GS Phùng Hồ: Lặng lẽ và cần mẫn
GS Phùng Hồ - nguyên Trưởng bộ môn Vật lý chất rắn và bộ môn Vật lý và Công nghệ vật liệu điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tâm hồn thơ ở một nhà khoa học tự nhiên từng được đào tạo rất bài bản tại Liên Xô (cũ), nằm trong thế hệ trí thức dấn thân, luôn thao thức để được cống hiến cho đất nước. Ông sinh năm 1938, năm nay bước sang tuổi 85.
Thế hệ các ông không chỉ đi qua chiến tranh lửa đạn mà còn phải vượt qua đằng đẵng đói nghèo, khốn khó vô vàn về vật chất, song đời sống tinh thần lạc quan phong phú luôn khiến chúng ta hôm nay phải ngưỡng vọng học hỏi rất nhiều.
Ở các ông luôn là một tinh thần trí thức dấn thân cống hiến hết mình cho sự nghiệp khoa học theo từng chuyên ngành, nhưng không hiểu tại sao ai cũng có một hồn thơ lãng mạn vừa bay bổng vừa trầm hậu. Phải chăng chính tâm hồn thơ ấy đã đưa các trí thức vượt khỏi khung khổ bó buộc của cuộc sống, tự biết nâng mình vượt mọi gian truân, cơ cực ở đời.
GS Phùng Hồ từng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Triệu Đông, xã Bùi Xá (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Cũng như bao lớp trẻ ngày ấy, tuổi thơ tôi lớn lên bằng những hạt lúa, củ khoai được đánh đổi từ giọt mồ hôi nhọc nhằn của cha mẹ. Tình yêu thương ấy cùng với truyền thống văn hóa đáng tự hào của quê hương đã thực sự trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc chí hướng và thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu. Theo thời gian, những tháng ngày vất vả cũng dần đi qua khi tôi đã tìm được bến đậu của đời mình. Vợ tôi - PGS.TSKH Kiều Thị Xin cũng là người con của quê hương Tùng Ảnh (Đức Thọ)”.
Những tâm sự thật như hạt lúa củ khoai ở một nhà khoa học chuyên ngành Vật lý chất rắn như dẫn dắt chúng ta trở về tháng ngày cần lao vất vả của không chỉ riêng gia đình ông Phùng Hồ. Ngay như vợ ông, một nhà khoa học dường như quá thuộc nết ăn ở của chồng đã ngấm vào thơ: “Chồng tôi là một thầy đồ/ Người Hà Tĩnh, ở Thủ đô lâu rồi/ Quanh năm dạy học lần hồi/ ...Chồng tôi không phải thằng hèn/ Việc gì cũng được, kiếm tiền thì không/ Vừa chuyên mà lại vừa hồng/ Muốn làm Thủ tướng nhưng không ai mời/ Đành làm dân đỏ suốt đời/ Không tiền nên chẳng chơi bời trăng hoa” (Email).
Quả tình cái đạo vợ chồng của ông đồ xứ Nghệ thời hiện đại nó cũng trào lộng lắm.
Cái gì cũng có gốc rễ nguồn cơn của nó. Một nhà khoa học tự nhiên, dẫu có là thiên tài chăng nữa đều phải bắt đầu từ gốc rễ của mình. Trong bước đường trưởng thành lại phải càng biết tự lượng sức mình, hiểu được những nặng nhẹ ở đời mới bình an được. Với đất nước chúng ta càng như vậy, chân đất đầu trần bước vào khoa học càng muôn vẻ truân chuyên. Không dễ gì làm chủ càng không dễ gì sáng tạo.
Vậy mà thế hệ các ông đã mau chóng tiếp nhận và làm chủ những ngành khoa học, nhất là công nghệ hiện đại. Ví như việc các kỹ sư, bộ đội của ta tiếp nhận và làm chủ vũ khí khí tài hiện đại để có được chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không với việc tên lửa của ta quật tan xác 34 pháo đài bay B.52 khiến chao đảo Lầu Năm Góc chẳng hạn. Và những người lính ấy, nhà khoa học ấy vẫn trên tháp pháo, trong phòng thí nghiệm vừa nghiên cứu sáng tạo vừa sáng tác thơ ca.
GS Phùng Hồ cũng không ngoại lệ. Sau chiến tranh, mấy chục năm miệt mài trên giảng đường Đại học Bách Khoa Hà Nội mà mỗi bận về quê, vị giáo sư khả kính lại bồi hồi xúc động về những hương vị quê nhà: “Về thăm quê lần ấy gặp mùa rươi/ Mây mọng nước đầy trời bay lướt thướt/ Lối chợ Trổ bùn vương nhiều vỏ quýt/ Thương mẹ cha nhớ da diết một thời/ Màu nghệ vàng, vàng vỏ quýt, vàng rươi/ Xanh rau cải, xanh lá gừng, lá tỏi/ Miến trắng dọc bờ đê hong gió thổi/ Lũ quạ khoang bay chấp chới cướp mồi/ Thương dân mình mong mãi những mùa rươi/ Miến bán chạy để cho người vất vả/ Chiều gánh nước đường lầy trơn bến đá/ Đêm thùng thình bột giã mãi canh tư...” (Mùa rươi).
