Nhà thơ Chu Thu Hằng: Người thầy đầu tiên là bố của tôi
Nhà thơ Chu Thu Hằng là tác giả của các tập thơ: “Trong giấc mơ”, “Khăn gió ấm”, “Gió lạc mùa”,... cũng như là tác giả kịch bản các bộ phim truyền hình dài tập tiêu biểu: “Tình yêu không hẹn trước”, “Hoa nở trái mùa”, “Lời ru mùa đông”, “Nguyệt thực”, “Nước mắt không màu”, “Bí mật của mẹ”... Với nhà thơ Chu Thu Hằng, người thầy đầu tiên trong cuộc đời, đó là bố của chị.
Bố của nhà thơ Chu Thu Hằng là một thầy giáo dạy Văn. Ông yêu thích văn chương và luôn truyền cảm hứng ấy cho anh em chị từ những việc rất bình dị, như làm thơ tặng các con dịp sinh nhật, dịp lễ, Tết. Lâu dần, các con cũng ngấm sở thích "làm thơ" của bố: “Những bức thư gửi anh trai đi bộ đội, hay đi làm xa nhà, tôi cũng biến những ý tứ, cảm xúc của mình thành những bài "văn vần" tả thực mà tôi coi đó là thơ”, nhà thơ Chu Thu Hằng nhớ lại.
“Những bài thơ nhỏ xinh ấy có tất cả hình ảnh đàn lợn, đàn gà, cây na ra quả, cây chuối trong vườn ra buồng”. Cũng vì ngấm chất văn từ bố, nên từ khi 5, 6 tuổi, nhà thơ Chu Thu Hằng đã dùng những mảnh vải vụn mà mẹ may quần áo cho khách làm thành những con búp bê tí hon và diễn các vở kịch do chị tự nghĩ ra. Sân khấu là một góc bàn học, một góc nhỏ trên chiếc chõng bán hàng của bà ngoại...
Và các vở diễn có nhân vật chính là vua, hoàng tử, công chúa theo sự tưởng tượng của chị luôn có kết thúc có hậu. Chị vừa nghĩ tình tiết theo những gì mình muốn, vừa tự thoại, kể cả hát... Sau này vào đại học, theo học Tổng hợp văn, có học về sáng tác nhưng không nhiều. Nên với chị luôn nghĩ, người thầy đầu tiên định hướng và dạy tôi viết văn, làm thơ là bố: “Còn để viết văn, làm thơ và sau đó là kịch bản phim chuyên nghiệp thì tôi tự học và rèn dũa qua tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch chuyên nghiệp”.
Nhà thơ Chu Thu Hằng chia sẻ: “Tôi không ảnh hưởng ai, chỉ đọc xem thế mạnh của mỗi nhà văn, nhà thơ đó là gì và điều gì làm mình ấn tượng, ám ảnh mình... rồi khi sáng tác thì viết theo cách mình nghĩ. Với kịch bản, khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải mời tôi viết kịch bản phim truyền hình, tôi trả lời chưa từng viết kịch bản nên không biết có viết được không, hãy đưa cho tôi một kịch bản hay đã được dựng phim để tôi xem. Đạo diễn đưa tôi một kịch bản mẫu. Tôi xem và nghĩ có thể làm được. Tôi viết một cách thận trọng, tâm huyết, thậm chí say mê như khai phá một mảnh đất mới nhiều bí ẩn và may mắn là sự thể nghiệm ấy đã thành công. Tôi biết ơn tất cả các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch tài năng mà tôi đã được đọc tác phẩm của họ. Họ là những người thầy sau bố tôi tiếp tục truyền cảm hứng sáng tạo cho tôi”.
Với nhà thơ Chu Thu Hằng, viết kịch bản khác với viết văn và làm thơ: “Văn, thơ thì có khả năng, vốn sống và cảm xúc là có thể viết truyện, làm thơ. Nếu có tài, tạo được "phong cách" riêng thì sẽ nổi bật... Nhưng kịch bản phim, thì như làm một bộ phim trên giấy, ngoài khả năng viết, vốn sống để nhập vai vào toàn bộ hệ thống nhân vật, sống với số phận của hàng chục nhân vật chính, phụ còn đòi hỏi những kỹ thuật riêng về viết kịch bản vốn là loại hình nghệ thuật tổng hợp.
Ở lĩnh vực này, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm như đạo diễn Đỗ Thanh Hải, biên kịch Diệu Hương, Vân Anh. Tôi học được ở họ kỹ thuật viết kịch bản thông qua công tác biên tập của họ. Những gì tôi làm được tuy đã đạt được chút ít thành tựu nhưng vẫn chỉ là một học trò đang tiếp tục phải học hỏi. Hiện tôi vẫn làm thơ, tôi có hàng trăm bài thơ đã in báo... nhưng chưa tập hợp để ra sách mới”.
Nhà thơ Chu Thu Hằng có hai con trai. Một cậu học Công nghệ thông tin và hiện đang làm công việc được đào tạo. Một cậu học du lịch và nấu ăn cũng là công việc mà cậu ấy yêu thích khi chọn trường: “Để làm nghề và có chỗ đứng trong công việc, các cháu đều phải tiếp tục học tập và học hỏi thêm nhiều từ những đồng nghiệp, những người đi trước đã có thành tựu.
Nhưng cả hai con tôi đều luôn nhớ ơn dạy dỗ của các thầy cô. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng các cháu luôn nhớ những kỷ niệm về các thầy, cô các cấp của mình. Cậu học nấu ăn thì luôn nhớ câu chuyện về thầy hiệu trưởng của trường mình học, trưởng thành từ công việc bồi bàn rửa bát cho các nhà hàng, khách sạn sau khi ra trường... để cố gắng hơn”.
Hiện tại, nhà thơ Chu Thu Hằng cũng đang chuyển thể kịch bản phim “Nước mắt không màu” (35 tập) thành tiểu thuyết cùng tên. Ngoài ra, chị viết một loạt kịch bản phim ngắn để phát trên nền tảng số theo đặt hàng.
Chị cho biết: “Tôi thích viết một seri kịch bản phim hoạt hình. Tôi có hai đứa cháu tuổi mẫu giáo, hàng ngày chúng rất thích xem phim hoạt hình. Bộ phim hoạt hình Woffu chúng xem và rất nhiều trẻ em Việt Nam hàng ngày xem là do nhóm làm phim người Việt làm... Nên tôi cũng ước mơ làm được một kịch bản có thể hấp dẫn trẻ em”.