Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Hiệu quả từ những mô hình điểm
Trong những năm qua, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các ngành, các cấp đã chú trọng triển khai các mô hình thí điểm tại các xã, thôn với hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông,... để nâng cao nhận thức người dân. Các mô hình thí điểm đã mang lại hiệu ứng tích cực, từ đó nhân rộng, lan tỏa ra nhiều nơi.
Tích cực tuyên truyền, vận động
Ea Súp là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đó có 3 xã tập trung chủ yếu đồng bào di cư tự do. Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ còn hạn chế, vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Điển hình như buôn A2 thuộc thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) những năm trước, trong buôn còn nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trẻ em gái mới 13 - 14 tuổi đã lấy chồng, nhiều đứa trẻ sinh ra sức khỏe yếu thậm chí mắc bệnh bẩm sinh vì cha mẹ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Để nâng cao nhận thức người dân về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2018, Chi hội phụ nữ buôn A2 của thị trấn Ea Súp thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” với 80 hội viên tham gia. Trong mỗi buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để hội viên dễ hiểu, dễ nắm bắt.
Chị H’Sân Noi Siu - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn A2 cho biết: “Chúng tôi đi vận động người dân không nên cho con cái kết hôn sớm, ít nhất phải đủ 19 tuổi trở lên mới được kết hôn và không để xảy ra kết hôn cận huyết thống vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của thế hệ sau. Từ khi triển khai mô hình đến nay, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn, đầu năm 2020 đến nay không có trường hợp nào xảy ra” - chị Siu vui mừng nói.
Tình trạng tảo hôn đã giảm
Tại tỉnh Lào Cai – một tỉnh vùng cao, biên giới, có trên 66% người dân là đồng bào DTTS, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại đã để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, môi trường giáo dục, kinh tế - xã hội, đặc biệt là làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng và sự phát triển của tỉnh nói chung.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến năm 2017, tỉnh Lào Cai có 1.866 người tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Để chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, ngày 30/10/2017, các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đã triển khai các mô hình thí điểm và phát huy có hiệu quả. Điển hình như: Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Mô hình “Ông mai, bà mối” tại một số xã của huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Si Ma Cai và huyện Mường Khương... Thông qua hoạt động tại các mô hình điểm đã giúp cho các hội viên được chia sẻ, giao lưu, tham gia học hỏi những kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trong những tháng đầu năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố duy trì 58 mô hình với 3.527 thành viên tham gia. Các mô hình, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế xây dựng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 147 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó có 50 trường hợp là học sinh; kịp thời xử lý vi phạm hành chính 28 vụ tảo hôn.
Với sự chung tay vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý 313 vụ liên quan đến tảo hôn, 5 vụ liên quan đến hôn nhân cận huyết thống. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn 659 người có ý định tảo hôn…. Riêng huyện Mường Khương, đã giảm thiểu 95% tình trạng tảo hôn và không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống, vượt xa mục tiêu Chỉ thị số 33-CT/TU và là huyện có tỷ lệ giảm cao nhất trong toàn tỉnh.
Ông Giàng Quốc Hưng - Bí thư huyện ủy Mường Khương cho biết: Kinh nghiệm của địa phương là làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các gương điển hình trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời phải đa dạng hóa hình thức và sản phẩm tuyên truyền theo hướng đơn giản, hiệu quả, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện để người dân thấy rõ được hệ lụy của các hủ tục trong hôn nhân, dần thay đổi nhận thức, hành vi.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tỉnh đang tăng cường xây dựng các mô hình điểm, các câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nội dung như: “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình...”.