Ôi chao! Vẫn là tiếng làng tiếng nước thảo thơm vọng lại. Vẫn là ông bà ta, mẹ cha ta, anh chị ta, xóm giềng tần tảo sớm hôm cần mẫn trong công cuộc mưu sinh. Từ nền tảng đó, những người con ra đi và trở về như tìm lại bình yên trong tâm hồn mình dài rộng: “Phía trăng mọc là phía nồm đổ bộ/ Núi Giăng Màn ngăn gió phía Trường Sơn/ Dòng sông La khó nhọc vượt thác ghềnh/ Chở xanh mát xuôi về làng bình lặng/ Tre đuôi chồn nặng trĩu đàn cò trắng/ Cánh dập dờn chao nắng buổi chiều hôm” (Làng tôi xưa).
Đúng thực là quê hương đi mấy vẫn gần, nghĩa ta - người, nguồn lệ - tiếng cười mãi luôn ở trong ta. Cứ vậy mà lớn khôn. Cứ vậy mà ân nghĩa tình xóm làng sông núi: “Một thời cắt cỏ chăn trâu/ Theo sông hút mắt bờ lau chạy dài/ Bây giờ trồi trụt nhôi nhoai/ Mép sông nham nhở nhớ hoài bờ lau!/ Ngàn lau đuổi gió nơi đâu/ Bông nào hãy vẫn trên đầu phơ phơ” (Bờ lau).
Thơ Phùng Hồ đã rất nhiều lúc, thật tự nhiên, tự vượt khỏi khung khổ một ông thầy nghiêm ngắn, nhất là tư duy của một nhà khoa học chuyên ngành Vật lý chất rắn mà đã như một thi nhân mang tai ách thi ca: “Bến đò/ còn lại bến thôi,/ Bóng cây/ và mảng ráng trời đáy sông./ Khách không,/ không cả đò không,/ Không cây sào cắm,/ cũng không lái đò” (Bến đò).
Nhà thơ Vương Trọng khi nhận định về thơ của GS Phùng Hồ đã viết: “Khác với một số quan chức, giám đốc... gần hết cuộc đời xa lạ với văn chương, đến khi về hưu rồi mới cấp tập sáng tác, GS Phùng Hồ yêu thơ từ thuở tiểu học, bắt đầu làm thơ từ ngày xa quê du học nước ngoài cách đây gần sáu mươi năm. Bởi thế, tập thơ “Mùa rươi” là tuyển chọn những sáng tác trong khoảng thời gian 60 năm. Không gian của tập thơ cũng thật rộng: quê hương Hà Tĩnh, Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh của nước ta, Liên bang Xô Viết và Bắc Phi.
Bài thơ có "niên đại" sớm nhất được tác giả viết trên đường sang Liên Xô du học năm 1960, ghi cảm xúc lần đầu qua biên giới: “Một hồi còi rúc trong đêm/ Đã xa lạ cả bóng đen bên ngoài/ Dưới đường ray đã đất người/ Phút giây hụt hẫng, chơi vơi, bàng hoàng...” (Qua biên giới - Lạng Sơn, ngày 1/8/1960).
GS Phùng Hồ trong suốt hành trình dằng dặc đã dường như tìm đến với thơ ca, vịn vào thơ ca mà đứng vững suốt cuộc đời với không ít thác ghềnh, khúc khuỷu. Gia đình ông là một gia đình thuần khoa học với những tên tuổi lớn của ngành khoa học tự nhiên.
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước: “Hiện cả nước có khoảng 30 gia đình có bố hoặc mẹ cùng với con đều là Giáo sư, vợ cùng chồng đều là Giáo sư. Gia đình GS Phùng Hồ vinh dự nằm trong số này”. Niềm vinh dự đó không chỉ của riêng gia đình GS Phùng Hồ mà còn là niềm tự hào chung của mỗi một người con được sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh. Đó cũng chính là tấm gương thắp sáng ước mơ để tuổi trẻ trên vùng đất học không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn nữa trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần làm rạng danh quê hương.
Năm tháng trôi qua, những sự tìm về đều là hướng tới mùa quả ngọt lành thơm thảo. Hàng năm, mỗi dịp mùng 6 tháng Giêng, tại nhà Thái Học - Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, chúng tôi lại mời cha con GS Phùng Hồ - Phùng Hồ Hải tới trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan cho các cháu đỗ đại học, bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ của họ Phùng trên toàn quốc.
Trên khoảng sân rộng Văn miếu tiết đầu xuân, dưới làn mưa bụi như sương bay đậu trên mái đầu phơ trắng của vị giáo sư khả kính, túm tụm, ríu rít hàng chục cặp mắt, tiếng cười trẻ trung bát ngát bên những tấm bia đá bảng đồng trăm tuổi càng như thấy sự thanh bình hiện hữu từ niềm tin và trí tuệ của những bậc tài hoa tận hiến sức mình cho nước, cho dân.
Giản dị và khiêm nhường. Lặng lẽ và cần mẫn. Cũng như những vần thơ từ núi sông xứ Nghệ vẫn ngân lên, vẫn nối nhau bồi đắp tâm hồn các thế hệ cháu con, những đóng góp của thế hệ ông, của cá nhân ông vào mạch nguồn cuộc sống là vô cùng hữu ích.
Trong lúc nền giáo dục của chúng ta đã và đang phải chịu rất nhiều sức ép, những điều tưởng chừng phi lý đã lên ngôi. Những giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhân nghĩa, đạo đức truyền thống đã và đang bị thách thức nghiêm trọng. Chúng ta, trước thế hệ các nhà khoa học, các bậc thầy trong đó có GS Phùng Hồ dường như cảm thấy mình phải cống hiến nhiều hơn, cất tiếng nói và phấn đấu nhiều hơn.