm “lấy người bệnh là trung tâm” thì toàn bộ cấu trúc của luật cũng cần phải điều chỉnh lại từ phạm vi, đối tượng địa bàn, quy định cụ thể liên quan đến chính sách cho từng nhóm đối tượng, kết nối giữa y tế và bảo hiểm y tế, chất lượng đội ngũ y tế trong điều kiện hội nhập là vấn đề cần phải quan tâm thêm”.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành

Tại kỳ họp lần này hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới theo hướng “hỏi nhanh đáp gọn”, hỏi 1 phút, trả lời 3 phút, vừa sát thực tiễn và tập trung giải quyết những vấn đề “nóng”, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước như: công tác quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng, vấn đề phân bổ biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội thống nhất đánh giá: Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân, qua chất vấn, Quốc hội đã làm sáng rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các bộ, ngành và Chính phủ trong quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực, và trách nhiệm trong bổ sung, hoàn thiện thể chế chính sách cũng như tham mưu trình Quốc hội ban hành các quyết sách mang tính chiến lược, cấp bách cho sự phát triển của đất nước.

ĐBQH Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cũng nhìn nhận: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Các bộ trưởng đã được các đại biểu chất vấn xung quanh những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý và các bộ trưởng cơ bản đã trả lời thấu đáo các vấn đề. Bên cạnh đó, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã đưa ra những lời hứa và cam kết sẽ giải quyết tốt trong lĩnh vực mình phụ trách trong thời gian tới. Với sự giám sát của Quốc hội, sự theo dõi, giám sát của các đại biểu đã chất vấn, tôi kỳ vọng rằng những vấn đề mà đại biểu nêu và các bộ trưởng đã hứa và cam kết sẽ được giải quyết một cách thấu đáo trong thời gian tới.

Còn ĐBQH Đồng Ngọc Ba - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các đại biểu đặt vấn đề trúng và đúng, chỉ ra vấn đề Chính phủ làm được, chưa làm được, thậm chí có việc triển khai chưa đáp ứng nhu cầu. Qua đó đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp đưa ra trong thời gian tới để sau chất những vấn về: xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước, công nghệ thông tin, xử lý vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng cần có những giải pháp hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) bày tỏ ấn tượng với những tranh luận của các đại biểu trong các phiên thảo luận, chất vấn. “Những ý kiến của các đại biểu rất nghiêm túc, sôi nổi, trí tuệ. Chủ trì các phiên thảo luận, chất vấn cũng có sự linh hoạt để việc tranh luận, thảo luận không đi xa chủ đề. Có những vấn đề cần trao đổi, giải quyết ở phần nội bộ, phạm vi hẹp đã được điều chỉnh bởi người chủ trì” - bà Sửu cho hay.

H.Vũ