Công nhân trong thời bão giá - Bài cuối: Giữ việc, giữ lương
Trong hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh những giải pháp an sinh xã hội, cần nhanh chóng thực hiện giải pháp linh hoạt, tháo gỡ các vướng mắc đối với từng lĩnh vực, giữ nhịp phát triển để “giữ việc, giữ lương” cho người lao động.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may đang kỳ vọng xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 42 - 43 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành dệt may đang ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Doanh nghiệp (DN) dệt may đang chịu áp lực lớn về đơn hàng. Cụ thể, đơn hàng từ tháng 11, tháng 12 và quý 1/2023 có thể còn giảm.
Thời gian qua, lao động của ngành dệt may giảm từ 5 - 7%. Để tạo việc làm cho người lao động, các DN đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng đó, các DN cũng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm. Nhiều DN dệt may đã tạo thêm mặt hàng để có việc làm cho công nhân, trong khi chờ đợi kinh tế các nước phục hồi với đơn hàng mới.
“Những đơn vị nào đi được 2 chân càng đứng chắc trên thương trường, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Nghĩa là vừa tập trung sản xuất cho thị trường nội địa, vừa đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Giang nói và cho biết, cùng đó các DN dệt may Việt Nam tăng cường chuyển đổi phát triển sản phẩm, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng trong thị trường trong nước được chủ động hơn.
Nếu DN ngành dệt may có đối sách cho người lao động, dự báo có thể phục hồi và phát triển vào quý 3/2023, theo ông Giang.
Ngành dệt may với đông người lao động gặp khó, thì lĩnh vực bất động sản cũng khó khăn không kém. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường BĐS đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Bởi lẽ hiện nay, đã có một số tập đoàn, DN BĐS sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Ông Châu cho biết, nhiều tập đoàn, DN BĐS đang phải thực hiện hàng loạt các biện pháp “đau đớn” để tồn tại. Không ít DN thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…). Điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Do tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, nên một số DN BĐS phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro,... Tình thế rất khó khăn hiện nay của thị trường BĐS có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm thị trường BĐS đóng băng trong giai đoạn 2008-2013.
Thực tế cho thấy, không ít DN BĐS đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Cá biệt có tập đoàn giảm đến 50% lao động, hoặc phải giảm lương.
Chính vì thế, vừa qua HoREA đã có kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Trong đó, kiến nghị quan trọng là cho phép DN chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất để tạo điều kiện tái khởi động các dự án “trùm mền”, tăng nguồn cung nhà ở. Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng khoảng 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Việc này tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023
Xuất khẩu dệt may trong 10 tháng qua đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021, là tiền đề để toàn ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên nhiều lãnh đạo DN cho biết, khó khăn rất lớn là vấn đề lao động khó giữ chân họ khi việc làm giảm đi. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, để giúp DN vượt khó, Chính phủ và các bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho DN. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho DN vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích DN duy trì, ổn định lao động.