Công nhân trong thời bão giá – Bài 3: Giữ chân người lao động bằng chính sách an sinh

THANH GIANG 18/11/2022 07:05

Ảnh hưởng giá nguyên liệu, nhiên liệu thế giới khiến không ít doanh nghiệp trong nước phải giảm công suất sản xuất, cắt giảm việc làm. Nhằm hạn chế khó khăn cho người lao động, TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách “giữ chân” người lao động.

Công nhân trong các khu công nghiệp cần được hỗ trợ trong tình hình bão giá.

Tăng hỗ trợ lao động bị nghỉ việc

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội May thêu đan TP HCM nhận định, từ nay đến năm 2023 thị trường xuất khẩu chưa ổn, nhất là những thị trường lớn như châu Âu và Mỹ. Khó về đầu ra nên nhiều công ty phải tính toán lại sản xuất, “bấm bụng” cắt giảm công nhân sau khi đã cắt giảm giờ làm việc. Trong khi, phần lớn lao động ngành may mặc mong muốn được làm thêm giờ, tăng thu nhập.

Ngoài ngành dệt may, da giày, ngành gỗ cũng đang đối diện với khó khăn. Nhằm nắm bắt và chia sẻ khó khăn với lao động mất việc, đồng thời hạn chế việc doanh nghiệp (DN) không trả thưởng tết, nợ bảo hiểm xã hội, công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố đề ra nhiều giải pháp. Trong đó có việc khảo sát nắm tình hình phân loại các DN, trong đó tập trung vào DN nợ bảo hiểm xã hội trên 12 tháng, DN nợ lương trên 1 tháng, DN đông công nhân nhưng chưa có thông tin thưởng Tết trước ngày 30/11/2022.

Liên quan đến hỗ trợ lao động thất nghiệp, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh Xã hội TPHCM cho hay, Sở đã làm việc với nhiều quận/huyện có nhiều DN đóng trên địa bàn để tìm hiểu khó khăn. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố và các phòng nghiệp vụ phối hợp với phòng LĐTBXH, Liên đoàn Lao động làm việc trực tiếp với chủ DN. Một số DN đã cắt giảm lao động cam kết cố gắng duy trì để những người lao động đang làm việc chưa đủ 12 tháng có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Sở tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố rà soát lại các DN còn có nợ đọng bảo hiểm xã hội và có khả năng gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời” - ông Lâm chia sẻ.

Song song với các phương án hỗ trợ, chăm lo cho lao động bị nghỉ việc, TPHCM còn tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, kịp thời đáp cung - cầu lao động. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng trong những tháng cuối năm của thành phố là 43.000 lao động. Lượng lao động cần tuyển dụng thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ dịp lễ, Tết.

Cập nhật tình hình để có chính sách kịp thời

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, vấn đề đặt ra hiện nay là DN cần tiếp tục chăm lo đời sống cho công nhân tốt hơn. Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe nhận định: “Vì mỗi người đi làm mang theo tất cả lo lắng trong cuộc sống đến công sở, nên cách tiếp cận tốt nhất hiện nay là chăm lo toàn diện cho nhân viên. Tôi tin rằng, công ty nào thể hiện rõ sự quan tâm tới người lao động sẽ thu hút tốt nhân lực. Ngược lại nhân viên cũng sẽ chăm lo tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp đó”.

Khảo sát của Anphabe với gần 100 DN lớn ở 20 ngành nghề chính cho thấy, mới chỉ có 15% chọn an sinh cho nhân viên vào nhóm ưu tiên chiến lược hàng đầu trong 2023, đứng thứ 9 sau nhiều ưu tiên chiến lược khác. Trong khi đó, xu hướng chung từ các DN cho thấy an sinh cho người lao động ngày nay không đơn giản là cung cấp một số phúc lợi nhỏ mà phải trở thành chiến lược lâu dài. Bà Thanh Nguyễn dẫn chứng, mặc dù tình hình kinh doanh năm nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các DN cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn khá nhiều. Cụ thể, tính tới 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Tuy các con số này chưa phải là cao nhưng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp khi năm 2021 chỉ có 35% người lao động được tăng lương, số bị giảm lương, lương không ổn định lên tới 15%.

Về phương thức hỗ trợ, chăm sóc, giữ chân lao động, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho hay, đã chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi sát sao, cập nhật kịp thời tình hình việc làm nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là những trường hợp lao động mất việc. Bên cạnh đó, trong kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2023, tổ chức công đoàn thành phố chú trọng đến lao động, đoàn viên mất việc do DN thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Chú ý tình trạng chủ DN bỏ trốn hoặc không được doanh nghiệp thưởng Tết. Tập trung chăm lo cho lao động nữ mang thai, đoàn viên công đoàn nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu, công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân công nhân như: trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính giúp công nhân ổn định sản xuất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ công nhân đặc biệt khó khăn, giúp người lao động có điều kiện bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất kinh doanh.

(Còn nữa)

Ông Ibrahim Ozsoy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH May OASIS (huyện Củ Chi) cho biết, thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh nhưng đơn vị vẫn nỗ lực chăm lo đời sống cho người lao động. Chẳng hạn như tăng phụ cấp, thưởng doanh số, hỗ trợ tiền nhà ở, tiền xăng xe đi lại. Quan điểm của công ty, người lao động là “tài sản” quý giá nhất của doanh nghiệp. Công ty luôn muốn người lao động có cuộc sống tốt hơn để yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài cùng công ty phát triển bền vững. Tương tự, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Kim Oanh Group cho biết, doanh nghiệp luôn luôn chăm lo đời sống người lao động. Càng khó khăn, càng phải chăm lo đời sống nhân viên hơn. Sau dịch bệnh cùng nhiều yếu tố khác tác động, kinh doanh rất khó khăn. Thế nhưng, chăm lo đời sống công nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, ngoài việc trả lương - thưởng theo quy đinh.

THANH GIANG