Họa sĩ Đặng Hiệp: Thổi bùng ngọn lửa đam mê tới sinh viên

Việt Quỳnh (thực hiện) 20/11/2022 08:16

Đặng Hiệp được biết tới là một họa sĩ vẽ theo thể loại hiện thực. Tranh anh nhiều tình cảm, nặng nỗi tự sự với mảng màu sâu, lưu giữ những nét đẹp cũ, xưa của Hà Nội. Bên cạnh đó, họa sĩ Đặng Hiệp còn đang giảng dạy tại khoa Thiết kế Mỹ thuật - Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.

Họa sĩ Đặng Hiệp.

Trong sự nghiệp của họa sĩ Đặng Hiệp có những người thầy mà anh luôn lấy họ làm nguồn cảm hứng để phấn đấu như các danh họa thế giới: Vermeer, Levitan, Repin, Ingres, Rembrandt, Velazquez, Chardin... Cùng các họa sĩ Việt Nam: Đỗ Quang Em, Trần Việt Phú, Phạm Bình Chương…

Bên cạnh đó là những người thầy trực tiếp giảng dạy có nhiều tác động với anh về nghề nghiệp lẫn tinh thần: “Thầy Nguyễn Mạnh Hùng người dạy tôi những nét vẽ đầu tiên, truyền cảm hứng, tình yêu hội họa cho tôi ngày còn nhỏ.

Tới những người thầy giảng dạy trực tiếp trên giảng đường như: Nguyễn Đức Lân, thầy Nguyễn Đức Toàn, thầy Mai Xuân Oanh. Trên hành trình đi tìm con đường hội họa của mình tôi còn nhận được nhiều lời động viên, khích lệ tinh thần từ thầy Lê Anh Vân, thầy Vũ Đình Tuấn, thầy Lưu Chí Hiếu...

Nhưng thủ lĩnh tinh thần có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật của tôi phải kể đến là họa sĩ Trịnh Liên - Trưởng nhóm Lưu động, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - người đã dìu dắt từ khi tôi chập chững học xong cấp 3, truyền dạy, bổ trợ nhiều kiến thức nền tảng, đồng hành với tôi trên mọi chặng đường từ học tập, giảng dạy đến quá trình làm nghệ thuật. Đó đều là những người thầy lớn, là tấm gương lao động sáng tạo để tôi noi theo”.

Tâm niệm, “không thầy đố mày làm nên”, họa sĩ Đặng Hiệp luôn biết ơn tất cả thầy cô đã giảng dạy anh ở các cấp học, các mái trường khác nhau, giúp anh có nền tảng kiến thức cơ bản để phát triển nghề nghiệp như ngày hôm nay.

Trên hành trình nghệ thuật, hai người mà anh nhớ ơn nhiều hơn là thầy Nguyễn Mạnh Hùng người thầy dạy những nét vẽ đầu tiên và người anh, người thầy họa sĩ Trịnh Liên người giúp anh phát triển sự nghiệp như ngày hôm nay: “Nếu không có sự giúp đỡ của hai thầy có lẽ sự nghiệp của tôi đã rẽ sang một lối khác. Năm nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, qua đây tôi cũng muốn gửi lời tri ân và kính chúc sức khỏe tới tất cả những thầy cô, đồng nghiệp của mình, tới những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục một lời chúc 20/11 nhiều niềm vui, gặt hái thành công trong sự nghiệp trồng người”.

Khi là một nghệ sĩ đã có nhiều năm thực hành nghệ thuật, giờ đây lại trở thành một người thầy, họa sĩ Đặng Hiệp nhận thấy mình có trách nhiệm cần chia sẻ những điều bản thân rút ra được từ chính công việc thực hành của mình, từ những gì mình được học tập tại trường mỹ thuật đến các bạn trẻ thế hệ sau: “Cố gắng làm tốt vài trò là người truyền dạy kiến thức, kĩ năng, khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên của mình. Mong được đóng góp phần công sức nhỏ của mình vào sự nghiệp đào tạo chung của nhà trường”.

Đến giờ qua 5 năm dạy học, Đặng Hiệp tìm thấy niềm vui ở môi trường mới. Có khá nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề giáo nhưng đáng nhớ với họa sĩ Đặng Hiệp vẫn là việc tạo thêm hứng thú, động lực học tập cho các sinh viên ở mỗi môn học: “Tôi nhận thấy sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội rất tài năng, nếu các em học tập nghiêm túc, chăm chỉ, sáng tạo những bài tập cơ bản của các em có thể trở thành tác phẩm đủ sức tham gia các triển lãm hoặc có thể sẽ có người sưu tập.

Năm 2020, thông qua Facebook tôi kết nối với các bạn bè, nhà sưu tập của mình bán được hơn 10 tranh giúp các em sau học phần tĩnh vật màu nước và sơn dầu. Năm 2022 một bài tập học phần trang trí cơ bản được lọt vào triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ. Tôi nghĩ những việc nho nhỏ như vậy sẽ giúp các em có cảm hứng hơn trong học tập”.

Thầy Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam người thầy lớn của nhiều thế hệ sinh viên có lần đã từng chia sẻ “Dạy làm sao để thổi cho ngọn lửa cháy bùng lên, chứ không phải làm cho nó lụi dần đi”, vì thế, Đặng Hiệp cố gắng tiếp thu tinh thần đó của thầy trong mỗi bài giảng của mình: “Mỗi giờ lên lớp tôi cố gắng khích lệ sinh viên có một khoảng tự do sáng tạo, phát huy cá tính, phong cách riêng mang dấu ấn cá nhân trong mỗi môn học.

Trong giảng dạy muốn sinh viên tiến bộ người giáo viên cần sự góp ý góp ý, hướng dẫn tận tình, tôi luôn để tâm đến việc đó vì các em là những người mới bước vào con đường sáng tạo nghệ thuật cần phải có những hướng dẫn chặt chẽ. Tôi có một thói quen thường xuyên quan sát cách làm việc của từng sinh viên để nhớ tên, nhớ bài và có những gợi ý phù hợp với phương pháp của cá nhân đó. Tôi luôn suy nghĩ làm sao để có cách tiếp cận tốt nhất, truyền đạt được khối lượng kiến thức, hướng dẫn các kĩ năng căn bản đủ để các em vững vàng trên con đường sáng tạo của mình.

Tôi mong muốn sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận đa chiều với các nguồn kiến thức khác nhau, cố gắng phát huy năng lực của bản thân, ngày càng tiến bộ vươn lên trong học tập, rèn luyện. Tôi mong học trò của mình có cơ hôi được giao lưu nhiều hơn với các thầy cô, nghệ sĩ khác nhau thông qua các môn học trực tiếp, các workshop, triển lãm nghệ thuật để có thêm những tìm hiểu mở rộng.

Và hơn hết tôi mong các học trò của mình luôn có thái độ, cách tiếp cận tích cực với môn học; phát huy được phẩm chất, cá tính riêng, luôn có sự chủ động trong học tập, sáng tạo”.

Việt Quỳnh (thực hiện)