Sinh viên ra trường làm trái ngành: Chông chênh hướng nghiệp
Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong đề án tuyển sinh đại học (ĐH) hàng năm các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất… Số liệu về việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp rất quan trọng đối với các cơ sở đào tạo.
Sinh viên thiếu kỹ năng mềm
Thời gian qua thống kê của các trường ĐH về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng đến 1 năm tương đối cao, từ khoảng 80-95% tùy từng cơ sở đào tạo.
Ông Bùi Tiến Dũng - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho rằng, một cơ sở đào tạo tốt thì cần phải có những sản phẩm đầu ra tốt, đó chính là các sinh viên phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng. Trước mắt bảo đảm mọi sinh viên ra trường phải có được việc làm, sau đó sẽ đề cập đến vấn đề việc làm đúng ngành, nghề đào tạo và có thu nhập cao và cuối cùng là chất lượng của sinh viên phản ánh qua hiệu quả công việc thông qua 3 trụ cột là kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Chính vì vậy, theo ông Dũng, số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp rất quan trọng đối với các cơ sở đào tạo, đây là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo; Phản ánh chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, sẽ thu hút được học sinh phổ thông đăng ký vào học tại trường. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, là cơ sở để nhà nước giao nhiệm vụ.
Theo kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH năm 2021 do Bộ GDĐT công bố, các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%), bao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Còn ở năm 2020, kết quả khảo sát từ báo cáo đánh giá việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT công bố cho thấy có 5 trở ngại lớn khi sinh viên ra trường tìm việc. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; thiếu hiểu biết về thị trường lao động và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.
Đại diện nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, nhiều lý thuyết đang được giảng dạy ở các trường ĐH không đúng với thực tế các doanh nghiệp đang sử dụng, vận hành. Hiện nay, các công ty tuyển dụng có khuynh hướng tiếp nhận những người làm được việc ngay. Ngoài chương trình đào tạo, 41,6% số doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp ĐH đang thiếu kỹ năng mềm. Đây chính là hạn chế lớn nhất của sinh viên, tác động đến cơ hội có được việc làm và việc làm chất lượng.
Trên 24% sinh viên làm trái ngành
Kết quả nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học gồm TS Trần Quang Tuyến, TS Vũ Văn Hưởng và Nghiên cứu sinh Vũ Bích Ngọc - Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%. Nhóm đã sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê các năm 2018, 2019 và 2020, trong đó tập trung vào lao động có bằng cấp cao nhất tốt nghiệp ĐH và làm công ăn lương.
Theo TS Trần Quang Tuyến - làm trái ngành là khi người lao động đảm nhận các công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo. Để tìm hiểu sâu hơn về sự khác biệt, nhóm nghiên cứu tập trung đo lường ở nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, bởi số lao động ĐH từ ngành này chiếm tỷ trọng lớn hiện nay (khoảng 28,6% năm 2018 và 29,5% năm 2020). Phân tích thống kê cho thấy, tỷ lệ làm việc trái ngành của nhóm ngành Quản lý, Kinh doanh tăng dần đều theo độ tuổi.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên làm trái ngành nghề, là do công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh không làm tốt. Việc học sinh ra trường không làm đúng ngành nghề, có thể trong quá trình học thì họ cảm thấy ngành nghề không phù hợp với bản thân, nên khi sinh viên ra trường, tiếp xúc với xã hội thì có nhu cầu khác. “Hiện giờ phải thống kê nhu cầu của xã hội như thế nào, để giới thiệu và hướng nghiệp cho học sinh chọn lựa”- ông Nhĩ nói.