Tạo niềm tin giữa 'bão' chứng khoán
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thị trường đang xuất hiện những tín hiệu mới...
Xuất hiện tín hiệu mới
Lâu lắm rồi nhà đầu tư chứng khoán mới có niềm vui. Đơn giản trong hai phiên giao dịch ngày 16/11 và ngày 17/11, thị trường tăng điểm. Cập nhật tại thời điểm 13h30 phiên giao dịch ngày 17/11, chỉ số VN- Index tăng 16 điểm, đạt 958.85 điểm.
Trước đó ngày 17/11, là một ngày đầy cảm xúc của thị trường chứng khoán khi biên độ dao động của chỉ số này trong phiên lên tới hơn 70 điểm. Trên 3 sàn có 520 mã tăng, trong đó hơn một nửa (287 mã) tăng trần. Riêng sàn HOSE có 153 mã chốt phiên ở mức giá cao nhất.
Tâm lý cải thiện đã khiến dòng tiền đổ vào nhiều hơn, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ về độ bền vững của thị trường. Vì rằng trước đó tại phiên giao dịch ngày 15/11, tâm lý hoang mang của nhà đầu tư bao trùm toàn sàn. Dù không phải phiên có mức giảm lớn nhất của các chỉ số tính về mức giảm tuyệt đối, song số mã giảm sàn của phiên giao dịch ngày 15/11 lại lập kỷ lục mới với 384 mã xanh lơ trên 3 sàn. Trong đó, riêng sàn HOSE có 206 mã, HNX là 107 mã và UPCoM là 71 mã.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) biến động với biên độ rất mạnh. Lý giải, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong năm 2022, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành thêm 3,75 điểm % qua 6 lần điều chỉnh liên tiếp và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của FED trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bên cạnh đó, TTCK đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.
Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên TTCK, tạo ra thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Ông Mai Cường - Phó giám đốc Khối phát triển kinh doanh PVI AM cho rằng, với nhà đầu tư đang có sẵn tiền mặt, tôi nghĩ có thể bắt đầu nghiên cứu lại cả về thị trường, tìm các tài sản tốt, có thể cổ phiếu, trái phiếu định giá tốt trên thị trường. Còn đối với những nhà đầu tư đang có nhiều danh mục về cổ phiếu hoặc trái phiếu mà chưa biết cơ cấu lại như thế nào, tôi cho rằng họ sẽ phải nhìn lại từng danh mục của mình, hiện nay những mã nào tốt, mã nào xấu, để cơ cấu lại và chấp nhận một mức độ rủi ro” - ông Cường chia sẻ.
Cũng theo vị này, thời điểm này, nhà đầu tư phải chấp nhận mức độ rủi ro vì trong đầu tư phải có rủi ro. Khi đầu tư họ sẽ phải vạch ra mức độ chịu rủi ro của mình đến đâu, khả năng chịu rủi ro của mình đến đâu để cơ cấu lại, làm sao mà nhìn trong tương lai gần, khi cơ cấu xong danh mục và thị trường ổn định và đi lên, thì họ sẽ có những nguồn lợi nhuận có thể bù lại các khoản rủi ro mình đã chịu.
Còn theo Giám đốc đầu tư IPA AM Cao Minh Hoàng, nhà đầu tư hiện tại “đang rất run” vì tất cả các kênh đầu tư đang biến động rất mạnh theo chiều hướng đi xuống. Hiện tại có nhiều biến động và rủi ro ở mức rất cao.
“Ở thời điểm hiện tại, với nhà đầu tư, tôi vẫn quay lại vấn đề dài hạn và có cái nhìn tổng quan. Tôi có một niềm tin rất lớn vào sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới. Nếu có một chia sẻ hay lời khuyên cho nhà đầu tư có một danh mục cả trái phiếu, cổ phiếu và lượng tiền mặt chưa phân bổ, theo tôi đánh giá hiện tại là tập trung nghiên cứu để có thể giải ngân phần tiền mặt của nhà đầu tư trong thời gian tới vào kênh cổ phiếu hoặc trái phiếu, sẽ có một mức sinh lời rất tốt trong thời gian tới” - ông Hoàng nói.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, nên thực hiện một số giải pháp hỗ trợ thị trường. Có thể dùng 300.000 tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn 1 năm. Đây là các ngân hàng lớn, không lo mất thanh khoản. Khi ngân sách cần, 4 ngân hàng này không khó huy động trả lại. Sử dụng 500.000 tỷ đồng thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp. Quỹ này dùng để mua lại trái phiếu bảo lãnh hoặc tái bảo lãnh trái phiếu đáo hạn không còn khả năng xử lý.