931 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ

Hà Anh 19/11/2022 07:00

Mỗi năm, thế giới vứt bỏ khoảng 931 triệu tấn thực phẩm, hầu hết được đưa vào các bãi chôn lấp, nơi quá trình phân hủy tạo ra khoảng 1/10 lượng khí làm trái đất nóng lên. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia muốn giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

Rác thải thực phẩm được ủ thành phân bón. Ảnh: Reuters.

Khó đạt mục tiêu

Vào thứ 5 hàng tuần, ông Richard Redmond, sống tại thành phố California, Mỹ đều mang một thùng rác thực phẩm đến chợ nông sản ở thành phố South Pasadena - nơi nó được thu gom và ủ để sử dụng làm phân bón trong các khu vườn - như là một nỗ lực nhằm giảm lượng rác thải sinh hoạt. Kinh nghiệm của ông Redmond là một cánh cửa nhỏ dẫn đến một vấn đề lớn toàn cầu, nhưng không có nhiều người nghĩ như ông ấy.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm, thế giới vứt bỏ khoảng 931 triệu tấn thực phẩm, hầu hết được đưa vào các bãi chôn lấp, nơi quá trình phân hủy tạo ra khoảng 1/10 lượng khí làm trái đất nóng lên. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia muốn giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Năm 2015, các quốc gia đã cam kết sẽ giảm một nửa sự lãng phí thực phẩm vào năm 2030, nhưng rất ít nước đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó.

Bà Rosa Rolle - Trưởng nhóm phụ trách vấn đề thất thoát và lãng phí lương thực tại Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) - cho biết: “Còn 8 năm nữa và chúng ta chắc chắn không thể đạt được mục tiêu đó”.

Theo các ước tính độc lập, trong 5 quốc gia lãng phí thực phẩm lớn nhất, ít nhất 3 nước là Mỹ, Australia và New Zealand đã tăng lượng lãng phí thực phẩm của họ kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ giới hạn ở các nước giàu. Một nghiên cứu của LHQ năm ngoái cho thấy, hầu hết các quốc gia đều có khả năng cải thiện tình hình.

Các chuyên gia cho biết, kết quả hoạt động ảm đạm là do thiếu đầu tư công và các chính sách rõ ràng để chống lại những thứ như thực phẩm hư hỏng trong xe tải và nhà kho, thói quen tiêu dùng lãng phí và nhầm lẫn về ngày hết hạn và ngày bán.

Làm phức tạp thêm vấn đề là việc thiếu minh bạch. Khi thông qua mục tiêu lãng phí thực phẩm năm 2015, Đại hội đồng LHQ đã không thiết lập một tiêu chuẩn rõ ràng để đo đếm sự tiến bộ. “Các cơ quan và tổ chức phi lợi nhuận của LHQ tham dự COP27 sẽ yêu cầu các chính phủ gia hạn cam kết và cung cấp báo cáo tiến độ tại hội nghị thượng đỉnh năm tới ở Dubai” - bà Rolle cho biết.

Chuyển động chậm

Theo một nghiên cứu năm 2020 của các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ và Ấn Độ, người Mỹ lãng phí hơn 700 calo thực phẩm mỗi ngày - khoảng 1/3 lượng thức ăn khuyến nghị hàng ngày - khiến sự tiến bộ của Mỹ trở thành một chuẩn mực quan trọng đối với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, đất nước vẫn chưa thực sự là hình mẫu. Theo ReFED, một nhóm giảm lãng phí hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ, lượng thực phẩm bị lãng phí tại Mỹ đã tăng 12% từ năm 2010 đến năm 2016 và kể từ đó đã tiếp tục duy trì. Ông Jean Buzby - liên lạc viên về chất thải thực phẩm tại Bộ Nông nghiệp Mỹ - xác nhận: “Chúng tôi còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu”.

