Cơm củi
Khói bếp cay sè đến nỗi không mở nổi mắt mà mấy đứa cháu của nội vẫn chầu chực canh những củ khoai đang ngủ vùi trong đống tro ấm... Kể từ ngày có nồi cơm điện, chẳng mấy khi nội phải xuống bếp thổi cơm, nhưng mỗi lần nội nhóm bếp là những đứa trẻ lại háo hức, ngóng chờ nội thổi lửa...
“Cái Bống lấy cho nội bao diêm, bé Tôm lấy cho nội tờ giấy làm mồi lửa”, những đứa cháu lớn nhỏ vội vàng chạy đi kiếm mấy thứ đồ nội bảo. Trong lúc chờ hai đứa cháu đi kiếm đồ, nội xếp củi, đổ chấu bao quanh bếp rồi bắc lên trên chiếc kiềng đen thui một cái nồi gang, bên trong đã sẵn gạo trắng, chuẩn bị nhóm lửa.
Nhóm bếp lửa là cả một “nghệ thuật” mà nội được bà cố dạy từ thuở nhỏ, phải nhóm sao cho củi cháy đỏ, lửa không quá to cũng không quá nhỏ, âm ỉ đủ để cơm chín đều. Tay nội thoăn thoắt mồi giấy, cời củi, thổi một hơi nhẹ và dài để ngọn lửa dần bùng lên, bén vào trấu rồi lan vào cành củi khô.
Mấy đứa bé thấy lửa được nhóm lên thì reo hò, vui như người tiền sử lần đầu tiên tìm ra lửa. Ánh mắt chúng mở to nhìn bếp, tay cầm que củi chọc chọc vun vun, bắt chước y như nội... Nhưng rồi cũng chỉ được một lúc, mắt chúng cay cay, đứa nào đứa nấy nước mắt dàn dụa.
Gạt dòng nước mắt, chúng mang que củi một đầu cháy thành than ra vẽ bông hoa, ông mặt trời rồi cười khúc khích khoe nội. Nội cười hiền hậu nhìn nét vẽ ngây ngô của những đứa cháu mới lên 4, lên 5 khen cháu nội có khiếu. Được nội khen, mặt đứa nào cũng tươi cười rạng rỡ mà đâu biết rằng mặt chúng đã lấm lem những vệt tro bếp từ lâu...
Cơm sôi sùng sục một lát, nội mở nồi múc ra một chén con con thứ nước trắng màu đục đục. Cái Bống reo lên:
- A! Nước cơm, nước cơm.
Nội từ từ bưng cái chén đặt lên bàn, cho thêm chút đường rồi đút cho từng đứa ăn. Bé Bống, bé Tôm mắt thòm thèm nhìn theo chiếc thìa nhỏ, dường như đây là thứ chúng mong chờ nhất mỗi khi nội nấu cơm củi. Hương vị ngọt thanh của món nước cơm trộn với đường sao mà khó quên. Không xuất sắc như những món chè, không đậm vị như các món ăn nhưng món ngon ấy là cả một bầu trời tuổi thơ bên nội, vừa thưởng thức thứ nước súp cơm đặc biệt, vừa chơi đùa, lại vùi thêm củ khoai vào đống tro... đợi cơm chín.
Bếp củi nhỏ của nội bao năm tháng trôi qua vẫn luôn ấp iu một ngọn lửa ấm áp tình thương mà nội dành cho con cháu. Những ngày đông gió rét, nội thường hay nhóm bếp lửa để đun nước, rồi rót vào chiếc phích Rạng Đông giữ nước nóng cả ngày. Hết ấm này đến ấm khác, nước cứ đun để nội “lấy cớ” ngồi sưởi cho ấm.
Con cháu trong nhà đâu ai để nội thiếu thốn thứ gì, nhưng nếp sống của người xưa thì không dễ bỏ. Vẫn thói quen mỗi sáng, nội dậy sớm nhóm bếp lửa, đến gần trưa lại vo gạo thổi cơm. Đều đặn ngày hai lần nấu cơm củi, khói bếp nhà nội bay bảng lảng cả một khu vườn... Nội kể ngày xưa không có máy sưởi, chăn ấm, nệm êm, như bây giờ nên cứ những hôm gió mùa về là cả nhà lại xúm lại bên nhau. Lửa ấm làm xua tan đi cái lạnh của mùa đông, gia đình quây quần bên nhau càng làm ấm thêm tình người.
Những câu chuyện nhỏ to nội kể bên bếp lửa, hồi ấy đến giờ trong ký ức xưa chỉ còn đọng lại những truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện ông ba bị,... Những câu chuyện về thế giới tâm linh kỳ quái thu hút mấy đứa cháu nhỏ, chúng sợ đấy nhưng lại rất muốn nghe. Ngồi bên nội, uống chén nước ấm, nghe nội kể vài ba câu chuyện ấy thế mà thời gian trôi qua nhanh quá...
Thoắt cái đã mấy chục năm, những đứa cháu nhỏ hôm nào giờ đã lớn khôn. Chúng đi qua nhiều nơi, mang về cho nội bao thứ của ngon, vật lạ mà cả đời nội chắc chưa một lần nhìn qua. Chúng mang về cho nội chiếc nồi cơm điện, bảo với nội rằng chiếc nồi này sẽ giúp nội nấu cơm, không còn phải cực nhọc nhóm bếp, ru củi như ngày xưa. Mới đầu nội cũng ngần ngại vì không biết cách sử dụng nhưng sau đó thì nội cũng quen.
