Người đàn bà yêu màu tím

TRẦN THỊ TRƯỜNG 22/11/2022 07:38

Tuần trước trong một cuộc vui ở nhà tôi, mọi người thấy trên giá sách có mấy tập thơ “Sau bão” (NXB Hội Nhà văn) và “Thu Không” (NXB Văn học) của Đoàn Ngọc Thu liền lấy xuống đọc. Vậy là cuộc vui mừng bức tranh “Thu vàng” của tôi được một nhà sưu tập ở Úc sở hữu trở thành cuộc bình thơ Đoàn Ngọc Thu – người đàn bà yêu màu tím.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu.

Nhận xét về con người, có thể thấy các mặt đối lập nhau trong một Đoàn Ngọc Thu: Đã đẹp lại còn thơ hay. Đã thơ hay lại còn giàu có. Đã giàu có lại còn thông minh. Đã thông minh lại còn nhân ái. Đã nhân ái lại còn hào hiệp. Đã hào hiệp lại còn đảm đang...

Về thơ, có chung một nhận xét rằng, thơ Đoàn Ngọc Thu giản dị, viết như một nhu cầu nội tại, không cầu kỳ, rào đón nhưng con chữ nhu cầu nội tại ấy lại giàu thẩm mỹ, lại có sức truyền cảm mạnh mẽ, và ngôn từ được sử dụng theo cách của một nhà thơ chuyên nghiệp, tài hoa.

Chữ “Thu Không” là một ví dụ về khả năng “chơi” chữ của tác giả. Chỉ 2 chữ đó thôi đã ẩn dụ rất nhiều tầng nghĩa. Thu vừa là tên người vừa là mùa thu, vừa là thu (lại) khi nó đi với Không (viết hoa). Không ngược nghĩa với Có. Ngược với Sắc (Sắc sắc, Không không). Nhưng Không cũng là không gian, thời gian. Là một cuộc chơi vô tiền khoáng hậu của tác giả. Tác giả coi cuộc đời này, sự nghiệp đã có ấy, bản ngã cá nhân... chỉ là cuộc dạo chơi, không cố ý, nhưng biết đâu, lại là một dấu vết không thể phai mờ...

Đấy là những gì chúng tôi nói về thơ của chị hôm đó.

Tập “Thu Không” là tuyển tập những bài thơ hay nhất, được tác giả tâm đắc nhất trong chặng đường sáng tác 30 năm qua. Một người khoe có được cuốn trong số 100 cuốn “Thu Không” phiên bản đặc biệt, bìa dập chữ nổi, in trên giấy đẹp, được đánh số và tên người mua, có chữ ký của tác giả.

Có 56 bài thơ trong tập này được tuyển chọn từ những tập thơ đã ra mắt trước đó như: “Thầm thì sông trăng” (1992), “Khúc hoang tưởng chiều mưa” (1998), “Muộn” (2001), “Quá giang” (2003), “Vé một lượt” (2013) và một số bài thơ mới được chọn). Đặc biệt tôi muốn nhắc đến tập “Sau bão”, gồm 65 bài, được tác giả viết trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, trong đó có nhiều tự sự, ngổn ngang những tâm tình có cả những nốt trầm, và những cơn bão lốc mới.

Một người khoe rằng đang sở hữu một DVD gồm những ca khúc phổ thơ Đoàn Ngọc Thu, do các giọng ca hàng đầu như: Tùng Dương, Thúy Lan, Vũ Thắng Lợi, Phương Anh, Nhật Thủy… thể hiện. Album còn được tích hợp clip thơ (Poem Video) “Bão”. Thơ Đoàn Ngọc Thu được các nhạc sĩ phổ nhạc và nhiều lần được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sử dụng như: ca khúc “Mẹ” của nhạc sĩ Phan Long, “Anh có còn yêu em như ngày xưa” của Xuân Oanh, “Đừng nhớ nhau nữa được không” của Hà Quang Minh, “Vọng vườn châu”, "Heo may sớm” của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và “Có một ngày 17 tháng 2 năm 1979” của Trần Anh Linh…

Nhắc đến đây, ca sĩ Đức Hòa đứng lên hát ca khúc “Mẹ” khiến chúng tôi ai nấy đều rưng rưng nước mắt: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và những vết thương trên ngực cha cứ trở gió lại đau nhức nhói/ Chiếc ba lô gió sương đã gội, gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi/ Ngày trở về mắt đẫm lệ rơi/ Hai mươi năm ngày mẹ cưới đến hôm nay sống đời vợ chồng/ Hai mươi năm/ Hai mươi năm mẹ nuôi con một mình…”

Có giai đoạn tôi ở gần Đoàn Ngọc Thu. Hồi đó chị đang chăm sóc 2 đứa con ăn học, một còn nhỏ, phải đưa đón hằng ngày, một đã du học Singapore. Khi hỏi thăm căn hộ Thu ở, quản lý tòa nhà hỏi lại: Có phải chị nhà báo xinh đẹp không? Nếu đúng thì chị ấy ở tầng... Đoàn Ngọc Thu không chỉ thơ hay mà còn nổi tiếng xinh đẹp. Mỗi lần gặp chị ở các cuộc thơ Hội Nhà văn tôi cứ thích nhìn mãi cái gương mặt khả ái, nụ cười tươi rói của chị.

Không mấy ai thấy chị nói về cuộc chia tay của chị với người chồng đầu. Người ta còn thấy chị và người vợ sau của chồng mình chơi thân với nhau. Kết hôn lần hai với một người có danh tiếng, nhưng dường như chẳng thấy chị ra vẻ ta đây... Không chỉ chu toàn trong việc làm vợ, làm mẹ, làm bà, Đoàn Ngọc Thu còn làm tròn trách nhiệm người lãnh đạo một tờ báo, được anh chị em trong tòa soạn yêu quý.

2 tập thơ “Sau bão” và “Thu Không” với những minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Thu sống rất tình cảm, với bạn bè rất nhiệt thành, có mặt động viên bằng nhiều hình thức đối với nghệ sĩ, hay với trẻ em nghèo vùng cao, chị cũng là người luôn đồng hành cùng các nhóm thiện nguyện, không chỉ trao tặng vật chất mà cả những chuyến đi gian khổ chị cũng không ngại ngần. Thu không chỉ yêu cái đẹp trong thơ ca, hội họa, mà còn nhận thấy cái đẹp hoàn hảo có trong bóng đá. Chị nồng nhiệt với môn thể thao vừa rất kịch tính, nhưng lại đầy tính nhân bản này.

Đoàn Ngọc Thu rất thích màu tím. Không biết là thứ màu phong thủy hợp mệnh hay còn ẩn trong đó niềm khát vọng thủy chung, bởi cuộc đời chị đã phải nếm trải đôi lần phản bội? Nhưng có vẻ màu tím rất phù hợp với thần thái và nước da của chị.

Chị sinh ra tại Hà Nội và đang sống trong khu phố cổ. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn năm 1992 và khoa Báo chí (cùng thuộc Trường Đại học Tổng hợp - nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) năm 1994. Hiện là Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Chị đã xuất bản nhiều tác phẩm: “Thì thầm sông trăng” (NXB Văn học, 1992); “Khúc hoang tưởng chiều mưa” (NXB Hội Nhà văn, 1997); “Muộn” (NXB Phụ nữ, 2001); “Quá giang” (NXB Hội Nhà văn, 2005); “Vé một lượt” (NXB Hội Nhà văn, 2013) video thơ (poem video) “Bão” (2015); “Sau bão” (2020); “Thu Không” (2020).

Ngoài những bài ưu tư về chiến tranh rất thành công chị còn được bạn đọc nhớ đến bởi những bài thơ tình. Thơ tình của chị khi thì bỏng cháy niềm khát khao yêu thương, khi thì buồn bã xót xa, nhưng cũng không ít bài phản ánh một tâm hồn đầy lòng vị tha của người đàn bà nhân hậu:

“Chiếc bình gốm từng vô tình tuột tay

Sứt một mảnh mà chẳng đành đem bỏ

Neo ân tình tháng năm còn nguyên đó

Dẫu gần, dẫu xa... đã từng có trong đời”...