Một phần của vấn đề là thiếu nhân lực. Theo bà Dana Gunders, Giám đốc điều hành của ReFED, năm 2018, Cơ quan Bảo vệ môi trường và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (USDA) đã thống nhất cùng nhau giải quyết rác thải thực phẩm. Nhưng họ đã dành rất ít nguồn lực để đạt được mục tiêu kể từ đó.

Trong khi đó, các cơ quan của chính phủ đang dựa chủ yếu vào các công ty tư nhân để tiến gần mục tiêu. Bốn mươi bảy công ty đã tự nguyện cam kết giảm một nửa chất thải thực phẩm của họ vào năm 2030 như một phần chương trình của USDA và EPA được triển khai vào năm 2016.

Các quốc gia khác trong 5 quốc gia lãng phí hàng đầu cũng chậm chạp trong việc thiết lập cơ sở để đo lường sự tiến độ. Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Katar, tại New Zealand, tỷ lệ hộ gia đình bỏ thức ăn vào thùng rác đã tăng lên 13,4% vào năm 2022 từ 8,6% vào năm 2021. Người phát ngôn của Bộ Môi trường New Zealand cho biết, nước này đang hoàn thiện ước tính lượng rác thải thực phẩm cơ bản để có thể thiết lập mục tiêu.

Ngược lại, ít nhất một nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt. Theo Chương trình Hành động Tài nguyên và Chất thải - một tổ chức theo dõi sự tiến bộ của quốc gia - Vương quốc Anh đã giảm lãng phí thực phẩm 27% từ năm 2007 đến năm 2018. Chiến dịch của họ bao gồm việc loại bỏ thông tin về hạn sử dụng “tốt nhất trước…” trên bao bì, phân phối lại thực phẩm không sử dụng cho các tổ chức từ thiện và giáo dục cộng đồng về kế hoạch bữa ăn.

Nỗ lực

Tại bang California, - bang có các chính sách khí hậu tham vọng nhất của Mỹ - các quan chức đang cố gắng đảm bảo chất thải thực phẩm được tái chế thành phân bón chứ không phải đưa ra bãi chôn lấp. Nhưng đó là một cuộc đấu tranh.

Việc ủ thực phẩm thải ra ít khí nhà kính hơn so với chôn lấp vì quá trình phân hủy diễn ra ngoài trời thay vì trong hố có mái che. Khi thực phẩm thối rữa mà không tiếp xúc với không khí, nó sẽ tạo ra khí mêtan, một trong những khí nhà kính mạnh nhất.

Năm 2016, bang California đã thông qua luật yêu cầu giảm 75% việc chôn lấp rác hữu cơ vào năm 2025. Nhưng vào năm 2020, bang đã đi sai hướng, ném thêm 2 triệu tấn thực phẩm vào các bãi chôn lấp so với năm cơ sở 2014. Theo Liên đoàn các thành phố California, sự chậm trễ một phần là do thiếu phương tiện để xử lý chất thải hữu cơ và thời hạn 13 tháng chặt chẽ từ khi các quy định được hoàn thiện đến khi chúng được yêu cầu thực hiện.

Tuy nhiên, tại cộng đồng Thung lũng Apple ở Nam California, các quan chức thị trấn đã trang bị cho người dân những chiếc xe tải lớn để chở rác hữu cơ. Ông Guy Eisenbrey - Giám đốc dịch vụ thu gom rác thải thành phố - cho biết, dịch vụ này đã khiến hóa đơn thu gom rác thải của người tiêu dùng tăng lên vài đô la mỗi tháng, nhưng đó là khoản tiền được chi tiêu có ích.

Theo FAO, khoảng 37% thực phẩm có nguồn gốc động vật và 20% có nguồn gốc thực vật bị vứt bỏ sau khi đến tay người dùng. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước giàu do thực phẩm ở đây có hạn sử dụng ngắn và người dân không có kế hoạch chi tiêu.

Hà Anh