Công bằng cho một kỳ thi
Việc một giáo viên Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam) ra đề thi học sinh giỏi (HSG) có một số chi tiết giống với nội dung mà chính cô đã ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh (HS) của trường mình trước khi diễn ra kỳ thi đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Làm sao để những kỳ thi này thực sự phát huy trong việc phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu?
Người thầy diễn cả 3 vai
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chị N.T.P. Thanh (cựu HS Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, kỳ thi chọn HSG năm lớp 12 để lại ấn tượng đặc biệt trong quãng đời HS của mình. Bởi suốt một thời gian dài tính bằng năm, hầu như phần lớn thời gian của chị Thanh là dành để học môn chuyên, tham gia các kỳ thi chọn đội tuyển HSG tỉnh, thi HSG tỉnh, thi chọn đội tuyển HSG quốc gia, thi HSG quốc gia.
“Áp lực với tôi thực ra không đến từ các kỳ thi mà là bội thực vì học 1 môn với thời lượng quá nhiều và gần như bỏ qua các môn học khác. Chỉ đến kỳ thi cuối cùng là thi HSG quốc gia tôi mới cảm thấy áp lực vì… mới mẻ. Còn những kỳ thi trước, thầy giáo trực tiếp dạy môn chuyên cả 3 năm học cũng là người ra đề thi HSG, chấm thi HSG luôn nên gần như ai được chọn vào đội tuyển đã rõ từ quá trình học trên lớp. Đi thi được giải gì chỉ là câu chuyện có thể hiện tốt phong độ của bản thân hay không mà thôi” - chị Thanh nói.
Thực tế tại một số địa phương hiện nay, việc một GV vừa dạy đội tuyển, vừa ra đề thi HSG và sau đó chấm thi HSG không phải là chuyện hiếm, nhất là ở các trường chuyên. Đặc biệt nếu đó là môn học không phổ biến, cả tỉnh hầu như chỉ có trường chuyên đào tạo như tiếng Pháp, tiếng Nga… thì số lượng GV cho môn học đó lại càng ít ỏi nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một số thầy cô. Ngay cả HS theo học cũng không nhiều, hầu như chỉ có ở trường chuyên còn chương trình đại trà là không có.
Với những môn học khác dù các trường THPT của địa phương đều giảng dạy nhưng số lượng HSG không nhiều do ngay từ khi vào phổ thông, một lượng lớn HSG của các môn học đã đầu quân vào trường chuyên. Thêm vào đó, để tham gia vào các cuộc thi HSG cần có sự ôn luyện chuyên sâu hơn so với kiến thức trong sách giáo khoa phổ thông nên không phải trường nào, GV cũng dành thời gian, công sức để tìm kiếm và bồi dưỡng HSG để đưa đi thi đấu. Điều này được phản ánh rõ trong thực tế khi hầu hết đội tuyển được chọn tham dự đội tuyển HSG quốc gia chủ yếu đến từ các trường THPT chuyên, mặc dù trong kỳ thi chọn HSG tỉnh, vẫn có HS của một số trường khác trên địa bàn tham gia và đạt giải nhưng đến vòng sau hầu như vắng bóng.
Mới đây, câu chuyện xảy ra trong kỳ thi HSG của tỉnh Quảng Nam khiến dư luận xôn xao vì sự trùng hợp trong đề thi và đề ôn luyện của GV Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Kết quả sau đó, Sở GDĐT tỉnh đã quyết định hủy kết quả 2 câu mà giáo viên này đã ra đề, lấy 2 câu còn lại trong đề thi do GV khác ra, nâng thành thang điểm 20 để tính kết quả xét giải cho HS dự thi. Từ đây, câu hỏi đặt ra là trong một kỳ thi HSG, một người mà đóng 2 vai, thậm chí cả 3 vai thì còn đâu là sự công bằng cho kỳ thi?
Nuôi dưỡng đam mê với môn học
Lâu nay câu chuyện trường chuyên và kỳ thi HSG có nên tiếp tục tồn tại hay không vẫn nhận được những ý kiến tranh luận trái chiều. Với mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, các kỳ thi HSG từ cấp trường, quận, huyện, tỉnh, thành phố cho tới cấp quốc gia đâu đó vẫn có những băn khoăn khi HS giỏi hết thi thì hết… giỏi, tức là bước ra từ những cuộc thi HSG này, có bao nhiêu em tiếp tục theo đuổi môn học này ở bậc cao hơn? Bao nhiêu em học ngành nghề khác và làm công việc gì sau khi ra trường?
Nhà nghiên cứu, ThS Nguyễn Quốc Vương, một người quan tâm đến giáo dục và nghiên cứu giáo dục nhìn nhận, mục tiêu phát triển con người toàn diện được ghi rõ trong điều 2 “Mục tiêu giáo dục” của Luật Giáo dục (sửa đổi 2019). Tuy nhiên, thi HSG chỉ nhắm vào một số môn nhất định được coi là “môn chính” hoặc các môn “thi đại học”. Kết quả là tạo ra sự bất bình đẳng giữa các môn, HS dễ bị học lệch. HS và GV khi chạy đua với các kỳ thi HSG có thể bị cuốn vào căn bệnh thành tích… “Kỳ thi HSG là hoạt động chỉ dành cho một số ít HS và giáo viên nhưng lại lấy đi quá nhiều công sức của thầy cô, gia đình và HS” - ông Vương nhìn nhận.
Hàng năm, khi kết quả của kỳ thi chọn HSG quốc gia được công bố là những nụ cười và cả những giọt nước mắt của các thí sinh. Điều này không tránh khỏi trong thi cử nhưng tính công bằng, khách quan, minh bạch của kỳ thi cũng luôn là điều trăn trở với nhiều người, nhất là khi đề thi, đáp án của kỳ thi này trước đây luôn là một bí mật. Chỉ sau khi dư luận lên tiếng, tháng 3/2022, lần đầu tiên Bộ GDĐT công bố đề thi và đáp án của kỳ thi này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, dù Quy chế quy định từ năm 2014.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ GDĐT cần tiến hành tổng kết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về kỳ thi chọn HSG và học hỏi cách làm của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
GS. TS Lê Anh Vinh - Trưởng đoàn Olympic Toán của Việt Nam trong nhiều năm từng chia sẻ, ở nhiều nước hiện nay không có hệ thống trường chuyên nên cách họ chọn đội tuyển HSG tham dự các kỳ thi quốc tế không giống Việt Nam. “Mục đích cuối cùng của việc tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển tham dự các kỳ thi quốc tế không chỉ dừng lại ở những tấm huy chương hay số điểm của bài thi cụ thể. Dưới góc nhìn giáo dục, điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện sớm, khuyến khích, định hướng và tạo điều kiện cho các em nuôi dưỡng đam mê với môn học. Từ đó, các em có đà để rèn luyện, phấn đấu trong tương lai. Bởi, con đường của các em sau này còn rất dài” - GS Vinh cho hay.