Ngành tài chính nỗ lực số hóa

M.Phương 18/11/2022 07:08

Ngành tài chính quyết tâm chuyển đổi sang nền tài chính số hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp.

Thông tin nói trên được đưa ra tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 (VDF-2022) với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính” diễn ra ngày 17/11.

Thông tin tại hội thảo cho hay, hiện Bộ Tài chính là bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành văn bản định hướng về nghiên cứu, triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành từ năm 2018.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Hiện Bộ Tài chính có 464 DVCTT mức độ 3,4, đạt tỷ lệ gần 60%. Trong đó, số DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia là 296 DVCTT, đạt tỷ lệ gần 64%.

Theo Bộ Tài chính, trên 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã dùng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Hệ thống hóa đơn điện tử, Etax-Mobile cũng đã được triển khai trên toàn quốc. Gần đây, ngành Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Dự kiến tới đây, ngành Thuế tiếp tục đưa Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước vào hoạt động.

Ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó, Bộ Tài chính chú trọng về chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực gồm: Thuế, hải quan, kho bạc - là những lĩnh vực then chốt, có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Theo ông Trí, giải pháp quan trọng nhất là phải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ để phù hợp với giao dịch điện tử, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ. Khi đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), không thể không nói tới giải pháp về công nghệ. Với vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu cho lãnh đạo để chọn lựa những công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất và có độ tin cậy nhất, an toàn nhất.

Một trong những cái khó hiện nay chính là nguồn nhân lực. Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ: “Chúng tôi giữ người, giữ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực khó. Tuyển dụng càng khó”. Hơn nữa, hoạt động của ngành tài chính đa ngành đa lĩnh vực, tiếp xúc với rất nhiều người dân, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng ngân sách. Đối tượng rộng, phạm vi rộng thì trình độ nhận thức ứng dụng CNTT sẽ có sự khác nhau. Ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, để tiếp cận được những ứng dụng CNTT, dịch vụ công dù đã được cải thiện nhưng chưa hết khó khăn; hay thói quen của người dân, doanh nghiệp, của đơn vị sử dụng ngân sách là sử dụng phương pháp thủ công, giao dịch bằng hồ sơ giấy...

Giới chuyên gia cho rằng, để làm tốt hơn công tác quản lý trong thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn và tiên phong hơn, phải kiểm soát tự động, nhận diện qua trí tuệ nhân tạo AI, giúp cán bộ, công chức ngồi một chỗ có thể kiểm soát tự động; sử dụng công nghệ Blockchain để quản lý được hàng hóa, bắt đầu ở nước ngoài, hàng hóa chưa vào Việt Nam đã biết được giá cả, chi phí, xuất xứ…

Theo Bộ Tài chính, trên 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã dùng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Hệ thống hóa đơn điện tử, Etax-Mobile cũng đã được triển khai trên toàn quốc. Gần đây, ngành Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.

M.Phương