Quỹ bảo trì chung cư vẫn rối
Mặc dù chỉ ứng với 2% giá trị căn hộ nhưng tổng số tiền quỹ bảo trì chung cư khi cộng gộp tất cả các căn hộ có thể lên tới vài chục tỷ đồng, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng. Trên thực tế, số chủ đầu tư nghiêm chỉnh chấp hành quy định bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư là rất thấp, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân.
Người dân bức xúc
Luật Nhà ở năm 2014 quy định người mua nhà chung cư phải nộp phí bảo trì là 2% giá trị căn hộ; chủ đầu tư có trách nhiệm thu và gửi tổng số tiền thu được vào tài khoản tiết kiệm cho tới khi Ban quản trị của tòa nhà chính thức được thành lập, chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì này cho Ban quản trị nhà chung cư.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay ở Thủ đô Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư cố tình chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị vẫn nhiều, thậm chí trở thành vấn đề nóng.
Thông tin được UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, đến nay vẫn chưa thể tiến hành cưỡng chế phần quỹ bảo trì chung cư Hòa Bình Green City tại số 505 Minh Khai, Hà Nội đối với Công ty TNHH Hòa Bình. Trong báo cáo của quận Hai Bà Trưng, thực hiện quyết định ngày 27/9/2021 của UBND TP Hà Nội về việc ủy quyền cho quận Hai Bà Trưng cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư Hòa Bình Green City, số 505 Minh Khai, Hai Bà Trưng.
Mặc dù đã đôn đốc hướng dẫn nhưng đến nay quận Hai Bà Trưng chưa có số liệu kinh phí bảo trì của tòa A và tòa B và số tài khoản tiếp nhận kinh phí bảo trì của Ban Quản trị tòa A. Do vậy, chưa đủ thông tin để ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì sở hữu chung nhà chung cư Hòa Bình Green City.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 18/11, ông Đồng Minh Luật - Trưởng ban quản trị toà B Hoà Bình Green City cho biết, Ban quản trị toà B đã gửi công văn đi các cấp chính quyền và UBND thành phố Hà Nội để đòi lại khoản tiền chính đáng của các hộ dân. UBND thành phố Hà Nội ngày 27/9/2021 cũng đã có quyết định uỷ quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng có trách nhiệm trong việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì toà nhà để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Thời điểm tháng 3/2022 là đã hết 06 tháng uỷ quyền, vậy nhưng từ đó đến nay Ban quản trị cũng không có thêm thông tin gì.
Ông Luật nói: “Tới thời điểm này các quyết định cũng chỉ là trên giấy và Ban quản trị chưa nhận được văn bản thông báo nào về việc thực hiện quyết định này của UBND TP Hà Nội. Mới đây, Ban Quản trị cũng đã có văn bản yêu cầu UBND TP thông báo cho Ban quản trị về việc thực hiện quyết định. Tuy nhiên, đến nay UBND TP vẫn chưa có văn bản trả lời”.
Đại diện Bản quản trị toà B - Hoà Bình Green City cũng cho biết, hiện toà nhà đang tồn tại hai vấn đề: Đã 8 -9 năm cư dân về ở nhưng chưa có sổ đỏ do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; Chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì và các hạng mục theo quy định pháp luật cho ban quản trị.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thuận là cư dân của toà B toà nhà Hoà Bình Green City nói, người dân ai mua nhà cũng muốn được cầm sổ đỏ cho chắc ăn. Có sổ đỏ mới chứng minh được đó là tài sản của mình. “Trước kia bức xúc nhiều mỗi lần nói về quỹ bảo trì, thì nay nói nhiều quá rồi. Nhiều người dân còn mất niềm tin vào hành trình đấu tranh với chủ đầu tư” – anh Thuận chia sẻ.
Một cư dân khác ở toà A, Hoà Bình Green City nói thêm, ước tính quỹ bảo trì của cả hai toà tháp A và B phải lên 40 tỷ đồng. Số tiền lớn này chủ đầu tư không chịu trả cho Ban quản trị , nên người dân rất bức xúc.
Anh Doãn Toàn Thắng – Trưởng ban quản trị toà B – Hoà Bình Green City khẳng định với PV Báo Đại Đoàn Kết: “Ở Hoà Bình Green City không có chuyện tranh chấp quỹ bảo trì, mà đây là tiền quỹ bảo trì của người dân, chủ đầu tư phải trả lại tiền cho người dân. Vấn đề chúng tôi muốn nói là làm sao bảo vệ được số tiền của quỹ bảo trì tại toà nhà”.
Thông tin từ Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, sau khi tiến hành thanh tra 22 chung cư trên địa bàn Hà Nội nhiều chung cư tại thời điểm thanh tra (năm 2020) chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn; bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, quá trình làm việc đa phần các nhà chung cư chưa quyết toán số liệu kinh phí bảo trì.
Bảo vệ quyền lợi người dân
Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà chung cư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, trong đó có thêm quy định xử lý tình trạng chiếm dụng kinh phí bảo trì.
Luật sư Phạm Ba Đô - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trên thực tế pháp luật quy định rõ về vấn đề này, trong đó đáng chú ý nhất là quy định về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Sau khi mở tài khoản quỹ bảo trì, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án thông tin về tài khoản này. Ngoài sự giám sát của sở Xây dựng, điểm mới đáng chú ý là sau 5 ngày nhận quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp trong tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì không đủ hoặc không còn kinh phí để bàn giao, UBND cấp tỉnh được phép cưỡng chế thu hồi từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không còn tiền trong tài khoản, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất của chủ đầu tư để thực hiện việc kê biên và tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì...
“Chế tài đã có, cơ quan chức năng cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của người dân, hạn chế các tranh chấp kéo dài” – Luật sư Đô nói.
Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn từ khi Luật Nhà ở 2005 đến trước khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành thì có một thực tế, chủ đầu tư không lập tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì theo quy định, do đó không có tài khoản để cưỡng chế kinh phí bảo trì. Do vậy, khi Sở trình UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định cưỡng chế phải xác định các tài khoản khác của chủ đầu tư và thực hiện trên các tài khoản này. Tuy nhiên, có tình trạng một số chủ đầu tư lại có nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế.