Thơ kéo con người lại gần nhau
Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã xuất bản 6 tập thơ riêng và 10 tác phẩm thơ văn cho thiếu nhi, trong đó tập thơ “Con chuồn chuồn đẹp nhất” được trao giải Bạc Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2011. Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” (NXB Hội Nhà văn) được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020. Với Cao Xuân Sơn, thơ làm tan chảy mọi băng giá, sưởi ấm tâm hồn, kéo con người lại gần nhau…
Quê của nhà thơ Cao Xuân Sơn, nằm lọt giữa vùng đồng chiêm trũng, tên cũ là huyện Nam Xang, gắn với tích truyện "Thiếu phụ Nam Xương" trong "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ, thuộc phủ Lý Nhân xưa. Như hầu hết các làng quê thuần nông khác của đồng bằng Bắc Bộ, làng của ông đẹp và buồn: “Đẹp vì cảnh sắc ruộng đồng đơn sơ mộc mạc, hoa cỏ lành hiền, người dân thật thà, chịu thương chịu khó”, nhà thơ Cao Xuân Sơn nhớ lại. “Buồn thì đã hẳn, nhưng vì lẽ gì thì trẻ con không sao cắt nghĩa được”.
Có lẽ vì thế, trên khuôn mặt ông, dù đang lấp lánh nụ cười ấm áp pha hào sảng, khi đã thấm tính cách con người sống nhiều năm ở TPHCM, thì đôi mắt vẫn chất chứa nhiều nỗi niềm. Sau này, khi trưởng thành hơn, xa quê, ông mới thấm thía: “Chung quy chỉ tại một chữ nghèo. Đói nghèo ngấm cả vào ca dao tục ngữ quê tôi. Lại thêm úng lụt, bão bùng, rồi bom đạn. Lứa sinh đầu thập niên 60 chúng tôi vừa chập chững đến với bảng đen phấn trắng thì cũng lập tức phải làm quen với hầm chữ A, giao thông hào, mũ rơm, tiếng rú rít của máy bay, tên lửa…”.
Cũng vì thế, Cao Xuân Sơn cảm thấy ông vô cùng may mắn có riêng một vùng ký ức đồng chiêm với 15 năm lấm lem bùn đất: “Mùa hạ thung thăng cưỡi trâu ra đồng, mùa đông lui phui mưa phùn gió bấc. Một tuổi thơ đẫm mùi rạ rơm, khói bếp, thơm thảo, ấm áp lạ lùng. Năm tháng qua đi, quê nhà trở thành máu thịt, thành hồn cốt tự nhiên. Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, tôi vẫn luôn nhớ về nơi mình xuất phát, vẫn đinh ninh mình là gã nhà quê, một trẻ trâu tóc bạc, không hơn. Phải chăng cũng nhờ thế mà những thứ màu mè kiểu cọ giả bộ làm duyên không dễ mê dụ, lung lạc được tôi. Thơ cũng vậy, tung tẩy, phá cách thế nào rồi câu chữ cũng nghiêng về phía chân phác, dung dị nhất có thể”.
Luôn nhớ mình là đứa con của núi Đọi, sông Châu với niềm tự hào nhưng với lãng mạn mơ mộng thì ông tự nhận chỉ chừng mực thôi. Càng nhiều tuổi, Cao Xuân Sơn lại thấy bản thân càng bé nhỏ, chẳng khác gì một con đom đóm vườn quê. Còn vùng quê thân thuộc với tuổi thơ ông xưa kia, còn quá nhiều điều bí ẩn, thú vị mà ông chưa từng hay biết. Gần đây, lần nào về quê, nhà thơ Cao Xuân Sơn cũng tranh thủ ghé thắp nhang nơi mộ cụ Nam Cao với một niềm thành kính sâu sắc.
Tháng 10/1978, Cao Xuân Sơn bước chân vào đại học. Mấy tháng sau, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Với chàng sinh viên khi ấy, mọi thứ đảo lộn. Là sinh viên mà sống đời sống kham khổ, khắc nghiệt, hơn cả lính trận: “Nhưng cũng nhờ thế mà lũ “cua đồng” lơ ngơ như tôi chín chắn, trưởng thành rất nhanh. Dĩ nhiên, có nhiều thứ đành “chín ép”.
Nhưng rồi cuộc sống như chiếc xe đò đường dài chật chội, vẫn phải lăn bánh, để rồi sau những lắc lư dằn xóc, ai cũng tìm được bến đỗ cho riêng mình. Vốn ham học từ nhỏ, nhờ thế, sau khi ra trường, tôi tiếp tục học được ở trường đời những bài học đáng giá hơn nhiều những gì sách vở dạy tôi: học cách thích nghi hoàn cảnh cùng lúc với học đương đầu thách thức, học chấp nhận thất bại song song với học cách khước từ lối đi dễ dãi…”.
Cao Xuân Sơn thường tự nhủ, một người bình thường thì làm sao có thể đòi hỏi sự biệt đãi của cuộc đời? Chăm chỉ, cần mẫn, nhiệt thành mới là phải đạo. Không vậy, thì cần chi phải đến với cuộc đời này? Số phận đã không cho anh chuyên tâm với một công việc gì, nay xô bến này, mai dạt bến nọ, nếu cứ khăng khăng cố chấp, liệu sẽ đi đến đâu?
