Tạo dấu ấn cho gạo Việt
Là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới nhưng gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu đủ mạnh. Vấn đề này đã được bàn đến rất nhiều, tuy nhiên để xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt đúng nghĩa không đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Liên- Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu lương thực tại TPHCM chia sẻ, chỉ cần đến các vựa gạo lớn bất kể ở đâu tại Thành phố hỏi mua gạo của Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản...đều có. Nhưng qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của đội ngũ nhân viên thị trường trong công ty thì thực tế gạo ngoại ở Việt Nam không nhiều như chúng ta nghĩ. Đưa gạo về “vựa gạo” Việt Nam giống như “chở củi về rừng”, nên việc nhập gạo về trong nước rất dễ bị thua lỗ.
Trả lời cho câu hỏi tại sao tiểu thương lại giới thiệu gạo từ Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia? Bà Liên giải thích rằng, đó là do tư tưởng sính ngoại, nhiều người lấy nhãn mác gạo nổi tiếng của nước ngoài để dễ bán cho người tiêu dùng trong nước.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về xuất khẩu gạo trong nhiều năm gần đây, nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), việc sản xuất lúa ở nước ta vẫn đang ở dạng nông hộ, có khoảng 80% gia đình sản xuất lúa có quy mô dưới 0,5 ha. Trong khi đó, hoạt động sản xuất có tổ chức như hợp tác xã, hội, tổ…để sản xuất theo hợp đồng chưa nhiều, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá thành thấp.
Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể nhưng so với quốc gia láng giềng Thái Lan, gạo Việt vẫn còn nhiều thiệt thòi về giá.
Vậy làm gì để tạo thương hiệu cho gạo Việt Nam? Theo ông Đào Trọng Tiến- Giám đốc Công ty TNHH Lương thực và thực phẩm Hải Sơn (Long An), trước mắt cần xây dựng thương hiệu gạo Việt bắt đầu từ thị trường trong nước, bởi trong nước chưa ổn thì ra nước ngoài cũng khó cạnh tranh. Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhưng lớn là về số lượng, còn giá trị gia tăng vẫn khá hạn chế.
“Khi thị trường trong nước chấp nhận logo, quen với thương hiệu gạo Việt thì phát triển thương hiệu, logo cho gạo xuất khẩu không quá khó, nhất là việc chúng ta có lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá lớn, họ chính là cầu nối để gạo Việt thâm nhập sâu vào thị trường hải ngoại” - ông Tiến phân tích.
Còn ông Trần Nguyễn Thanh Tùng - đại diện Công ty cổ phần Lương thực Tây Nam (Tiền Giang) cho rằng, đã qua thời lấy số lượng để tạo thương hiệu, trong khi hiện tại nguồn cung gạo của các nước xuất khẩu là rất lớn, vì vậy cần hướng mạnh đến giá trị gia tăng của sản phẩm, tức là hướng đến chất lượng và thương hiệu.
Ông Tùng cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt cần chú ý đến 3 yếu tố cơ bản, đó là: Chọn sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận; khả năng sản xuất đáp ứng thị trường và khả năng cạnh tranh của loại gạo này trên thị trường. Trong từng yếu tố đó, cần phải linh động điều chỉnh theo sự thay đổi của thị hiếu người tiêu dùng.
Theo GS Võ Tòng Xuân, cần có định hướng, chiến lược thực hiện quản lý bài bản. Bài học cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, lúa gạo nói riêng vẫn là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, có lợi nhuận là làm, sản phẩm ra nhiều thì kêu gọi “giải cứu”. “Nếu là gạo ngon thì chưa chắc phải “giải cứu” nhưng cung vượt cầu, bị ép giá là điều có thể xảy ra và làm thương hiệu cần phải tính toán để tránh việc này” - GS. Võ Tòng Xuân khuyến cáo.