Thay đổi hệ thống y tế để phù hợp bối cảnh già hóa dân số
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi.
Tỷ lệ nhóm người cao tuổi trong cơ cấu dân số nước ta đã tăng từ 7,1% năm 1989 lên 8,68% năm 2009 và 11,86% năm 2019; chỉ số già hóa dân số năm 2019 là 48,8%, sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là vào năm 2017.
GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam thông tin: “Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Theo số liệu điều tra về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình mới nhất thì chúng ta đang có khoảng 12,58 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên - PV) - chiếm 12,8% tổng dân số. Có thể dự đoán, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ chính thức trở thành quốc gia có dân số già bởi quá trình già hóa dân số của nước ta chỉ diễn ra chỉ trong khoàng 23 năm, trong khi đó các quốc gia khác mất tới hàng chục, trăm năm. Liên hợp quốc cũng nhận định Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới”.
Các chuyên gia y tế khẳng định, người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.
Cho rằng số người cao tuổi tăng nhanh khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở lứa tuổi này đang ngày càng tăng cao hơn và ngày càng cấp thiết hơn, ông Thắng lý giải: “Bệnh lý ở người cao tuổi có những đặc điểm riêng, không giống với các lứa tuổi khác. Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn tới suy giảm chức năng ở các cấp độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật và khả năng hồi phục sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mãn tính và thoái hóa, như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đa số các bệnh này phải điều trị suốt đời hơn nữa người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc.
TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho rằng: “Dự báo tới năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 17% tổng dân số và con số này có thể lên mức 25% vào năm 2050. Có thể thấy, tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số của chúng ta. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là một nhu cầu cấp thiết cần được đặt ra. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều khó khăn xung quanh vấn đề này như thiếu bác sĩ lão khoa, thiếu điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi, bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng”.
Đưa ra một số giải pháp, bác sĩ Anh cho hay: “Cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai thành lập khoa Lão tại các bệnh viện với cơ sở vật chất được thiết kế phù hợp với người cao tuổi, nếu có thể được, tôi cho rằng cần tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh ở các bệnh viện. Một vấn đề vô cùng quan trọng, đó là nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi tại y tế cơ sở như lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi tại địa bàn, đặc biệt cần phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe ở cộng đồng. Ngoài ra, cần từng bước phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế…”.
Bác sĩ Anh cũng chia sẻ thêm: Chúng ta không thể xây đủ các bệnh viện lão khoa. Bệnh viện phối hợp với Hội Lão khoa Việt Nam sẽ tham mưu cho Chính phủ, Bộ Y tế về các chính sách, trong đó có việc giữ người già ở cộng đồng lâu nhất có thể, vì vào viện dưỡng lão thì phải có điều kiện về kinh tế. Không thể xây bệnh viện lão khoa, viện dưỡng lão thật nhiều. Muốn giữ người già ở cộng đồng thì về vĩ mô phải hỗ trợ kỹ năng, kiến thức tự chăm sóc cho chính họ. Thứ 2 là trang bị kiến thức cho những người chăm sóc người cao tuổi. Thứ 3 là là cần chính sách phù hợp với người cao tuổi, như cần có các loại hình bảo hiểm cho người già...
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa trung ương, những người cao tuổi ở cộng đồng trung bình mắc 3 bệnh còn những bệnh nhân vào tới viện Lão khoa trung ương thì trung bình mắc tới 6-7 bệnh mãn tính cùng lúc. Bên cạnh đó, người trên 80 tuổi thường mắc những hội chứng đặc trưng của lứa tuổi này như hội chứng dễ bị tổn thương, hội chứng lú lẫn, suy giảm nhận thức… những bệnh này đều yêu cầu chăm sóc một cách đặc biệt. Những đặc trưng của lứa tuổi này khiến công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng rất khác so với những lứa tuổi trẻ hơn. Do vậy, trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở người cao tuổi, hệ thống y tế cần có những thay đổi để phù hợp.