Trong các thứ nghề, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, quản lý trong ngành xuất bản... chỉ nghề giáo là nghề anh được học hành bài bản, văn chương là sở thích bẩm sinh, còn lại thì toàn là tay ngang. Tuy vậy, tất cả đều dính đến chữ nghĩa: “Có lẽ do mình bẩm sinh trọng chữ nghĩa và luôn biết sợ chữ nên nghề dung được mình?”, nhà thơ Cao Xuân Sơn tâm sự. “Suy cho cùng, làm gì cũng là để làm người cả thôi. Để thăng bằng được thì có lẽ cần nhất là tách bạch nghề và nghiệp: nghề là để tự nuôi sống, nghiệp là để “trả nợ đời”. Phải vậy chăng?”
Với Cao Xuân Sơn, bất cứ điều gì cũng có thể thành thơ, nếu cảm xúc trong ông đủ lớn. Thi hứng như gió ngoài song, hoa nở trước hiên, lá rụng sau nhà, đến lúc nào, làm sao ông có thể biết trước? Khi tứ thơ hay vài chữ vang lên bất chợt, ông viết vội vào mục ghi chú trên điện thoại cho khỏi quên, sau đó, tùy hứng mà hoàn thiện thành bài.
Có nhiều bài thơ dang dở, lửng lơ cả năm trời, bỗng một hôm cái kết tự đến, hết sức nhẹ nhàng, viên mãn. Hiện thời, Cao Xuân Sơn không chạy theo bất cứ “thời khóa biểu” hay “đơn đặt hàng” nào, cũng không nợ nần bất cứ tờ báo nào, nên cứ để mọi thứ “tự nhiên nhi nhiên”: “Mỗi bài thơ như một hạt cườm của thời gian, ngẫu hứng đem xâu thành chuỗi thì sẽ thành tập thơ, chứ không nhất thiết cứ phải theo thứ tự nào.
Tôi hoàn toàn không có thói quen làm thơ theo chủ đề, cũng không cố ý sắp đặt tập thơ theo một định hướng nào. Ngày trẻ, tôi thích mang thế sự và cả rất nhiều lý sự vào thơ. Về sau này, tôi thích tự nhủ, tự trào, độc thoại với vu vơ, với hư không nhiều hơn. Chẳng biết vậy là hay hay dở...”.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn quan niệm: “Ngôn từ chính là những vị sứ giả toàn năng của của người thơ. Với những độc giả thơ chân chính, thơ có thể nâng người ta dậy, chắp cho họ đôi cánh hy vọng. Nó làm tan chảy mọi băng giá, sưởi ấm tâm hồn, kéo con người lại gần nhau… Một khi không còn tin vào sức mạnh ngôn từ, nhà thơ đã chết!”.
Tự nhận mình thường ăn to nói lớn, nhưng nghe thì lại chỉ thích nghe những lời thủ thỉ tâm tình, giữa đám đông huyên náo, Cao Xuân Sơn luôn thấy ngợp, nhiều khi phát hoảng, ngỡ mình đi lạc vào hoang vắng.
Trừ những việc bất đắc dĩ không cách gì trốn được, còn lại, hễ có cơ hội là ông tìm về những khoảng không gian riêng, với một ít bạn bè thật sự thân thiết: “Xách máy ảnh lang thang đâu đó với mình chính là một cách thoát xác. Cảm giác một mình một thế giới, một góc nhìn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc, nhiều hứng khởi, thư thái dễ chịu vô cùng. Còn gì thú bằng tự do đối diện chuyện trò với con người thật của mình?”.
Sau một năm được ngơi nghỉ, hết những áp lực công việc của nhà nước, nhà thơ Cao Xuân Sơn đang tận hưởng những phút giây thư thái của riêng mình. Nói về dự định thơ, ông bảo, viết thì vẫn cứ lai rai, còn chuyện in ấn xuất bản thì cứ để tùy duyên.
Với nhà thơ Cao Xuân Sơn, bất cứ điều gì cũng có thể thành thơ, nếu cảm xúc trong ông đủ lớn. Thi hứng như gió ngoài song, hoa nở trước hiên, lá rụng sau nhà, đến lúc nào, làm sao ông có thể biết trước? Khi tứ thơ hay vài chữ vang lên bất chợt, ông viết vội vào mục ghi chú trên điện thoại cho khỏi quên, sau đó, tùy hứng mà hoàn thiện thành bài. Có nhiều bài thơ dang dở, lửng lơ cả năm trời, bỗng một hôm cái kết tự đến, hết sức nhẹ nhàng, viên mãn. Hiện thời, Cao Xuân Sơn không chạy theo bất cứ “thời khóa biểu” hay “đơn đặt hàng” nào, cũng không nợ nần bất cứ tờ báo nào, nên cứ để mọi thứ “tự nhiên nhi nhiên”. Mỗi bài thơ như một hạt cườm của thời gian, ngẫu hứng đem xâu thành chuỗi thì sẽ thành tập thơ, chứ không nhất thiết cứ phải theo thứ tự nào.