Phân hoá xử lý kỷ luật đối với cán bộ trong vụ Việt Á
Vừa qua Bộ Chính trị có kết luận để có chủ trương phân hoá trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên.
Ngày 18/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Trả lời báo chí về việc bao giờ kết thúc vụ việc Việt Á?, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, chúng ta đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng diện rất rộng, đối tượng nhiều, và liên quan đến cán bộ đảng viên. Cho nên quá trình xem xét xử lý đòi hỏi khẩn trương nhưng thận trọng, đánh giá bối cảnh tình hình nào dẫn đến vi phạm và chúng ta có phân hoá.
Theo ông Học, vừa qua Bộ Chính trị có kết luận để có chủ trương phân hoá trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên. Kết luận của Bộ chính trị là cơ sở, đường lối, chủ trương để trên cơ sở đó trong quá trình xem xét xử lý cán bộ đảng viên vi phạm thì có phân tích đánh giá điều kiện, nguyên nhân bối cảnh để đối tượng nào xử lý nghiêm? Đối tượng nào được giảm nhẹ?, và đối tượng nào được miễn?. Còn trong quá trình xử lý hình sự thì các cơ quan chức năng cũng phải phân tích đánh giá một cách toàn diện vụ án để tình tiết nào là tình tiết tăng nặng, tình tiết nào là giảm nhẹ, tình tiết nào là khoan hồng.
“Hiện nay ở Trung ương và các địa phương đang nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ để xử lý và chủ trương của Ban chỉ đạo là sớm kết thúc quá trình xem xét xử lý. Khi nào kết thúc thì rất khó trả lời vì bây giờ đã có vụ việc đã khởi tố, điều tra xử lý. Nhưng có vụ việc đang trong quá trình xem xét để vận dụng quy định của Đảng, cũng như quy định của pháp luật để xử lý. Tinh thần là phải khẩn trương để xem xét xử lý”-ông Học nói.
Được biết trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dùng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh PCTNTC.
Theo đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 11 vụ án; truy tố 9 vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án; xét xử phúc thẩm 3 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Nhất là hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm như: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Nha Trang Center 2, số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ; Vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại An Giang, Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Long Biên, Hà Nội; Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.