Bị can bỏ trốn: Toà án có thể xét xử vắng mặt
Nếu có đầy đủ chứng cứ nhưng bị can bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả thì vẫn có thể vận dụng quy định luật pháp để xem xét xử lý.
Ngày 18/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Liên quan đến vụ án AIC có việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn ra nước ngoài nhưng vẫn bị đề nghị truy tố vậy việc truy tố, xét xử như thế nào? ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã nhiều lần nói: “dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”.
“Hiện nay Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu những quy định của luật pháp để truy tố xứt xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Nếu trốn ra nước ngoài mà có quy định của luật pháp có thể xử vắng mặt thì chúng ta vẫn có thể xử vắng mặt”-ông Học cho hay.
Ông Học phân tích: Theo Điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên toà. Trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì Toà có thể xét xử vắng mặt. “Việc xét xử với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào xử vắng mặt thì vẫn phải tuân theo quy định của luật pháp. Do vậy đối với các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn ra nước ngoài chúng ta đã tiến hành khởi tố, điều tra nếu có đầy đủ chứng cứ. Có đầy đủ cơ sở nhưng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả thì có có thể vận dụng quy định luật pháp để xem xét xử lý”-ông Học nêu.
Trước đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, số vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý tăng cao so với những năm trước, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Quảng Ninh,... Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành phố đã đưa gần 400 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng.