Dịch Covid-19: Không chủ quan, buông lỏng
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới được ghi nhận tại nước ta liên tiếp vượt mốc 500 ca bệnh, gần nhất là ngày 17/11, Bộ Y tế thông tin trong ngày có 509 ca mắc mới. Cơ quan này nhận định, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, kết quả phân tích dữ liệu dựa trên các trình tự gen virus SARS-CoV-2 được khắp thế giới tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID đã khiến WHO lưu ý đặc biệt một số dòng Omicron mới nổi. Trong đó BQ.1 tăng từ 13,3% lên 16,2%; trong khi BA.5 với các đột biến thoát miễn dịch bổ sung tăng từ 22,4% lên 23,2%. Toàn cầu cũng có khoảng 14,4% trình tự gen chưa được xác định cụ thể.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO đánh giá: “Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch Covid-19”.
GS. TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, không loại trừ trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đang trong tình trạng được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
PGS. TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo: “Việt Nam cần đánh giá nguy cơ, tình hình dịch, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Trong giai đoạn này, chúng ta đã chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, nới lỏng đồng bộ nhưng vẫn cần dự phòng đồng bộ, nới lỏng song không vì thế mà buông trôi, thả lỏng. Covid-19 sẽ còn kéo dài, có thể còn ca nặng, vì vậy, cần tiếp tục bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch...”.
Được biết, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19.
GS. TS. Phan Trọng Lân khẳng định, các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào thì các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ nhanh chóng được áp dụng trở lại (kể cả biện pháp 5K) để kịp thời khống chế không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.