(Chuyện chiếc bình hoa vỡ)

Chị có vẻ là người thích hoài niệm. Bên cạnh cuộc sống đầy đủ và viên mãn hiện nay chị vẫn dành một góc để nhớ về những trải nghiệm trong đời, qua đó để yêu thương con người hơn và để biết rõ hôm nay của mình hơn.

Loạt bài thơ tháng ba: “Bài thơ tháng Ba”, “Tháng Ba đi nhưng ta sẽ còn nhau”, “Tháng Ba trượt ngã trước thềm”, “Này thì tháng Ba”, “Đánh thức tháng Ba, Nếu một ngày, tháng Ba ta lỡ hẹn” cho thấy thời gian, chuyển động mùa... của người đàn bà đang yêu:

“Người có thấy lộc xanh nảy nõn nường không

Có nghe bước mùa sang giỡn đùa cỏ rối

Nhẹ nhàng nhé, tìm nhau trong bóng tối

Cùng kéo tháng Ba ở lại với chúng mình”

(Bài thơ tháng Ba)

Đoàn Ngọc Thu ít làm thơ có vần nhưng “Tháng Ba trượt ngã trước thềm” là một trong những bài lục bát hiếm hoi trong “Sau bão”, rất thú vị:

“Hoa gạo nở đỏ để... rơi

Cập bờ, gia sản ôi thôi đã chìm

Tháng Ba trượt ngã trước thềm

Nhìn mưa trong nắng, buồn tênh những buồn...”

Đoàn Ngọc Thu dùng chữ rất giỏi, đa nghĩa và rất gợi.

“Tháng Ba ạ, đi ngang như người lạ

Nắng vô tình, gió cũng dửng dưng

Em vẫn sợ nhát dao bất ngờ xuyên thấu

Từ sau lưng, khi môi miệt mài hôn”

Thơ Đoàn Ngọc Thu không chỉ có buồn man mác, buồn thanh tao, buồn đau đớn mà còn đầy khơi gợi, như “Đánh thức tháng Ba”, đánh thức niềm hoan lạc nơi người đàn bà trong một cuộc tình tưởng chừng như đã ngủ vùi sau bão giông đời người:

“Ôm tháng Ba ghì xiết

Giá lạnh trôi chốn quên

Giọt tháng Ba dịu ngọt

Môi mắt say chung chiêng”

Thu đẹp, Thu tài, Thu giàu có và sang trọng thì dĩ nhiên đa đoan và thử thách sẽ tìm đến số phận của Thu. Nhưng có vẻ như “đức năng thắng số” rất đúng với chị. Mạnh mẽ, quyết liệt, bản lĩnh chị buông thì mới mất, chị giữ thì nhất định còn. Chị biết “gạn đục khơi trong” để giữ cái chị muốn và cái chị muốn sẽ đẹp theo ý chị:

“Nhưng chắc chắn ta sẽ còn nhau

Vì cây em trồng vẫn đơm hoa kết trái

Bếp lửa trong nhà mình còn cháy

Bữa cơm chiều, rộn rã tiếng cười con”

(Tháng Ba đi nhưng ta sẽ còn nhau)

“Sau bão” của Đoàn Ngọc Thu là những một tâm sự dài của người đàn bà tận hiến hết mình cho tình yêu. Và ngay cả khi không còn yêu một ai đó nữa nàng vẫn xót xa, vẫn thương cảm và vẫn nồng hậu:

“Anh đừng nhớ em nữa được không

Thu đã ngưng gió

Những lá vàng cuối cùng đã ngủ

Trên mặt đường không còn cả những dấu chân...

Từng đi ngược lối nhau...”

(Đừng nhớ em nữa được không?)

Đoàn Ngọc Thu là vậy, dấu chân của chị vẫn để lại trên những phố cổ Hà Nội và đường thơ.

TRẦN THỊ TRƯỜNG