Giữ rừng lim ở Tân Dân
Dù già làng Triệu Tài Cao đã mất đi, nhưng tâm nguyện của ông về cánh rừng lim trăm tuổi ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn được truyền giữ.
Căn nhà cũ kỹ của anh Triệu Tiến Lộc (36 tuổi) nằm trong một xóm nhỏ ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân - xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm huyện Hoành Bồ (nay sáp nhập vào TP Hạ Long) khoảng 27km, nơi có đến 96% là người dân tộc Dao sinh sống. Căn nhà và 10ha rừng phía sau là tài sản anh Lộc được thừa hưởng từ người cha, ông Triệu Tài Cao - người nổi tiếng với việc quyết giữ rừng như là báu vật cho con cháu.
Theo anh Lộc, vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, rừng Hoành Bồ nói chung và xã Tân Dân nói riêng nổi tiếng với những loại gỗ quý, nhất là lim. Nhưng cũng vì cái tiếng ấy mà người ta đua nhau vào khai thác.
Nhìn thấy rừng lim khi đó bị tàn phá kiệt quệ, ông Cao thấy nhói lòng mà không sao ngăn lại được. Bất lực, ông Cao nghĩ ra một cách mà người ta khi ấy vẫn cho là “dở”, đó là vào rừng tìm những cây lim nhỏ mang về trồng ở quả đồi cạnh nhà.
Mỗi năm cây lim chỉ lớn được chừng một phân, trồng như thế đến bao giờ mới được “hái quả”? Mặc kệ thiên hạ dèm pha, ông Cao cương quyết không trồng những cây ngắn ngày khác, mà chỉ trồng lim và một số loài gỗ lớn như sến, táu, dẻ, vàng tâm…
Lim là giống khó trồng, chậm lớn, cây mọc cách xa nhau. Hàng ngày người ta vẫn thấy ông Cao vào rừng, lụi hụi tỉa những cây lim con mang trồng ra xa những cây lim mẹ. Cứ thế, cho đến khi rừng lim phủ xanh cả quả đồi rộng, người dân trong vùng mới hiểu ông. Nhưng có những người vẫn nhất quyết không chịu hiểu, đó là những tay lái gỗ. Rừng lim của ông Cao khiến cánh buôn gỗ thèm thuồng đến gạ gẫm xin mua. Có người còn trả tiền tỷ để mua cả cánh rừng. Có người mua không được bèn buông lời gièm pha thị phi rằng ông bị hâm, còn giới lâm tặc thì xa xôi đe dọa.
Nhưng tất cả đều không làm ông lung lay. Ông từ chối tất cả. Ông bảo rừng lim này là gia tài ông giữ lại cho con cháu. Với lại chỉ bán những cây gỗ khác, bán tre nứa thôi, cha con ông cũng có cuộc sống đủ đầy rồi.
“Đã bao giờ bố con anh nghĩ tới việc bán gỗ chưa?” - tôi hỏi . “Thực là trước đây bố tôi cũng đã bán đi vài cây lim vì quá túng thiếu. Những cây đó cũng đã bị sâu mọt không phát triển được. Nhưng khi bán đi rồi, bố tôi lại bần thần tiếc nuối” - anh Lộc kể.
Già làng Triệu Tài Cao về với đất rừng sau cơn bạo bệnh hồi tháng 5/2022. Trước khi mất, ông đã kịp chia rừng cho 5 người con trai với lời dặn dò: “Nhất quyết không được bán cây lim nào”.
Trải qua hàng chục năm, cây mọc tươi tốt, hạt rơi xuống, cây lại mọc lên. Cứ thế, giờ đây rừng lim nhà anh Lộc đã có đến khoảng 600 cây to và hàng trăm cây nhỏ, những cây lớn có đường kính khoảng 70cm.
Rừng lim của gia đình anh phủ xanh cả quả đồi rộng, tạo ra dưỡng khí trong lành cho khu vực xung quanh và là nơi cư trú của nhiều loài động vật. Sở hữu rừng cây có giá trị lớn, nhiều người đã tìm đến hỏi mua với giá cao từ 30-50 triệu đồng/cây nhưng bố con anh Lộc đều từ chối.
Tinh thần giữ rừng, trồng rừng vẫn được tiếp nối từ già làng Triệu Tài Cao đến các con. Ngoài việc đánh cây lim con tới khu vực phù hợp để trồng, anh Lộc học bố cách ươm quả lim để lấy giống; trồng xen kẽ dưới những tán cây to là các cây dược liệu quý; thường xuyên truyền dạy, lan tỏa tình yêu rừng cho lớp con cháu.
Nhờ tâm huyết và cách làm của bố con già làng Triệu Tài Cao, hiện nhiều loại cây bản địa quý hiếm của Hoành Bồ đang được gìn giữ để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường. Với hàng trăm cây gỗ lớn, rừng của già làng Triệu Tài Cao là tài sản giá trị mà ông để dành cho con cháu và thế hệ mai sau. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến Hoành Bồ.