Thành cổ Sơn Tây, vàng son một thuở
Thành cổ Sơn Tây là một trong những trọng trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ kết hợp với tiềm năng du lịch của địa phương, nơi đây được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách thập phương. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của vùng đất di sản.
Ngôi thành tiêu biểu cho thời kỳ xây dựng thành lũy
Thành cổ Sơn Tây được hình thành từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Thành được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở Xứ Đoài. Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du phía Bắc.
Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, ngay từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam Tống Trung Tín cho rằng, Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác đã cơ bản mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại. Hơn thế, Thành cổ Sơn Tây còn có vị thế đặc biệt trong khu vực trung tâm di sản với mật độ di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm nhấn hội tụ cho văn hóa Xứ Đoài.
Nói về giá trị Thành cổ Sơn Tây, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ khẳng định đây là một di tích hết sức có giá trị về mọi mặt, từ bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành đến quy mô, cấu trúc… Với tính chất quan trọng về lịch sử, năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo đánh giá của các nhà sử học, chuyên gia, trong những năm qua, lãnh đạo và nhân dân Sơn Tây đã có nhiều cố gắng nhằm bảo tồn những di tích của tiền nhân với sự ủng hộ của UBND tỉnh Hà Tây cũ và thành phố Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, cần khách quan thừa nhận rằng, do phương pháp thực hiện thiếu bài bản nên không ít hoạt động tu bổ tôn tạo các di tích tại khu thành cổ Sơn Tây trong những giai đoạn này đã không đạt được hiệu quả mong muốn.
Phát huy vai trò chủ thể văn hóa
Nhằm khẳng định vai trò, vị trí của di sản, đưa di sản trở thành một trong những điểm nhấn hội tụ, kết nối lịch sử, văn hóa Xứ Đoài, trong khuôn khổ tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ, thị xã Sơn Tây triển khai nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá.
Trước đó địa phương đã triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để đánh thức tiềm năng của di sản, như tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ; hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà văn hóa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm…
Người dân Sơn Tây và các chuyên gia kỳ vọng những hoạt động trên cùng với sức hút sẵn có từ giá trị cốt lõi mà Thành cổ Sơn Tây đang có sẽ thu hút nhiều du khách thập phương đến với Sơn Tây.
Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, cần tập trung đầu tư cho giáo dục di sản, với các giải pháp: Nghiên cứu, nhận dạng, tư liệu hóa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị của không gian văn hóa của Thành cổ…
Còn TS Nguyễn Doãn Văn - Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho rằng, để phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây cần thiết phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương hiểu biết thêm về giá trị và bản chất của di tích, để có thể phát huy tốt nhất các nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đây chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm an ninh văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, địa phương phải xây dựng định hướng bảo tồn di tích, đặc biệt phát huy vai trò của chủ thể văn hóa với mục tiêu chủ thể văn hóa tự thích ứng, tự lựa chọn phương thức sinh tồn để tái sản xuất và gìn giữ di tích.
Ông Trần Anh Tuấn - Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, địa phương đã lên kế hoạch trùng tu di tích Thành cổ trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi lên các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận di tích Thành cổ Sơn Tây là Di tích Quốc gia đặc biệt.