Những câu chuyện đều từ gan ruột của mình giãi bày trên trang giấy

NHẬT ĐĂNG 27/11/2022 07:16

Đoàn Lê là người đa tài. Bà ghi dấu ấn đầu đời với phim ảnh. Đó là vai chính (cô giáo Hồng Vân) trong phim “Quyển vở sang trang” năm 1975 của đạo diễn Nguyễn Ngọc Chung. Không ngẫu nhiên vô cớ mà có lý do “chính đáng”: Đoàn Lê từng học khóa I của Trung cấp Điện ảnh Việt Nam (1959 - 1962), nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, cùng lứa với nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới… Rồi có thời gian bà làm Trưởng phòng Biên kịch Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng ấn tượng mạnh hơn khiến nhiều người nhớ đến Đoàn Lê trong điện ảnh, có lẽ là khi bà viết một số kịch bản phim như: “Bình minh xôn xao”, “Cha và con”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Hồ Xuân Hương”… Mà không chỉ thuần làm biên kịch, có nhiều phim Đoàn Lê làm luôn vai đạo diễn. Phim “Con Vá” chẳng hạn - từng giành giải Bông sen Bạc, Liên hoan phim Việt Nam - bà vừa làm làm biên kịch kiêm đạo diễn.

Nhà văn Đoàn Lê. Ảnh: Nhật Đăng.

Lại có thời gian Đoàn Lê làm việc ở bộ phận thiết kế mỹ thuật cho hãng phim. Bà quen biết nhiều họa sĩ mỹ thuật Đông Dương.

Người phụ nữ tài sắc Đoàn Lê còn gây ấn tượng với hàng loạt tác phẩm văn chương đăng trên báo chí, rồi hàng chục tập sách - cả truyện ngắn cả tiểu thuyết - của Đoàn Lê được xuất bản ở trong nước, được dịch và xuất bản ở nước ngoài.

Những “Thành hoàng làng xổ số”, “Lão già tâm thần”, “Người đẹp và Đức vua”, “Trinh tiết xóm Chùa”, “Người đẹp xóm Chùa”, "Cuốn gia phả để lại", “Tiền định”… của nhà văn Đoàn Lê cho thấy một gương mặt văn chương ấn tượng trên văn đàn những năm cuối thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI... Đọc truyện ngắn Đoàn Lê, nhà thơ Dương Tường từng đánh giá: "Cái đọng lại là một dư vị ngấm nghía đến làm ta mất ngủ. Sự chân thật của nhà văn là phép màu biến cái riêng tư thành chân lí phổ quát để người đọc có thể soi mình vào đó”.

Thành công trong phim ảnh, văn chương, nhưng Đoàn Lê còn chứng tỏ tình yêu và sự mê đắm với hội họa giá vẽ. Bà tự tin dấn bước vào hội họa, bày triển lãm chung, riêng.

Tháng 11 này, tròn 5 năm Đoàn Lê đi xa (bà mất ngày 6/11/2017), nhớ về bà, tôi ghi lại những trò chuyện của nhà văn - nhà biên kịch - họa sĩ Đoàn Lê.

* Có câu chữ nào không phải vắt óc ra đâu? Với người cầm bút, cái đầu dành chỗ cho những ý tưởng mới quan trọng. Đối với tôi, việc chuẩn bị viết một truyện ngắn thì gần như câu chuyện đã được sắp xếp đầy đủ trong óc mình, thậm chí thấy nó như hình ảnh một phim ngắn đã xem, đôi khi cả đến nhân vật cũng rõ nét. Sau đó chữ nghĩa tự nhiên chảy ra. Những chi tiết bất ngờ nảy sinh trong khi viết chỉ bổ sung cho da thịt câu chuyện thêm phần duyên dáng.

* Truyện ngắn theo tôi trước nhất là một câu chuyện không có nhiều tuyến, nhiều nhân vật đan xen. Bạn cứ hình dung bạn phải kể câu chuyện cho một người bạn đang sốt ruột, chỉ dành cho bạn rất ít thời gian, chỉ đủ nghe bạn tâm sự về một sự cố, một diễn biến cảm xúc... Tôi rất tâm đắc với những truyện ngắn có ý tưởng sâu sắc, đặc biệt cái kết bất ngờ, ấn tượng.

* Tôi có nguyên tắc sống không xa rời giới trẻ, không xa rời thực tế đời sống, cố nắm bắt nhịp thở lẫn ngôn từ chung quanh mình. Thực ra nó chính là nguồn vui lẫn cảm hứng sống của mình vậy. Rồi từ góc nhìn của mình nhận ra những nghịch lý, những bi hài muôn đời của con người, rồi cố dùng những giọng hài hước nếu có thể để kể lại. Hài hước là thứ sirô giúp người ta dễ uống thuốc đắng.

* Tôi viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, và cả thơ nữa. Vì tôi táy máy lắm công việc, nên cứ khi nào tiện và hào hứng với việc gì thì làm việc đó. Còn thành công hay không, lại tùy vào nhận xét của dư luận. Với người viết, “con” nào mình chả yêu, chả thiên vị. Nhưng nhìn lại quả thực tôi thấy mình thoải mái hơn cả khi viết truyện ngắn. Nó vừa đủ độ thời gian mình dành cho nó, không kéo dài quá.

* Loạt truyện ngắn đầu tiên tôi đăng trên báo Đại Đoàn Kết từ những năm tôi 19 tuổi (1963) như: “Trương Viên”, “Đôi mắt hoa nhài”, “Cây xoan non”. Tôi đã thất lạc những bản thảo truyện ngắn đó rồi. Thật tiếc. Hai truyện đầu viết về những mối tình bị chia cắt do chiến tranh gây nên. Truyện “Cây xoan non” viết về tình yêu gắn bó của các em thiếu nhi đối với những anh bộ đội Cụ Hồ, đăng trên báo Văn nghệ.

* Trong số các nhà văn, tôi phục nhà văn bậc thầy Nam Cao. Ông thật thâm thúy dí dỏm, tinh tế, đầy tính nhân văn. Ngày nay Nam Cao được giới phê bình văn học nghiên cứu và đánh giá khá đầy đủ, như chúng ta đã biết. Cái phẩm chất văn chương của ông luôn khiến tôi ngưỡng mộ. Ông không giả dối chút nào với mình và với người đọc. Tôi cũng cố gắng như vậy.

* Đọc tác phẩm nhận ra được tác giả là chuyện dễ hiểu. Nhưng đôi khi người ta còn hiểu lầm mình nữa. Đa phần những câu chuyện tôi viết đều từ gan ruột của mình giãi bày trên trang giấy. Ẩn trong mỗi câu chuyện có phần sống tôi từng trải nghiệm. Và tôi đều thích thú khi được đi ẩn như thế. Ví dụ bạn thấy tôi hay viết về tình yêu, hãy tin rằng người tôi yêu luôn nhận ra mình có mặt trong đó, dù tôi có đề tặng hay không. Tôi không e ngại khi viết ra những chuyện ấy. Tôi có làm điều gì suồng sã đâu? Nếu e ngại tôi đã không viết. Những chuyện khác nếu tôi viết ra thì hẳn có lý do tôi định giãi bày với độc giả điều gì đó. Nhưng cũng có nhiều truyện tôi hư cấu nữa chứ.

* Xóm Chùa là một địa danh tôi đặt cho nơi tôi từng sống, từng quen biết - đó là làng Lủ (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội). Những nhân vật Sĩ Thái Sư, Lão kép cải lương, bà Chiu, bà Thim... thậm chí đến con chó Mốc, tất cả lúc nào cũng như vẫn sống quanh tôi, quay cuồng trong cuộc mưu sinh. Nhưng xóm Chùa chỉ là hình ảnh đất nước thu nhỏ lại. Xã hội với những xóm Chùa, xóm Núi trong truyện ngắn của tôi, nơi đang thay đổi từng ngày từng giờ, nhuốm đủ nỗi vui buồn thấm thía. Truyện ngắn “Kiệm cười” (báo người Đại biểu nhân dân) tôi cũng viết về xóm Chùa, còn truyện “Gối mộng” (báo Văn nghệ Công an) viết về xóm Núi đều đăng trong tháng 11/2011.