Nhưng rồi nội bảo: “Đồ hiện đại thì hại điện”, nên cũng phải cho đến khi sức khoẻ không cho phép thì nội mới đành “dùng tạm” chiếc nồi cơm đó. Dù tiện lợi nhưng với nội thì hạt gạo dẻo nấu bằng nồi cơm không thơm bằng hạt cơm nấu bằng bếp củi.
Mùi hương của khói bếp, của cây củi, của vỏ trấu bao trọn lấy chiếc ngồi gang đen, âm ỉ một ngọn lửa làm hạt gạo chín đều, thơm mùi hương của đồng nội quê hương... Đấy mới là một nồi cơm ngon, có cơm dẻo ở phía trên còn đáy nồi là lớp cơm cháy. Cơm cháy là thứ “đặc sản” mỗi khi nội nấu cơm củi, ai ăn cũng khen ngon mà sao với những đứa trẻ hồi đó, nhai cơm cháy như một “cực hình” đối với hàm răng của chúng. Đứa thay răng, đứa mọc răng mà vẫn xoè tay vòi nội miếng cơm cháy để ăn cho giống với người lớn. Ấy vậy mà có đứa vì tham ăn mà mất luôn cả chiếc răng xinh...
Cả một thời tuổi thơ ở bên nội đâu có mấy đứa biết chuyện của nội với bếp lửa. Hồi nội nhỏ, khi còn ở nhà tranh vách đất mái lợp cọ, một buổi chiều nội mải chơi mà quên mất việc đang đun nước, bếp bén lửa dễ mà cháy cả nhà. Chắc có lẽ ai cũng có thời thơ bé nghịch dại, bị mẹ mắng thì mới lớn khôn được như ngày hôm nay... Trải qua bao năm tháng cuộc đời, những điều nội dạy vẫn là hành trang quý của những đứa cháu nhỏ. Dù có lớn khôn, được học hành và đi muôn nơi nhưng khi về bên nội vẫn muốn cùng nội nhóm lên bếp lửa của tuổi thơ, ăn nồi cơm nội nấu và nghe truyện nội kể.
...
Nội nay đã gần 80. Nghe tin các cháu về chơi mà lọ mọ xuống bếp nhóm củi. Tay nội tất bật nhóm bếp, thổi cơm còn mấy đứa cháu thì cứ đi ra đi vào hỏi nội món nước gạo sôi. Nội quát yêu: “Không làm mà đòi có ăn”, thế là chúng hiểu ngay ý nội, đứa chạy đi kiếm bao diêm, đứa chạy đi tìm tờ giấy mồi lửa. Vẫn như ngày nào, những đứa trẻ quây quần bên bếp lửa để được thưởng thức món nước cơm dân dã, thanh thanh, ngọt dịu dàng như tình yêu của nội. Chỉ khác một điều rằng chúng không còn nghịch ngợm vẽ tranh bằng than mà thay vào đấy những đứa trẻ ngồi bên nội, kể cho nội nghe những câu chuyện về cuộc đời chúng, về những điều mà chúng đã trải qua ở ngoài kia, có chuyện buồn mà cũng có chuyện vui...
Lớn lên rồi chẳng mấy khi có thời gian ở bên nội, ăn cơm nội nấu, nghe chuyện nội kể, bởi vậy mà mỗi giây phút bên người thân yêu đều là những phút giây quý giá. Chúng ta không thể biết thời gian để những đứa bé lớn lên là bao lâu, có những người cả đời không bao giờ lớn vì trong mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ, nhưng hiện thực thì ngày xanh trôi nhanh hơn ta nghĩ...
Thời gian trôi qua để những đứa bé lớn lên nhưng ai ngăn được mái tóc của nội phai màu. Và, phải chăng ai yêu thương bên ta một thời, cũng sẽ sang bên kia bầu trời, rồi ta biết tìm họ ở nơi đâu? Trong ký ức hay qua hình ảnh cũng chỉ là những thứ được phục dựng bằng sự tưởng tượng, chỉ khi còn người thật, việc thật thì câu chuyện mới tiếp tục được kể, được ghi vào thời gian...
Những đứa bé lớn lên bên bếp lửa của nội giờ đã có gia đình nhưng vẫn như những đứa trẻ khi trở về nhà trong vòng tay nội. Nhìn nội nấu cơm mà nước mắt chúng cứ trào ra, không biết là do khói bếp làm cay mắt hay do lòng chúng đang cảm động? Có lẽ là cả hai...
Quây quần bên bếp lửa ấm ngày đông giá rét, những câu chuyện tiếp tục được kể mãi cho đến khi cơm chín. Chiếc vung nồi vừa mở ra, một làn khói thơm mùi gạo chín bay lên. Nội vội đảo cơm rồi bưng lên nhà. Hạt gạo dẻo thơm mùi khói bếp ăn kèm với những món ăn quê, nào cá kho, canh rau cải, thêm một chút tóp mỡ hành phi để chấm miếng cơm cháy. Bao ký ức của tuổi thơ dội về trong mâm cơm đầm ấm của gia đình...
Thật may mắn khi nội vẫn còn ở nơi đây, vẫn còn kể tiếp những câu chuyện nhỏ to, nhưng sao khói bếp đã tắt từ lâu mà giờ vẫn còn bay đâu đây? Hóa ra là có người đang nghịch ngợm... Khói bếp cay sè đến nỗi không mở nổi mắt mà những đứa chắt của nội vẫn chờ đợi, canh những củ khoai đang ngủ vùi trong đống tro nóng....