* Tôi mất cả một đời với điện ảnh (42 năm công tác điện ảnh). Nhưng đó là nghề. Nghiệp thì chưa phải. Tuy vậy nghề với cái “nghiệp” trong con người hoạt động của tôi nó không tách nhau, nó hỗ trợ tương quan với nhau và cũng chả chịu phân ngôi thứ đâu.

* Hình như với tôi, một thứ nào đó không đủ diễn tả mọi xúc cảm tự nhiên. Niềm đam mê hội họa giải phóng những thôi thúc sáng tạo của mình khi không viết được. Có những cảm xúc, những vẻ đẹp không thể diễn tả thành lời thì tôi tìm đến hội họa. Với tôi hội họa không đứng riêng mà bổ sung hữu hiệu cho những lúc viết. Có lúc viết nhưng câu chuyện hiện lên trong đầu tôi rõ như một bức tranh. Có thể nói là, nhờ tranh mà những truyện ngắn hay kịch bản phim của tôi cũng có bố cục chặt chẽ hơn và có sự cân đối, hài hòa. Bán một bức tranh đi là tôi buồn lắm, tiếc lắm. Có lần tôi phải gọi bạn bè tôi đến và nói rằng: Hôm nay tôi cho con gái tôi đi ở riêng, mời mọi người đến nhìn mặt lần cuối để chuẩn bị cho cháu có một đời sống mới. Hội họa với tôi, nay đã là máu thịt, ruột rà.

*Vẽ cũng là một cách tôi hưởng thụ cuộc sống khi bất chợt vẽ lên được những màu đẹp, màu lạ cũng giải quyết được nhiều ẩn ức. Vẽ một bức tranh lớn tốn rất nhiều công sức, mà mình lại không phải người dễ dãi nên rất kỳ công. Bởi thế, viết truyện ngắn hay kịch bản lúc này chẳng qua là vì tôi đã trót hứa, trót nhận lời vì quá nể mà thôi.

*Thực ra, lâu nay tranh “nude” vẫn là niềm đam mê của tôi. Tôi cho rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ thật kỳ diệu và tranh “nude” không hề tục. Có chăng nó tục là bởi một số họa sĩ vẽ còn chưa “thoát”. Tranh "nude" phải gợi được cảm giác nó đẹp đẽ một cách trong lành và tinh khiết. Và điều này còn phụ thuộc vào tài năng của mỗi người.

* Nhiều lúc tôi thấy mình quá ít thời gian mà cái gì cũng muốn làm, cái gì cũng đòi hỏi thời gian.

*Cuộc đời rất giản dị nên không việc gì phải đao to búa lớn cả. Trong sáng tạo, tôi làm việc cật lực, thậm chí lao lực, nhưng xét cho đến cùng đó cũng là cuộc rong chơi. Theo tôi, đấy là một cách chơi. Thôi thì tự mình chơi mình, lấy làm làm chơi cho đời sống phong phú, cũng đỡ buồn. Tôi lựa chọn một thái độ với cuộc sống thế này:

Anh cứ nói cả trăm điều dối trá

Để em tin như thể rất dại khờ

Em giấu trong lòng sớm nắng chiều mưa

Điều dối trá hồn nhiên thành vô tội

Thế gian này nặng đâu lời nói dối

Những kiếp người èo uột sẽ đi qua

Rồi tất cả sẽ trở thành vô nghĩa

Tội tình gì em khe khắt với hai ta...

Nhà văn Đoàn Lê tên thật là Đoàn Thị Lê, sinh năm 1943 tại Hải Phòng, trong một gia đình Nho học làm nghề thuốc gia truyền. Bà đã nhận nhiều giải thưởng cho những sáng tác ở hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Riêng tập truyện ngắn “Trinh tiết xóm Chùa” đã được dịch ra tiếng Anh và in ở Mỹ. Tạp chí Consortium Distributors (Nghiệp đoàn xuất bản) nhận xét: "Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với giới học giả, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa Việt Nam sau Đổi mới. Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, li dị, tuổi già; đó là những tác phẩm về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của trái tim con người"...

NHẬT ĐĂNG